Những dự án tiền tỉ bỏ hoang

13/09/2011 07:05 GMT+7

Được đầu tư với số tiền gần 765 tỉ đồng từ năm 2006, nhiều công trình dân sinh thuộc dự án phân lũ, chậm lũ tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, gây bức xúc trong người dân địa phương.

Điển hình là 6 dự án phân lũ, chậm lũ chưa được hoàn thành, đặc biệt đáng chú ý gồm các công trình xử lý nước sạch nằm ở các xã Gia Minh, Gia Phong và Gia Sinh, khiến hàng nghìn hộ dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống.
 
Ông Vũ Đình Huân, ở thôn Chỉnh Đốn (Gia Minh, H.Gia Viễn) bức xúc: Từ nhiều năm nay nguồn nước sử dụng đã bị ô nhiễm nặng, nước giếng của các gia đình ở đây hầu hết đều có vị mặn chua hoặc lợ không thể nấu ăn và uống được mà chỉ dùng để tắm rửa, thậm chí khi giếng làng hết nước phải ra kênh rạch ở ngoài lấy nước về lọc để sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Dịu, xóm 4 Ngọc Thượng, Gia Phong tỏ ra bất bình: “Nguồn nước vốn bị ô nhiễm từ lâu, đến khi có công trình nước sạch được khởi công xây dựng, người dân rất phấn khởi. Thế nhưng 5 năm trôi qua việc được sử dụng nước sạch vẫn là chuyện xa lạ với người dân chúng tôi”.

 
Nhà máy nước sạch tại xã Gia Minh chưa hoạt động - Ảnh: Cường Trung

Theo quyết định số 19/2005 và quyết định 1864/2006 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ tại huyện Gia Viễn, có 23 công trình tương đương mức đầu tư 370 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2010.

Sau đó UBND tỉnh tiếp tục ra quyết định 1227 về việc điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư xây dựng công trình, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ bổ sung một số tuyến đường giao thông, công trình nhà máy xử lý nước sạch tại Gia Minh, Gia Phong, Gia Sinh... nâng tổng mức đầu tư lên 764 tỉ 800 triệu đồng và giao cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thi công, nhưng đến nay, hàng loạt công trình trong dự án này vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
 
Bí thư Đảng ủy xã Gia Minh, ông Vũ Văn Luân cho biết: “Từ năm 2003, xã đã giao mặt bằng cho nhà đầu tư, năm 2004, dự án được thực hiện, nhưng đến năm 2006 thì tạm dừng. Tiếp theo, đến năm 2008, đơn vị thi công về lắp đường ống dẫn nước theo các trục đường chính tới các cụm dân cư, thế nhưng từ năm 2009 đến nay, dự án dường như “án binh, bất động. Mặc dù xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đồng thời cũng đã trình văn bản lên UBND huyện, tỉnh sớm có biện pháp chỉ đạo để công trình đi vào hoạt động, giúp người dân sớm được dùng nước sạch”.

Tại xã Gia Phong, tình trạng cũng tương tự, ông Phạm Công Đoàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Công trình nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng từ năm 2005, nhưng đến nay người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Điều đáng lo ngại là mấy năm gần đây, tỷ lệ người chết trẻ trong làng, xã đều tăng nhưng chưa tìm được nguyên nhân”.
 
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Xuân Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: “Nhà máy xử lý nước sạch tại các xã Gia Sinh, Gia Minh, Gia Phong xây dựng từ năm 2006 nhưng chưa được hoàn thành là do vốn đầu tư nhà nước cấp đã cạn kiệt. Đến thời điểm hiện tại, huyện Gia Viễn mới chỉ nhận được 213 tỉ đồng trong tổng số gần 765 tỉ đồng”.
 
Ông Minh cho biết thêm, hiện tại đã có 17 công trình thuộc dự án phân lũ, chậm lũ đã được hoàn thành, còn lại 6 công trình đang thi công đã phải dừng vì hết vốn. Đối với những công trình chậm tiến độ, huyện đã lập báo cáo trình UBND tỉnh xin cấp vốn để nhanh chóng hoàn thành vào cuối năm nay. 

Cường Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.