Những dòng sông... không ngủ

12/09/2011 08:44 GMT+7

Các dòng sông ở miền Trung và những cư dân sinh sống đôi bờ, ngày cũng như đêm, đều bị hành hạ bởi tiếng gầm rú của các máy hút cát sạn.

Trên các tuyến sông lớn chảy qua địa bàn Quảng Trị như sông: Hiền Lương, Hiếu, Thạch Hãn, Ô Lâu, Đakrông… không chỗ nào lại không có mặt các đội quân chuyên đi “móc ruột” các lòng sông. Như thể cứ có sông là có đội quân này…

Một năm trước, Thanh Niên từng có bài phản ánh về tình trạng khai thác cát, sạn trên dòng sông Thạch Hãn, nơi được ví là “dòng sông nghĩa trang” gắn liền với trận Thành Cổ mùa hè năm 1972, nhưng câu trả lời của vị lãnh đạo UBND xã Triệu Thượng (H.Triệu Phong) dạo đó vẫn còn như mới: “Sa tặc cũng như lâm tặc. Chúng sẵn sàng chống trả lại nếu lực lượng liên ngành tổ chức truy bắt". Quả thật,  trong suốt năm qua đã có nhiều cuộc ra quân của các ngành chức năng để dẹp vấn nạn này nhưng... đâu vẫn vào đấy. Dòng sông chưa bao giờ được ngủ yên bởi những chiếc thuyền đầy ắp cát, sạn vẫn đi về ngang nhiên và để lại những mảng sạt lở, các hàm ếch ở đôi bờ sông này. Một người dân tại xã Hải Lệ ngán ngẩm: “Chúng tôi đã phản ánh với chính quyền, thậm chí ra mặt phản ứng với bọn cát tặc nhiều lần rồi. Nhưng có thay đổi được gì đâu…”.

 
Ngang nhiên hút cát trái phép giữa ban ngày trên sông Hiếu  - Ảnh: Nguyễn Phúc

Cùng cảnh ngộ với Thạch Hãn, dòng Ô Lâu cũng đang oằn mình trước sự giằng xéo của lực lượng khai thác cát, sạn trái phép. Chỉ khác một điều, đây là dòng sông ranh giới giữa địa phận huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) và Thừa Thiên - Huế.  Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý đối với nạn trộm cát càng khó khăn gấp bội. Sông Ô Lâu đoạn chảy qua địa phận xã Hải Chánh và Hải Sơn có thể coi là công trường chính của nạn khai thác lậu. Hậu quả của việc làm vô ý thức này của một số người dân địa phương không chỉ gây ra tình trạng sạt lở cho hai xã này mà tình cảnh sông “nuốt đất” cũng xảy ra ở các xã hạ lưu như Hải Tân, Hải Hòa… Năm nào, tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng cũng phải cấp kinh phí để xây mới hoặc sửa chữa hệ thống kè dọc sông. Nhưng đây có lẽ chỉ là biện pháp tạm thời vì nếu chưa dẹp được tận gốc thì sông Ô Lâu sẽ tiếp tục lở.

 
Băng chuyền cát sạn được giấu dưới lùm cây, sát mép nước trên sông Hiếu - Ảnh: N.P

Mới đây lực lượng chức năng H.Hải Lăng đã lần đầu tiên bắt giữ Võ Văn Cung (trú xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) và xử phạt 10 triệu đồng vì hành vi khai thác cát sạn trái phép trên sông Ô Lâu. Nhưng đây là trường hợp duy nhất... Ông Đặng Thanh Luận, cán bộ chuyên trách về môi trường thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) H.Hải Lăng thừa nhận: “Dân có cả chục thuyền, trong khi lực lượng liên ngành lại không có chiếc thuyền nào (mỗi lần ra quân phải đi thuê - PV). Đấy là chưa kể việc trộm cát chỉ hoạt động mạnh từ nửa đêm trở về sáng. Nếu mình có đuổi bắt thì chúng lại cho thuyền chạy về phía bờ bên kia thuộc địa bàn tỉnh bạn hoặc cùng đường thì chống trả…”.

Để đưa việc khai thác cát sạn đi vào quy củ, có thể quản lý, UBND H.Hải Lăng đã đồng ý về  chủ trương cấp phép mở mỏ khai thác. “Nhưng dân thì làm chui, manh mún, làm gì thành lập được doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân đứng ra nhận mỏ, nên hiện chỉ có 2 doanh nghiệp ở TP Đông Hà có đơn xin nhận. Nạn trộm cát vẫn lộn xộn như cũ” - ông Luận thở dài.

Mới đây nhất, cuối tháng 8, ngành chức năng H.Cam Lộ đã bắt quả tang Công ty TNHH MTV Trường Tân khai thác cát, sạn chui trên sông Hiếu đoạn qua xã Cam Thành. Trong khi, thông tin từ Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị cho biết hiện nay tỉnh chưa cấp phép cho bất kỳ một đơn vị nào để thực hiện việc khai thác cát, sạn trên sông này.

Nên, có thể khẳng định rằng, tình hình khai thác cát, sạn trái phéptrên các sông ở Quảng Trị là “trăm hoa đua nở”, trong đó dân vạn chài cũng có mà doanh nghiệp cũng không đứng ngoài. Để trả lại sự yên bình cho các dòng sông, hẳn còn quá nhiều việc để làm.

Chặt đầu này, mọc đầu kia

Theo Sở TN-MT, Đà Nẵng chỉ cấp phép khai thác cho 5 đơn vị tại một số vị trí dọc sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê. Nhưng trên thực tế, con số các địa điểm và đơn vị tham gia khai thác cát trên các tuyến sông và vịnh Đà Nẵng không chỉ dừng lại đó.

Liên tục trong nhiều năm qua, nạn trộm cát hoành hành gây mất ăn, mất ngủ cho người dân sống dọc tuyến sông Túy Loan (Hòa Vang), trở thành điểm nóng về nạn khai thác cát trái phép. Tại huyện, có trên 50 phương tiện ghe, thuyền hoạt động, và đây chính là nguồn thu nhập chính của họ. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, khi UBND huyện Hòa Vang đưa ra giải pháp vận động các chủ phương tiện khai thác cát chuyển đổi ngành nghề, huyện hỗ trợ vốn để làm ăn, sinh sống (tương đương 20 triệu đồng/phương tiện) thì nạn trộm cát tại khu vực này đã cải thiện rõ rệt.

Nhưng, H.Hòa Vang vừa tạm dẹp nạn sa tặc thì tình trạng này lại nổi trội tại sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò. Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CA TP Đà Nẵng, từ ngày 16.6 đến 6.9, có gần 20 tàu khai thác cát bị phát hiện, xử phạt và thu giữ phương tiện. Phần nhiều trong số này là các phương tiện đăng ký tại các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Hà Nam. Ở các địa phương như Q.Ngũ Hành Sơn, có ngày lực lượng truy quét, xử phạt đến 8 tàu. Sự phối hợp kiểm tra truy quét của các lực lượng khá gắt gao nhưng tình trạng trộm cát vẫn tái diễn với nhiều hình thức tinh vi. Dù là lực lượng chủ công nhưng theo quy định hiện nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường vẫn chưa được xử phạt trực tiếp đối với các đối tượng khai thác  trái phép cát, sạn, mà phải chờ sự phối hợp của biên phòng, các đơn vị thuộc sở TN-MT. Vì vậy, tính kịp thời, răn đe vẫn chưa được phát huy triệt để nhằm  giải quyết dứt điểm sự lộng hành của nạn trộm cát. 

Vũ Phương Thảo

“Giải cứu” sông Hương

Nạn khai thác cát sạn trái phép đã trở thành vấn đề “nóng” được đưa ra chất vấn tại diễn đàn HĐND tỉnh, trong kỳ họp giữa tháng 8 vừa qua. Báo cáo của UBND tỉnh giải trình trước HĐND tỉnh, đã thừa nhận: “Công tác quản lý, khai thác cát, sạn sỏi lòng sông trong thời gian qua còn buông lỏng; việc khai thác cát sạn, sỏi trái phép thường xuyên diễn ra, việc mở bến bãi tùy tiện, chưa đảm bảo đầy đủ thủ tục đất đai vẫn được cấp phép hoạt động; chính quyền cấp xã cho thuê đất sai thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích; phương tiện khai thác cát sạn, sỏi trên sông có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn hoạt động” Đặc biệt, nạn khai thác cát, sạn ồ ạt, thiếu kiểm soát trên sông Hương, đã gây sạt lở đe dọa trực tiếp đến hệ thống lăng tẩm, đền chùa, di tích, thắng cảnh... thuộc quần thể di sản cố đô Huế, phân bố ở hai bờ sông.

Đầu năm 2011, ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo quyết liệt chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông. Theo đó, UBND tỉnh đã triệu tập hàng chục cuộc họp với các ban ngành, địa phương, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm “giải cứu” các dòng sông.

Tại thời điểm Đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc, ở hai bờ sông Hương (đoạn từ cầu Tuần đến đập Thảo Long) có 33 bãi tập kết cát, sỏi hoạt động trái phép (UBND xã cho thuê đất, sử dụng đất nông nghiệp để làm bến bãi mà không chuyển mục đích sử dụng đất v.v…). Sau hơn 3 tháng kiểm tra, xử lý, giải tỏa 25 bãi tập kết cát, sỏi trái phép và bàn giao mặt bằng trắng cho địa phương quản lý; xử lý 42 trường hợp khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép cát sạn, xử phạt hành chính với tổng số tiền 141 triệu đồng…

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Ngọc Thọ, cho rằng: “Lâu nay, các ngành các cấp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nên việc xử lý đã không đến nơi đến chốn. Đợt này, Đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc sẽ xử lý, giải tỏa triệt để các bến bãi, điểm khai thác trái phép. Với phương châm, sau khi kiểm tra giải tỏa, sẽ bàn giao mặt bằng trắng cho các địa phương. Địa phương nào để tái diễn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”.

B.N.L

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.