Nhọc nhằn nghề 'thổi hồn' cho đá

07/04/2014 10:09 GMT+7

Mặc cho cái nắng như đổ lửa, những người thợ tạc tượng vẫn ầm thầm đục, đẽo, cắt, xẻ… “biến” những tảng đá vô tri thành những bức tượng đầy xúc cảm.

 Thợ tạc tượng đá
Thợ tạc tượng đá tại cơ sở Nhật Thuật - Ảnh: Huy Anh

Tại Bình Dương, những thợ tạc tượng đá đến với nghề bằng nhiều lý do nhưng đặc điểm chung dễ thấy ở họ là sự cần mẫn, tỉ  mỉ. Để tạo ra từng pho tượng mang tính nghệ thuật, người làm nghề phải cặm cụi đục, đẽo, chịu đựng những âm thanh đến nhức óc từ máy tiện và bụi trắng phủ kín mặt, đầu, tóc và cả đôi tay chai sạn của họ.

Đa số những cơ sở điêu khắc tượng đá tại Bình Dương sử dụng đá trắng nhập từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng,...đá ngọc nhập từ Pakistan và Canada. Ông Hữu Tư (làm tại cơ sở đá mỹ nghệ Nhật Thuật, P. Lái Thiêu, TX.Thuận An) chia sẻ: “Mỗi loại sản phẩm yêu cầu một loại đá phù hợp nên khâu lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng. Sau khi chọn được đá thích hợp thì việc dùng bút sáp vẽ để định hình sản phẩm là khâu quyết định “linh hồn” cho một sản phẩm nên hầu hết những người thợ cả mới được làm”.

Để làm ra những sản phẩm từ đơn giản như chậu cảnh, bức phù điêu tới các linh vật tinh xảo như voi, sư tử, ngựa hoặc tượng Phật Bà Quan m, ông Địa, La Hán, những vị Bồ Tát cao lớn đầy trang nghiêm, những nàng tiên cá uốn mình hay những chú sư tử dũng mãnh dựng bờm, những con chiến mã đang phi nước đại… những thợ tạc tượng đá phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Sau khi chọn đá phù hợp, người thợ đá sẽ vẽ tác phẩm bằng bút sáp trên phiến đá. Để biến từng tảng đá thành tượng, đầu tiên người thợ đục thô để tạo hình cho một sản phẩm, rồi đục theo từng chi tiết. Với nghề này, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, sự kiên trì và sáng tạo. Cái quan trọng của người tạc tượng đó là sự tinh tế trong từng nét khắc, tạc, làm sao để những bức tượng toát được cái hồn và thần thái.

Gắn bó với nghề gần 20 năm, ông Nguyễn Hùng (làm tại cơ sở điêu khắc Phi Lê, TP. Thủ Dầu Một) tâm sự: “Các công đoạn làm nên bức tượng, làm mặt tượng là khó nhất, bởi đây là “cái hồn” của tượng. Do đó, người thợ phải tỉ mỉ từng chi tiết để điều chỉnh sao cho bức tượng hài hòa nhất. Đồng thời, người làm nghề phải luôn giữ cho mình sự bình tĩnh, nghiêm túc. Chỉ một chi tiết bị méo mó có thể đánh mất đi vẻ đẹp của tượng”.

Anh Trần Hà (chủ cơ sở điêu khắc tại TP. Thủ Dầu Một) cho biết: “Thời gian làm tượng nhỏ mất năm đến bảy ngày, tượng lớn phải đến hàng tháng hoặc vài tháng. Công sức cũng như thời gian bỏ ra phụ thuộc vào thể loại và sự đòi hỏi của mỗi sản phẩm”.

Tạc tượng không chỉ đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe mà còn cần nhiều đến kỹ năng trong nghệ thuật tạo hình. Tuy nghề đòi hỏi nhiều ở người thợ là thế nhưng đa phần thu nhập của các thợ tạc tượng khá thấp. Hiện tại các cơ sở điêu khắc tại Bình Dương rất hiếm thợ trẻ làm hoặc theo học. Người làm tại các cơ sở này đa phần là những người rất “nặng tình” với đá. Với họ, dường như họ hiểu được lòng dạ đá, họ nghe được “đá khóc”, “đá cười”, “đá hát”. Ðá bao bọc, gắn bó và lòng say mê nghề nghiệp đã giúp những người thợ ấy cứ mãi say nghề để “thổi hồn” mình vào tửng tảng đá.

Huy Anh

>> Cư dân mạng tranh cãi vụ tạc tượng thủ khoa
>> Tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc bích
>> Chế tác tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới
>> Làm giàu nhờ trồng cây hiếm: Tạc tượng bằng cây
>> Tượng đá quý chân dung Alexander đại đế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.