Nhiều án oan ở Bình Phước

02/01/2015 09:45 GMT+7

Có nhiều vụ án oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng Bình Phước gây ra thể hiện qua 2 ngày (29 và 30.12.2014) làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn.

Có nhiều vụ án oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng Bình Phước gây ra thể hiện qua 2 ngày (29 và 30.12.2014) làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn.

Nhiều án oan ở Bình Phước
 Ông Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi họp với cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước
Hàng chục vụ án oan sai (tính từ năm 2011 đến năm 2014) phải đình chỉ điều tra, hủy án trả tự do, bồi thường oan sai.
Oan sai do năng lực cán bộ còn hạn chế
 Liên quan đến “Kỳ án vườn mít”, Đoàn giám sát cũng đã trực tiếp gặp gỡ Lê Bá Mai, đang thụ án chung thân vì 2 tội danh “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” tại trại giam. Theo ông Uông Chu Lưu, sau khi xét xử phúc thẩm lần ba ngày 30.8.2013, Mai tiếp tục có đơn kêu oan và cơ quan này đã nhận được đơn. Ông Lưu cho biết, Đoàn tiếp tục xem xét, nghiên cứu hồ sơ một cách khách quan, kỹ lưỡng trước khi trình lên Quốc hội.
Báo cáo của TAND tỉnh Bình Phước nêu rõ, trong 3 năm làm oan 5 vụ, điển hình như vụ Trần Quốc Sỹ (25 tuổi, ngụ H. Bù Đăng, Bình Phước). Theo hồ sơ vụ án, khoảng 14 giờ ngày 14.12.2009, Phan Hữu Quang (24 tuổi, ngụ Bình Phước) gọi điện rủ Trần Quốc Sỹ hùn tiền mua ma túy về sử dụng thì Sỹ đồng ý. Tuy nhiên, khi đang đứng trước cổng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước thì Sỹ bị Công an TX.Đồng Xoài (Bình Phước) bắt giữ cùng với tang vật là 1 tép hêrôin. Tháng 6.2010, TAND TX. Đồng Xoài mở phiên sơ thẩm và tuyên phạt Trần Quốc Sỹ 2 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Cho rằng mình chỉ mua ma túy để sử dụng, Sỹ làm đơn kháng án. Đến tháng 8.2010, TAND Bình Phước tuyên hủy hình phạt đối với bị cáo Sỹ để điều tra lại. Sau đó nhận thấy Sỹ là đối tượng nghiện và mua ma túy chỉ để sử dụng nên ngày 16.6.2011 Viện KSND TX.Đồng Xoài ra quyết định đình chỉ vụ án. Anh Sỹ được trả tự do sau khi bị giam oan 11 tháng 14 ngày. Tháng 12.2013, tòa này đã thương lượng bồi thường cho anh 70 triệu đồng.
Trong khi đó, Công an tỉnh Bình Phước cũng làm oan 15 người, tiến hành bồi thường 200 triệu đối với 2 trường hợp. Trong đó, có một vụ khởi tố, bắt tạm giam oan sai 4 thanh niên ở Bù Đốp và đến nay đã có đơn yêu cầu bồi thường (TAND tỉnh Bình Phước đã thụ lý đơn yêu cầu). Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 6.2005, bé N.T.Y.N. (13 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, H.Bù Đốp), xin vào bóc hạt điều tại xưởng điều C.P.T-nơi Thái Hoàng Trọng, Phạm Văn Quàng, Nguyễn Hữu Nghĩa và Vũ Ngọc Văn (cùng ngụ xã Tân Thành, H.Bù Đốp) đang làm việc. Tại đây, 4 thanh niên này có hành vi xâm hại cháu N. Đến tháng 10.2005, nhận được đơn tố cáo của bố N., Công an H.Bù Đốp ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 thanh niên trên. Đến đầu tháng 8. 2011, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên: Trọng 9 năm tù, Văn 8 năm tù, Quàng và Nghĩa cùng mức án 12 năm tù. Đến ngày 17.11.2013, TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định, không đủ cơ sở chứng minh 4 thanh niên phạm tội nên đã hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung. Sau đó, Công an tỉnh Bình Phước đã đình chỉ điều tra đối với các bị can Thái Hoàng Trọng, Phạm Văn Quàng, Nguyễn Hữu Nghĩa và Vũ Ngọc Văn vì hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Còn theo báo cáo, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã giải quyết được 13 đơn bồi thường và 1 đơn đang xem xét giải quyết. Số tiền bồi thường oan sai lên tới hơn 1,3 tỉ đồng. Trong đó, có 3 vụ án oan sai nổi cộm gồm: vụ án Trần Quốc Sỹ bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy đã đình chỉ vì không cấu thành tội phạm; vụ Thái Trọng Hoàng cùng 3 đồng phạm bị truy tố về tội hiếp dâm từ năm 2004 cũng được đình chỉ điều tra; vụ án Đinh Đức Hạnh và đồng phạm bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng được tòa tuyên trắng án.
Tại buổi làm việc, ông Uông Chu Lưu đánh giá các cơ quan tiến hành tố tụng Bình Phước đã có báo cáo khách quan và trung thực về các vụ án oan sai. Ông Lưu nhấn mạnh: “Để xảy ra oan sai hoặc áp dụng luật chưa đúng là do trình độ năng lực của một số cán bộ điều tra còn hạn chế. Vì vậy, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước cần tăng cường huấn luyện nâng cao các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.