Nhập viện vì đắp lá để trị bệnh

23/04/2013 08:41 GMT+7

TNO) Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thời gian gần đây liên tục có các ca dị ứng nặng do uống hoặc đắp lá để trị bệnh.

(TNO) Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thời gian gần đây liên tục có các ca dị ứng nặng do uống hoặc đắp lá để trị bệnh. 

Chiều 22.4 có mặt tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (DƯMDLS), chúng tôi chứng kiến bệnh nhân Trần Thị T. 44 tuổi ở Hưng Yên đang điều trị trong tình trạng dị ứng khá nặng: hai khớp gối sưng phồng, phần da quanh khớp gối tấy đỏ, mặt, mắt, cằm, má sưng phù, da nổi ban đỏ từng mảng lớn.

Người nhà của chị T. cho biết, 2 tuần trước, chị T. bị đau khớp toàn thân nên đã tìm đến một ông lang ở Hải Dương để đắp lá điều trị. Ông lang này đã không bắt mạch kê đơn mà chỉ bấm huyệt và đắp lá vào khớp đầu gối và vai với chi phí 500.000 đồng cho 10 ngày điều trị.

 Cảnh thận với thuốc lá đắp ngoài
Bác sĩ Bùi Văn Khánh kiểm tra sức khỏe bệnh nhân - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong hai ngày đầu đắp thuốc, thấy khớp đau nhức hơn, chị được thầy lang giải thích: đó là thuốc đã ngấm, có tác dụng và sẽ hết đau dần. Vài ngày sau chị thấy da nóng, đặc biệt là nóng và sưng vùng khớp đắp lá. Sau 12 ngày, các khớp đắp lá sưng to hơn, toàn bộ vùng da quanh khớp đỏ thẫm. Mặt cũng sưng, ngứa nên gia đình đưa vào khám tại BV Hưng Hà (Hưng Yên) rồi chuyển lên BV Bạch Mai.

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng,  BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân dị ứng do thuốc lá đắp điều trị khớp. Đây là thể phản ứng dị ứng chậm, đã có dấu hiệu cảnh báo: nóng đỏ da, đau rát họng, viêm loét miệng.

Trước bệnh nhân T., Trung tâm DƯMDLS cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 39 tuổi nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa toàn thân sau khi uống thuốc lá điều trị dạ dày. Bệnh nhân này có bệnh dạ dày mãn tính, khi nghe có người mách đã gửi mua một loại lá tận Nghệ An về đun lấy nước uống. Khoảng 2 tuần đầu thấy đỡ đau dạ dày nhưng sau đó mẩn ngứa toàn thân. Qua kiểm tra, bệnh viện xác định bệnh nhân dị ứng với loại lá được cho là có tác dụng điều trị đau dạ dày.

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm DƯMDLS cho biết, dị ứng tân dược cũng như thuốc đông, nam dược đều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, gây hội chứng Stevens – Johnson: mẩn đỏ toàn thân, kèm theo bóng nước dẫn đến lột da như bị bỏng; viêm loét niêm mạc miệng, mắt, hậu môn, cơ quan sinh dục; tổn thương viêm mạc đường tiêu hoá, hô hấp tiết niệu. 

Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh: thuốc dùng ngoài gây dị ứng thấp hơn nhưng vẫn có thể gây dị ứng nặng dù diễn biến khá chậm do phản ứng dị ứng xảy ra chậm mà không được phát hiện kịp thời. Theo bác sĩ Khánh, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc lá đắp ngoài và đến khám tại cơ sở chuyên khoa khi thấy khó thở, nóng rát da, nổi mày đay, viêm loét miệng.

 Nam Sơn

>> Dị ứng thuốc có nên thi dược?
>> Trẻ sinh mổ dễ bị dị ứng
>> Mẹo chữa dị ứng
>> Ngừa dị ứng thực phẩm
>> Ngừa dị ứng
>> Cách chữa dị ứng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.