Nghịch lý trên vùng nguyên liệu: Trồi sụt giống chủ lực

01/08/2015 10:15 GMT+7

Từng phá sản nhiều vùng nguyên liệu lớn, nhưng Quảng Nam vẫn chưa thôi hy vọng đột phá, như với sự trở lại đầy hào hứng của cây bông vải chất lượng cao. Câu hỏi đặt ra là làm sao để nông dân thoát khỏi vòng xoáy được mùa - mất giá?

Từng phá sản nhiều vùng nguyên liệu lớn, nhưng Quảng Nam vẫn chưa thôi hy vọng đột phá, như với sự trở lại đầy hào hứng của cây bông vải chất lượng cao. Câu hỏi đặt ra là làm sao để nông dân thoát khỏi vòng xoáy được mùa - mất giá?

Nghịch lý trên vùng nguyên liệu: Trồi sụt giống chủ lực
Ớt Hàn Quốc ở Đại Lộc từng bị “tồn đọng” do vỡ hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: H.X.H
Dè dặt
Bông vải hiện diện ở Quảng Nam từ đầu thế kỷ 20 nhưng cứ trồi sụt, sau một thời gian dài tụt giảm đã “hồi sinh” vào những năm 2000-2003 với sự hiện diện của nhiều nhà máy sợi vùng bắc Quảng Nam. Có thời điểm diện tích bông phát triển lên đến 2.500ha, và mô hình trồng bông xen đậu cô ve từng chiếm vị trí cao nhất về năng suất (lên đến 3 - 3,5 tấn bông/ha, chưa kể sản lượng đậu) trong khi năng suất bình quân của cây bông (loại không tưới) ở Tây nguyên chỉ dưới 1,2 tấn/ha.
Tuy nhiên, sự háo hức chỉ kéo dài chừng 2-3 năm đầu, do giá thu mua bông trên thị trường tăng quá chậm so với sản phẩm lúa, bắp… khiến nông dân lơ dần. Diện tích trồng bông rơi tự do, cây bông lại đánh mất vị thế dù rất phù hợp với hàng ngàn ha bãi bồi ở vùng Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và vùng quy hoạch từ đất lúa chuyển đổi ở phía nam.
Cũng chính vì vậy, khi Vinatex “kích hoạt” vùng nguyên liệu trồng cây bông vải theo công nghệ mới lên đến 10.000ha (đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Quảng Nam), sự dè dặt là khó tránh khỏi do lo ngại lặp lại kịch bản cũ về giá thu mua. Một số chuyên gia nông nghiệp dự báo rằng, doanh nghiệp dệt may sẽ đau đầu khi giải bài toán về giá thu mua nguyên liệu, nhất là khi nông dân thường có tâm lý so kè giá thu mua nông sản. Họ đã từng bỏ cuộc khi giá bông vải tăng chậm so với giá lúa, bắp…
Tuy nhiên, với dự án Khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may của Vinatex có tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, chính Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong lễ khởi công đã đặt nhiều kỳ vọng, mở ra cơ hội xuất khẩu đối với ngành dệt may trong nước, cung cấp nguyên vật liệu của tỉnh Quảng Nam và nhiều tỉnh, thành khác. Hy vọng vùng nguyên liệu bông vải đặc biệt lớn ở Quảng Nam được xúc tiến quy hoạch đợt này sẽ tránh được vết xe đổ của những vùng nguyên liệu đã phá sản.
Mất nhiều cơ hội
Trước đó, khi thừa nhận chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu tập trung của Quảng Nam đã thất bại hồi tháng 12.2006, tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa 7, chính quyền địa phương đã nhận lỗi với nhân dân “vì không quản lý được năng lực vốn, đầu tư, năng lực quản lý, đạo đức... chủ đầu tư thuộc trung ương”.
Trên thực tế, vùng nguyên liệu mía, dứa... đầy tham vọng của Quảng Nam bị phá sản với nhiều nguyên nhân tổng hợp: các nhà máy không hoạt động hoặc hoạt động thiếu hiệu quả, chất lượng vùng nguyên liệu không đảm bảo do năng lực đầu tư xây dựng không đáp ứng.
Như vậy, cùng với giá thị trường bấp bênh, việc phát triển theo phong trào (do quy hoạch kém) đã tác động tiêu cực lên các loại cây thế mạnh, làm sa sút chất lượng sản phẩm hoặc gây khủng hoảng thừa... khiến người nông dân khốn đốn theo.
Rau quả - thực phẩm, nhóm nông sản có thế mạnh và cho nguồn lãi lớn nhất tại Quảng Nam, cũng không nằm ngoài “biểu đồ phát triển… trồi sụt” đó.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam khẳng định, dù được trồng quanh năm, nhưng rau quả - thực phẩm cũng là nhóm bất ổn nhất khiến ngành chức năng do dự không dám chuyển đổi. Với 22.000ha, chỉ xếp sau cây lúa và bằng tổng diện tích của đậu phụng, bắp cộng lại, nhóm rau quả - thực phẩm tại Quảng Nam thực sự bứt phá nếu thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Yếu tố bất ổn đến từ việc dự báo thị trường khó, người nông dân luôn bị động (mặt hàng tươi nên giá rẻ cũng phải bán).
Từ chỗ nắm giữ rất nhiều lợi thế với các vựa rau nổi tiếng ở Đại Lộc và vùng đông Thăng Bình..., cuối cùng nhóm rau quả - thực phẩm cũng đành nhìn các cơ hội trôi qua, thậm chí thường xuyên rơi vào vòng xoáy “được mùa mất giá”.
Cao su: chưa có kế hoạch trồng mới
Tại cuộc họp báo cuối tháng 7.2015, ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận tình trạng giá cao su tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi, nên các địa phương vẫn chưa có kế hoạch trồng mới cao su trên diện rộng. Đây là tin không vui cho vùng nguyên liệu cao su của Quảng Nam vì trước đó, từ năm 2013, tỉnh Quảng Nam đã thỏa thuận quy hoạch phát triển 48.593ha cao su ở 8 huyện có diện tích đồi núi.
Tuy nhiên, đến nay, Quảng Nam mới trồng được hơn 13.000ha (trong đó cao su đại điền chiếm 80%) và đang chững lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.