Nghị quyết… trẻ đánh giày

07/11/2012 10:39 GMT+7

Để ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học lang thang kiếm sống bằng nghề đánh giày, thôn Thọ Đơn (xã Quảng Thọ, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đã ra một nghị quyết và bước đầu có hiệu quả khá cao.

 50 cuộc họp nhưng vẫn bó tay!

Cuộc sống khó khăn của người dân Thọ Đơn khiến những đứa trẻ cũng lao vào kiếm bát cơm manh áo. Chủ yếu các em chọn TP.Đồng Hới làm chốn mưu sinh bằng nghề đánh giày. Thu nhập từ nghề ít ỏi, không ít trẻ đi đánh giày lâm vào con đường tệ nạn để kiếm thêm tiền, từ móc túi, trộm cắp, đánh đề, đánh bài, đến i đánh nhau vì phân chia lãnh địa giành khách, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây phiền hà cho khách du lịch, người dân.

Trẻ đánh giày 
Trẻ lang thang đánh giày tại TP.Đồng Hới - Ảnh: T.Q.N

 

Ở Đồng Hới, ai phát hiện có trẻ đánh giày xin báo cho số điện thoại 0914953207, tổ công tác của thôn Thọ Đơn sẽ có mặt ngay”, ông Lê Vĩnh Tuy, Bí thư chi bộ thôn Thọ Đơn nói.

Có những năm, số lượng học sinh bỏ học lang thang đánh giày ở Thọ Đơn lên đến 20 em, nhất là lứa tuổi THCS; dịp nghỉ hè, lễ, tết thì con số lên tới 70-80 em. Ông Lê Đình Lượng, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, tình trạng này bắt đầu từ khoảng năm 2005, đến 2008 thì nổi cộm. Huyện, xã cho đến thôn xóm đã có nhiều biện pháp như tuyên truyền giáo dục, đưa về giao lại cho gia đình và có cam kết không tái phạm; hỗ trợ kinh phí cho các em mua sách vở, quần áo, mỗi suất lên đến 400-500.000 đồng. Đặc biệt, xã Quảng Thọ đã rà soát đề nghị cho gia đình các trẻ đánh giày được hưởng chính sách hộ nghèo để các em không phải làm việc. Đã có hơn 50 cuộc họp nhưng thực trạng này vẫn không thể chấm dứt, thậm chí số lượng trẻ lang thang lại có chiều hướng tăng thêm. Nhiều hộ chưa đến nỗi khó khăn, có hộ khá giả nhưng vẫn khuyến khích con đi đánh giày!

Biện pháp rắn

Tháng 7.2012, Chi bộ, Ban cán sự thôn Thọ Đơn đã xây dựng đề án Cuộc vận động trẻ em lanh thang lao động nặng nhọc, độc hại trở về địa phương học tập. Được sự đồng tình, nhất trí cao, Chi bộ thôn Thọ Đơn đã họp và ra nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, thành lập ban vận động, các tổ công tác, đến ngày 10.8 thì ra quân thực hiện.

Trên địa bàn thôn, Ban vận động tích cực tuyên truyền, động viên, giải thích và tổ chức cho các gia đình cam kết không cho con em tham gia đánh giày; cán bộ, thành viên các tổ công tác của thôn thường xuyên tổ chức ngăn chặn trẻ em đi “hành nghề”. Nhiều trẻ em lang thang đánh giày đã bị tổ công tác bắt gặp, nhắc nhở, vận động trở về nhà; sau đó kết hợp cùng cha mẹ, dòng họ giáo dục. Nhiều trường hợp tái phạm được thôn bắt viết cam kết và tự đọc nội dung cam kết đó lên hệ thống truyền thanh cơ sở...

Ông Lê Vĩnh Tuy, Bí thư chi bộ thôn cho biết: “Quan điểm của chúng tôi chủ yếu là tuyên truyền, thuyết phục trên hệ thống truyền thanh thôn cho bố mẹ các em hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, chúng tôi nghiêm cấm sử dụng các biện pháp đuổi bắt, giam giữ, đánh đập, chửi rủa, xúc phạm nhân phẩm, danh dự trẻ nên cán bộ và nhân dân đồng tình cao.

Sau khi triển khai nghị quyết, tình trạng trẻ em Thọ Đơn lang thang đánh giày đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Quảng Thọ và thôn Thọ Đơn thì ngày nghỉ vẫn có một số em nhảy xe đò vào Đồng Hới đánh giày, xin xỏ. Mới đây nhất, vào ngày 30.9, tổ công tác thôn Thọ Đơn bắt gặp 3 em đang “hành nghề” và động viên, giáo dục các em trở về nhà. Vì thế cần thực hiện nhiều biện pháp và lâu dài hơn.

Quang Nam - Anh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.