Ngăn ngừa HIV ở làng quê

17/12/2014 10:30 GMT+7

Lo khách nhiễm HIV/AIDS, một nông dân kiêm thợ cắt tóc ở xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế đầu tư cho mỗi vị khách một bộ dụng cụ riêng khi họ đến quán ông “làm đẹp”.

Lo khách nhiễm HIV/AIDS, một nông dân kiêm thợ cắt tóc ở xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế đầu tư cho mỗi vị khách một bộ dụng cụ riêng khi họ đến quán ông “làm đẹp”.

 
700 vị khách ở trong và ngoài xã Thủy Phù luôn tìm đến ông Nguyễn Chất để “làm đẹp”
700 vị khách ở trong và ngoài xã Thủy Phù luôn tìm đến ông Nguyễn Chất để “làm đẹp” - Ảnh: Đình Toàn
Danh sách đặc biệt
Khi chúng tôi đến tiệm cắt tóc đặc biệt nói trên đã có 7 vị khách đang ngồi đợi đến lượt mình cắt tóc. Người lớn tuổi nhất tầm đã ngoài 80, trẻ nhất chừng ngoài 30 tuổi. Trong lúc chờ tới lượt mình, có người ngồi đọc những tờ báo cũ, có người đọc các tờ rơi về cách phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS luôn sẵn có trong tiệm. Chủ tiệm, ông Nguyễn Chất cùng cậu con trai 23 tuổi của mình vừa cắt tóc, cạo mặt ráy tai cho khách. Năm 19 tuổi ông Chất bắt đầu hành nghề cắt tóc. Năm 22 tuổi ông lấy vợ và dựng quán cắt tóc cho bà con xóm làng ở sát bên ngôi nhà của bố mẹ nằm bên con đường liên thôn thuộc xã Thủy Phù. Nhưng người ta tới cắt tóc ở tiệm ông Chất không chỉ vì cái quán mới làm mà bởi họ vừa là khách thân bao năm nay, lại vừa “khỏi ngại cái vụ hát - y - vê, ết iếc”, nói như bác Nguyễn Ký, vị khách năm nay ngoài 70 tuổi ở cùng thôn với ông Chất. “Mấy vùng quanh đây bọn trẻ đi làm ở bên Lào, vô trong Nam nhiều. Đứa đi ra khỏi làng chí thú làm ăn có, gửi tiền rầm rầm về cho ba mạ hắn, nhưng cũng không ít đứa ăn chơi đua đòi chích hút gái gú này nọ. Rứa là mang bệnh thế kỷ, bệnh HIV quái quỷ về làng, về xã. Gần đây chú Chất làm riêng cho mỗi người khách một bộ cạo mặt, ráy tai. Chứ nếu lỡ ráy tai mà hắn chảy máu rồi nhiễm cái bệnh đó thì mệt. Mình lây mà không biết rồi về lây cho người khác nữa càng nguy”, cụ Ký nói.
Theo lời cụ Ký, tôi tiến đến hai thùng tủ kính đính trên vách tường. Bên trong đó có hàng trăm cái ly. Mỗi cái ly đựng một đến vài bộ dụng cụ cạo mặt, ráy tai. Mỗi bộ dành riêng cho mỗi vị khách, bên dưới đều ghi tên của họ. Để tiện quản lý, chủ nhân của nó khéo léo sắp mỗi bộ dụng cụ theo từng thôn, bọc từng cái tên của khách rồi sắp vào tủ kính theo thứ tự chữ cái. Đặc biệt, trong số hàng trăm cái tên là khách hớt tóc ở cả 12 thôn trong toàn xã, còn có vị khách là công nhân đang làm việc ở KCN Phú Bài. Không chỉ thế, khách đến ông Chất cắt tóc còn có ở các vùng lân cận như xã Thủy Tân hay thị trấn Phú Bài của TX.Hương Thủy, kể cả ở cả thị trấn Phú Đa của H.Phú Vang và xã Lộc Bổn của H.Phú Lộc. “Tính đến nay mình làm được 700 bộ dụng cụ cho 700 khách. Những ai cùng chung một nhà thì mình để chung trong một cái ly, bộ của ai thì ghi tên người đấy. Khi họ đến làm tóc mình mang ra vệ sinh, khử trùng trước khi dùng, sau khi dùng vệ sinh lại rồi cất vào tủ. Như thế mới an toàn được”, ông Chất giải thích.
Vì sức khỏe cộng đồng
Thủy Phù là địa phương có KCN Phú Bài - nơi có số công nhân làm việc tập trung đông nhất Thừa Thiên - Huế. Trong khi đó nơi đây có số người đi làm ăn ở Lào khá đông. Hiện Thủy Phù có 6 người nhiễm HIV/AIDS trong diện địa phương quản lý. Đặc biệt, ở xã Lộc Bổn (H.Phú Lộc) kế cận Thủy Phù là nơi có số người đi làm ăn ở Lào nhiều nhất tỉnh, và cũng là nơi thuộc hạng đầu bảng về số người nhiễm HIV/AIDS ở Thừa Thiên - Huế.
Số là cách nay nhiều năm, ông Chất có một người bạn thân đi làm ăn xa. Bỗng một hôm ông Chất hay tin người bạn mình đã mang căn bệnh HIV/AIDS. “Anh ấy qua đời. Buồn và ám ảnh. Mình nghĩ đến cái nghề mình đang làm. Đôi lúc thiếu ý thức hoặc làm biến một tí cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường. Ước muốn mình chung tay góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ ấy từ khi bạn mất, nhưng mãi gần đây mình mới làm được. Tất cả là vì sức khỏe của bà con mà thôi”, ông Chất tâm sự.
Cách nay không lâu nghe có nguồn vốn ưu đãi từ hội nông dân, ông Chất trình bày ý tưởng của mình. Ngay lập tức hội nông dân xã chấp thuận và tạo điều kiện để ông được vay số tiền 25 triệu đồng. Ông Chất bỏ thêm gần 5 triệu nữa mua 700 bộ dụng cụ cạo mặt, ráy tai cho khách của mình. Tổng số tiền chưa đến 30 triệu đồng nhưng mang lại sự yên tâm cho mọi người khi đến tiệm của ông. Và ngay lãnh đạo xã, một số cán bộ đoàn thể xã cũng tìm đến ông Chất cắt tóc. Có mặt trong tiệm cắt tóc của ông Chất, Phó chủ tịch UBND xã Thủy Phù Lê Văn Anh đi đến tủ kính lấy ra bộ ly đựng dụng cụ như banh, dao cạo, bông, gạc, nhíp... mà ông Chất dành riêng cho gia đình mình. “Nhà mình ở thôn 7, nhưng là khách thân của anh Chất từ nhiều năm nay. Gần đây anh Chất có sáng kiến phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS thế này nữa nên mình càng yên tâm hơn”, ông Anh bộc bạch.
Còn Chủ tịch Hội nông dân xã Thủy Phù Huỳnh Văn Hồng: “Khi nghe anh Chất trình bày ý tưởng, tôi đã thấy phấn khởi. Giờ thì càng tin tưởng hơn về mô hình này. Với nhiều người 28 triệu đồng là số tiền không lớn, nhưng với hoàn cảnh anh Chất thì cũng là con số không nhỏ. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng và giới thiệu cách làm của anh Chất ra cho toàn thể hội viên”, ông Hồng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.