Lo lũ lụt giữa mùa khô

02/04/2015 10:21 GMT+7

Những thiệt hại nghiêm trọng mà nông dân Quảng Nam đang hứng chịu sau trận mưa lũ hồi cuối tháng 3 chưa dừng lại, khi chính cơ quan chức năng cũng bối rối trước những diễn biến bất thường của thời tiết.

Những thiệt hại nghiêm trọng mà nông dân Quảng Nam đang hứng chịu sau trận mưa lũ hồi cuối tháng 3 chưa dừng lại, khi chính cơ quan chức năng cũng bối rối trước những diễn biến bất thường của thời tiết.

  Mưa lớn bất thường gây bất an cho nông dân lẫn cơ quan chức năngMưa lớn bất thường gây bất an cho nông dân lẫn cơ quan chức năng - Ảnh: Hoàng Sơn

Bất thường

Sau 32 năm công tác trong ngành nông nghiệp, ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam khẳng định chưa từng thấy có lũ lớn xuất hiện ở thời điểm hạ tuần tháng 3 như đợt mưa lũ vừa qua. Tính bất thường này cũng nhận được sự “đồng thuận” từ cơ quan khí tượng thủy văn và kinh nghiệm của người dân khi cho rằng ít nhất 40 năm qua mới xuất hiện đợt mưa lớn trái mùa như thế. Từ sáng 24.3 đến sáng 28.3, tại Quảng Nam hứng trận mưa rất lớn với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, cá biệt tại H.Hiệp Đức lượng mưa lên đến gần 600 mm; kế tiếp là khu vực Nông Sơn (480 mm). Lượng mưa đo được trên hệ thống sông Thu Bồn đạt 400mm, còn Vu Gia cũng xấp xỉ 300 mm…

Thủy điện tham gia cắt lũ

Khác với một số địa phương ở Thừa Thiên-Huế hiện đang cân nhắc khởi kiện thủy điện xả lũ gây thiệt hại trong đợt mưa lớn cuối tháng 3, tại Quảng Nam thủy điện đã tham gia cắt lũ kịp thời cho vùng hạ du. Theo đại diện Sở NN-PTNT, khi phát hiện mưa lớn từ thượng nguồn gây lũ có nguy cơ phá đập ngăn mặn tại Vĩnh Điện (H.Điện Bàn), ngành chức năng đã trao đổi trực tiếp bằng điện thoại với chủ hồ chứa yêu cầu ngưng việc phát điện, và thủy điện đã chấp hành.

Đến hôm qua 31.3, ngành nông nghiệp Quảng Nam vẫn đang “phân loại” thiệt hại từ hoa màu, lúa để đề xuất hình thức hỗ trợ và giải pháp khắc phục hiệu quả nhất. Con số thiệt hại 82 tỉ đồng mà BCH Phòng chống thiên tai Quảng Nam đưa ra trước đó tại 8 huyện chỉ mới là ước tính và mang tính tham khảo. Cụ thể, trong số 570 ha dưa hấu bị ảnh hưởng trên toàn tỉnh (phần lớn trồng ở vùng bãi bồi ven sông), nông dân đang cân nhắc chịu thiệt về giống, phân để phá bỏ, trồng lại. Riêng 290 ha dưa hấu trồng trên đất lúa ở địa bàn H.Phú Ninh, có ít nhất 50% bị hư hại. Đối với 170 ha ớt ở khu vực Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, sản lượng bị thiệt hại khoảng 70% (do nông dân kịp thu hoạch được lứa đầu tiên). Khoảng 150 ha thuốc lá ở Đại Lộc và đậu, bắp ở vùng thấp Thăng Bình cũng đối diện nhiều nguy cơ. Đặc biệt, 6.000 ha lúa đang trỗ gặp mưa lớn thì hết hết 4.400 ha bị ngập nặng (trong số ngập nặng có 150 ha chịu thiệt hại 50% do ngập kéo dài đến tối 29.3); còn lại có nguy cơ tăng tỉ lệ lép hạt khoảng 10%, kéo theo các đối tượng bệnh xuất hiện.

Chưa dứt nỗi lo

Tại cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 3 của UBND tỉnh Quảng Nam, đại diện Sở NN-PTNT cho biết ngành chức năng và các địa phương phải thống kê chính xác, sau đó đề nghị tạm ứng ngân sách tỉnh để khắc phục kịp thời đến từng hộ dân, và thứ mà người nông dân cần ưu tiên lúc này là phân bón.

Tuy nhiên, nhiều mối lo về thời tiết bất thường vẫn đang “ám ảnh” Quảng Nam. Đợt mưa lớn vừa qua đã làm đầy các hồ chứa nhỏ, riêng nước tại 9/17 hồ chứa lớn đã chảy qua tràn tự do giống như đang ở thời điểm đầu mùa mưa, vì thế nông dân tạm yên tâm về nguồn nước tưới cho vụ hè thu. Mặc dù vậy, kịch bản xấu nhất vẫn có thể diễn ra. Đài Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo từ nay đến tháng 8 sẽ không có mưa nên mối lo hạn hán vẫn chưa hoàn toàn dứt bỏ, nhưng cũng đồng thời cảnh báo các địa phương ở miền Trung về các trận mưa bất thường. “Nếu lại có mưa lớn bất thường, sẽ tính mở đập ngăn mặn ở Vĩnh Điện để thoát lũ. Vì thế chúng tôi vừa lo các biện pháp chống hạn, vừa lo mưa lớn bất thường. Thậm chí từ bây giờ không chỉ lo lũ lụt trong mùa mưa bão. Tôi thấy đã có sự chủ quan đối với phương án phòng chống lũ lụt ngay trong mùa khô”, ông Lê Muộn nói.

Người nuôi tôm thiệt hại nặng sau lũ

Sau đợt lũ bất thường xảy ra từ ngày 24-28.3 vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm tại thôn Hà My Đông A, xã Điện Dương (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) bị thiệt hại nặng do tôm nuôi bất ngờ chết hàng loạt. Ông Lê Văn Danh thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 5.000 m2, chuẩn bị thu hoạch thì trời xảy ra mưa lớn. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Danh liền thuê người về thu hoạch tôm và bán tháo được 2 tấn với mức giá gần 100.000 đồng/kg; số còn lại khoảng 1 tấn tôm chết đỏ hồ.

Người nuôi tôm Điện Dương điêu đứng vì tôm chết Người nuôi tôm Điện Dương điêu đứng vì tôm chết - Ảnh: H.S -T.H

Bà Trần Thị Hồng, một hộ dân nuôi tôm khác cho biết, từ ngày 24.3, trời bắt đầu xảy ra mưa lớn, nước xung quanh chảy tràn vào hồ. Hai ngày sau, tôm nổi đầy mặt nước, bỏ ăn rồi chết dần. Thấy cảnh tôm chết, gia đình bà Hồng thu hoạch non vụ tôm để vớt vát. Theo nhiều người, vì tôm chưa đến kỳ thu hoạch và chết liên tục nên thương lái chỉ mua với mức giá hơn 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hộ nuôi tôm thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân khiến tôm nuôi chết hàng loạt là do thời tiết thay đổi đột ngột. Bên cạnh đó, do lượng mưa quá lớn, nồng độ PH trong nước thay đổi, hàm lượng axit tăng cao khiến tôm bị sốc do thay đổi môi trường sống. Nhiều địa phương tại TP.Hội An cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Phòng NN-PTNT TX.Điện Bàn cho biết, đã cử cán bộ thống kê mức độ thiệt hại, để có cơ sở đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ.

H.Sơn-Tr.Hanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.