Làng nghề hồi sinh: Làng đá vượt khó

12/02/2015 11:52 GMT+7

Theo Ban quản lý Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, ngoài các tượng lân cách điệu bị cho là mẫu mã ngoại lai không bán được, các tượng sư tử đá theo phong cách tả thực (giống sư tử ngoài đời thực) cũng bị vạ lây, rơi vào cảnh ế ẩm.

Tháng 8 vừa qua, Bộ VH-TT-DL công nhận Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau 3 năm thẩm định. Theo Ban quản lý Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, ngoài các tượng lân cách điệu bị cho là mẫu mã ngoại lai không bán được, các tượng sư tử đá theo phong cách tả thực (giống sư tử ngoài đời thực) cũng bị vạ lây, rơi vào cảnh ế ẩm. 

Thợ thầy tạc phôi thô cho các mẫu tượng khác
Thợ thầy tạc phôi thô cho các mẫu tượng khác - Ảnh: Nguyễn Tú
Gần 500 cơ sở chế tác đang tồn kho hơn 9.000 mẫu sư tử, lân đá, trị giá 80 tỉ đồng, trong khi đây là sản phẩm chủ lực chiếm 2/3 doanh thu làng nghề và thợ chế tác các mẫu tượng này chiếm 1/3 lao động làng đá. Hệ quả, trong 1.000 thợ chế tác loại tượng này thì một nửa nghỉ việc, nửa còn lại gặp khó khăn do các cơ sở không đặt mẫu.
Đối với số lân, sư tử đá tồn đọng, ông Huỳnh Chín cho hay tuy sức mua có giảm nhưng không phải người mua bỏ hẳn vì ngoài công sở, thì các công trình tư nhân mua loại tượng này nên việc sản xuất và sức bán vẫn duy trì ở mức 20-30% so với trước đây. Ông Trần Văn Xuất nêu kinh nghiệm không “chết” như những nơi khác, bởi lâu nay ông đã tổ chức sản xuất dây chuyền, mỗi nhóm lao động phụ trách một công đoạn tượng, chứ không tổ chức theo thợ chuyên từng mẫu cố định, nên toàn bộ thợ dễ dàng chuyển đổi sang chế tác mẫu tượng khác khi thị trường biến động.
Để hỗ trợ làng nghề vượt qua khó khăn, Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng tổ chức cuộc vận động sáng tác mẫu tượng sư tử, nghê đá mang bản sắc Việt, qua đó tuyển chọn 20 mẫu trưng bày ở những nơi công cộng của thành phố, phổ biến cho thợ làng nghề sản xuất.
Nghệ nhân Trần Văn Xuất cho hay để gỡ khó cho làng nghề không chỉ sớm mở đợt sáng tác, hỗ trợ thăm dò, nghiên cứu thị trường, thị hiếu và tuyên truyền, vận động người dân sử dụng mẫu tượng được chọn, mà tự thân mẫu tượng phải sống được trên thị trường.
Do đó, nếu lấy các mẫu sư tử, nghê thuần Việt trong nghệ thuật điêu khắc cổ VN làm chuẩn, thì thợ làng đá cần phải cải biên, sáng tạo thêm đường nét, hoa văn vì sản phẩm tượng đá cần có tính thương mại, được khách hàng ưa chuộng thì làng nghề 400 năm tuổi và hơn 3.000 lao động mới sống được.
Trong khi chờ các ngành chức năng “giải cứu”, thợ thầy làng đá đã chủ động vượt khó. Theo ông Huỳnh Chín, Trưởng ban quản lý Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, đặc thù của thợ làm tượng thú như lân, sư tử thì rất khó chuyển sang làm tượng người, nên để tồn tại, nhóm thợ này chấp nhận tạo khối phôi thô, thu nhập từ 270.000 - 300.000 đồng/ngày giảm còn 180.000 đồng/ngày. Ngoài ra, một số cơ sở làm thử một số mẫu linh vật thuần Việt như nghê đá và cũng đã bắt đầu có khách đặt, và chờ đợi thời cơ sản xuất đại trà.
Ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy quận Ngũ Hành Sơn cho rằng khó khăn hiện tại của làng nghề có thể là cơ hội để làng nghề tìm hướng phát triển sản phẩm mới, chấm dứt sự phụ thuộc lâu nay vào một mặt hàng chủ lực.
Có như vậy, làng nghề mới phát triển bền vững trước biến động thị trường và phát huy tài hoa, tính sáng tạo của các nghệ nhân làng đá...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.