Khuyến khích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP

25/12/2014 09:28 GMT+7

Ứng dụng VietGAP đang được xem là cách tốt nhất để nghề nuôi thủy sản ở ĐBSCL phát triển bền vững.

Ứng dụng VietGAP đang được xem là cách tốt nhất để nghề nuôi thủy sản ở ĐBSCL phát triển bền vững.

Thu hoạch tôm sú ở Sóc Trăng
Thu hoạch tôm sú ở Sóc Trăng - Ảnh: Công Hân
Thách thức từ nghề nuôi
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN, cho biết những năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản cả nước có những bước tiến vượt bậc. Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt trên 6 triệu tấn, tăng hơn 2% so với năm 2012. Trong đó, sản lượng khai thác đạt trên 2,7 triệu tấn; nuôi trồng đạt 3,34 triệu tấn. Hai đối tượng nuôi chủ lực là cá tra đạt hơn 1,1 triệu tấn trên tổng diện tích nuôi là 5.200 ha; tôm nước lợ đạt gần 550.000 tấn trên tổng diện tích nuôi là 666.000 ha. Là vùng dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi và sản lượng nhưng nông dân ĐBSCL lại đang gặp khó khăn về nguồn giống, giá thức ăn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...
Theo bà Trần Thị Thu Nga, Phó ban Phát triển thủy sản bền vững, kiêm Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ dịch vụ và phát triển cộng đồng nông ngư VN (FACOD) - Hội Nghề cá VN, hiện nay nghề khai thác thủy sản có chiều hướng giảm nhưng nghề nuôi tiếp tục tăng, nhất là nuôi tôm nước lợ và cá tra. Kéo theo đó là các mầm bệnh lây lan trong vùng nuôi rất khó trị; chất lượng con giống, thức ăn và nguồn nước kém; dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm ngày càng cao nên đã ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản. Vì vậy, cần phải có phương pháp giúp người dân nuôi thủy sản tốt hơn, hạn chế những khó khăn và rủi ro.
Lộ trình thực hiện VietGAP
Tại hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại VN” vừa được Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức, những kinh nghiệm được các nhà khoa học, nhà quản lý và người nuôi thủy sản đúc kết đã mở ra nhiều hướng để phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững. Trong đó, việc xác định được mối tương đồng, tương quan của các bộ tiêu chuẩn, khả năng chia sẻ thị trường và khả năng phối hợp, công nhận lẫn nhau giữa các bộ tiêu chuẩn là rất cần thiết. Việc ban hành, áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP được xem là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, giúp nghề nuôi phát triển bền vững, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP giúp người nuôi nắm rõ kỹ thuật, hiểu thông số về môi trường, thành thục trong sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh cho tôm, cũng như sử dụng hóa chất xử lý môi trường nước... “Tuy nhiên, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP khá tốn kém và khó thực hiện đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn; đồng thời Nhà nước cần có sự hỗ trợ ban đầu để giúp người dân quen dần với cách nuôi này”, ông Nhiệm nói.
Theo lộ trình thực hiện VietGAP vừa được Bộ NN-PTNT đề xuất, đến năm 2015 có 30% cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh, các mô hình nuôi cải tiến đạt chứng nhận VietGAP và đến năm 2020 sẽ là 80%. Theo ông Phạm Khánh Linh, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, yêu cầu phải có sản phẩm sạch, môi trường không bị ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho con người là rất quan trọng. Vì vậy, VietGAP là điều kiện cần, đủ và cấp thiết. Trên thị trường hiện nay, những sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP bán ra luôn có giá trị cao hơn từ 15 - 20% so với sản phẩm bình thường. Với chính sách hỗ trợ cho bà con về công tác đào tạo, cơ sở hạ tầng, hoạt động xúc tiến thương mại của nhà nước thì ứng dụng VietGAP không phải quá khó mà yêu cầu người nuôi phải có ý thức sản xuất ra sản phẩm sạch. ĐBSCL là vùng nuôi trồng thủy sản lớn, chiếm 76% sản lượng và 90% sản phẩm nuôi trồng của cả nước, nếu sản xuất ra những sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP thì hiệu quả kinh tế vô cùng lớn.
VietGAP là tập hợp các tiêu chí do Bộ NN-PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.