Hạn, mặn bủa vây

24/03/2015 10:36 GMT+7

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đến cuối tháng 3.2015, tại ĐBSCL nước mặn xâm nhập vào sâu khu vực nội đồng từ 40 - 60 km; độ mặn đo được từ 1 - 3‰, có nơi lên đến 5 - 6‰.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đến cuối tháng 3.2015, tại ĐBSCL nước mặn xâm nhập vào sâu khu vực nội đồng từ 40 - 60 km; độ mặn đo được từ 1 - 3‰, có nơi lên đến 5 - 6‰. Dự báo tình hình hạn mặn sẽ còn kéo dài cho đến tháng 5, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng.

Hàng chục kênh cấp 2 ở H.Long Phú (Sóc Trăng) cạn trơ đáy (ảnh Lập Chương)
Hàng chục kênh cấp 2 ở H.Long Phú (Sóc Trăng) cạn trơ đáy - Ảnh: Lập Chương
Mặn tấn công từ nhiều hướng
Để ứng phó với tình hình hạn và xâm nhập mặn, Tiền Giang đã đầu tư gần 25 tỉ đồng để nạo vét 138 tuyến kênh nội đồng bị cạn, bồi lấp với chiều dài trên 126 km; đắp 166 đập và tổ chức gần 200 điểm bơm chuyền 2 cấp để cứu diện tích lúa nằm trong vùng trọng điểm khô hạn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã đầu tư trên 83 tỉ đồng để triển khai thi công trên 300 công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng nhằm đối phó với hạn và xâm nhập mặn. Các địa phương đang hướng dẫn nông dân tranh thủ những con nước lớn từ kênh xáng Phụng Hiệp đổ về để bơm lấy nước vào các kênh nội đồng, trữ nước ngọt vào các vùng trũng để đảm bảo việc tưới đến cuối vụ.
Tại Hậu Giang, nước mặn xâm nhập sớm từ hướng Bạc Liêu theo sông Ngan Dừa lan vào hệ thống sông Nước Trong, Nước Đục. Ở phía tây, gió chướng đẩy nước mặn theo hệ thống sông Cái Lớn vào sông Cái Tư. Hiện nồng độ mặn đo được ở ngã ba sông Nước Trong và trên sông Cái Tư là trên 6‰. Dự báo sẽ có khoảng 12.000 - 14.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ở 2 huyện Vị Thủy, Long Mỹ và TP.Vị Thanh có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn…
Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đang gấp rút cùng với các địa phương kiểm tra lại hệ thống đê bao, đắp đập thời vụ, nâng cấp và sửa chữa các trạm bơm điện để chủ động trữ nước ngọt ở nội đồng, bảo vệ cho lúa đông xuân 2014 - 2015 và vụ xuân hè 2015.
Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn tại Bạc Liêu cũng đang ở mức báo động khi độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ, uy hiếp hơn 20.000 ha lúa đông xuân ở 2 huyện Phước Long và Hồng Dân đang gần thu hoạch.
Cùng thời gian, hàng ngàn hộ dân ở H.Long Phú (Sóc Trăng) cũng đứng ngồi không yên khi nước mặn về sớm gần 1 tháng so với mọi năm. Ông Lâm Chiêng (ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú) nói: “Thấy năm ngoái người ta làm lúa vụ 3 trúng quá nên năm nay tôi mới làm đại. Ai ngờ mới đầu tháng 3 mà kênh đã trơ đáy, trong khi 10 công lúa của tôi chỉ mới 2 tháng tuổi. Tôi đã đổ vô hơn cả chục triệu đồng nhưng tình hình này không biết có thu được giạ lúa nào không nữa”.
Theo kỹ sư Lâm Văn Vũ, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Long Phú, kế hoạch vụ xuân hè này toàn huyện xuống giống chỉ 7.000 ha, nhưng thực tế bà con nông dân đã gieo trồng gần 13.000 ha. “Cái khó là mặn về sớm hơn mọi năm, trong khi còn hàng chục kênh cấp 2 ở các xã Long Phú, Tân Hưng, Tân Thạnh và thị trấn Long Phú đã không được nạo vét trên 10 năm nay nên không trữ được nước ngọt. Vì vậy công tác phòng chống hạn, mặn vô cùng khó khăn”, kỹ sư Vũ lo lắng.
Cùng tâm trạng, ông Phạm Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng), nói: “Vùng cù lao chúng tôi có đê bao bốn phía, mặn không ảnh hưởng. Nhưng nắng nóng kéo dài sẽ làm 13.000 ha mía lưu gốc thiếu nước mà chết”.
Trên địa bàn Trà Vinh hơn 3 tháng qua không có mưa, nắng gay gắt liên tục khiến cho đồng ruộng nứt nẻ. Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết năm nay trên 63.000 ha lúa đông xuân đã gieo trồng sớm hơn cùng kỳ 1 tháng. Hiện ở các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang… nguồn nước nội đồng thấp hơn cùng thời điểm năm trước 50 - 60 cm. Gần 9.200 ha lúa đông xuân gieo sạ muộn đang làm đòng và trổ bông ở vùng này thiếu nước, có nguy cơ giảm năng suất 20 - 30%.
Khó khăn hơn cả là ở các địa phương vùng mặn Tiền Giang như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX.Gò Công với khoảng 6.000 ha lúa có nguy cơ thiếu nước, bị khô hạn vào cuối vụ, bởi thời điểm này toàn bộ cống đập đã đóng. Ngành nông nghiệp Tiền Giang đã xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công để bơm chuyền 2 cấp cứu lúa bị thiếu nước.
Ảnh hưởng đến đời sống
Không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt của hàng vạn hộ dân vùng ven biển ĐBSCL cũng đang là một vấn đề nan giải. Tại xã Thạnh Phước (H.Bình Đại, Bến Tre) cư dân địa phương phải đi “đổi” nước ngọt với giá 125.000 đồng/m³.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước Lê Vũ Minh nhìn nhận rằng cứ tới mùa khô là hơn 10.000 dân của xã bị thiếu nước ngọt trầm trọng. Nhưng đã rất nhiều mùa khô trôi qua rồi mà vẫn chưa có công trình nước phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng. Năm nay hạn, mặn kéo dài nên chuyện thiếu nước ở địa phương sẽ càng gay gắt hơn.
Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô 2014 - 2015 dòng chảy từ đầu nguồn lưu vực sông Mê Kông về ĐBSCL thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nên xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn mọi năm. Độ mặn ở mức cao đe dọa làm thoái hóa chất lượng đất, giảm năng suất lúa, rau màu, cây ăn trái, ảnh hưởng đời sống người dân. Hạn hán kéo dài có thể làm ảnh hưởng năng suất và mùa vụ của khoảng 700.000 ha đất trồng lúa trong vùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.