Gỗ rừng trồng nan giải đầu ra

16/04/2013 09:18 GMT+7

Hàng chục ngàn ha rừng trồng ở Đắk Lắk đến tuổi khai thác đang lâm cảnh khó khi giá gỗ xuống thấp.

“Điển hình” cũng khốn

Vùng thảo nguyên trập trùng M’Đrắk là địa bàn có nhiều ưu thế phát triển rừng trồng của Đắk Lắk. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk là một trong những đơn vị điển hình về trồng rừng sản xuất, với kết quả hơn 3.000 ha, chiếm gần 40% diện tích rừng trồng của toàn huyện. Thế nhưng hiện nay, công ty lại phải chật vật tìm đầu ra cho hàng vạn mét khối gỗ rừng, chủ yếu là cây keo lai, đến kỳ thu hoạch. Ông Phạm Thế Minh, giám đốc công ty, chia sẻ: “Vướng nhất trong khâu tiêu thụ gỗ rừng trồng là giá quá thấp; mình làm ra sản phẩm nhưng bên tiêu thụ lại quyết định giá. Giá gỗ không tăng so với cách đây vài năm trong khi chi phí trồng rừng lại tăng nhiều lần. Nếu rừng năng suất cao thì có lãi chút ít, còn rừng năng suất kém thì thu không đủ bù chi”. Ông Minh cho biết trong năm 2012, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp M’Đrắk chỉ bán được gỗ keo lai với giá 400.000 - 450.000 đồng/ster đôi, rừng loại tốt mỗi ha có sản lượng 70-80 ster đôi (1 strer đôi khoảng 1,4 m3), còn rừng năng suất kém chỉ đạt 40 ster đôi. Rừng trồng phải mất 5-7 năm mới được khai thác, trong khi chi phí chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy mất trên dưới 20 triệu đồng/ha. Vì vậy, theo ông Minh, giá gỗ hạ khiến doanh nghiệp thua lỗ, người trồng rừng liên kết cũng kém hào hứng khi thu hoạch.

 Gỗ rừng trồng nan giải đầu ra
Thu hoạch gỗ rừng trồng ở huyện M’Đrắk, Đắk Lắk - Ảnh:Trung Chuyên

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (H.Krông Bông) cũng là đơn vị trồng rừng với diện tích gần 2.000 ha, nhưng sản phẩm chủ yếu xuất bán cho một nhà máy ở Khánh Hòa. Ông Bùi Quốc Tuấn, giám đốc công ty, cho rằng so sánh với nhiều cây trồng ngắn ngày khác, trồng rừng thương mại đang có hiệu quả kinh tế kém hơn do giá thấp, thời gian cho thu hoạch kéo dài. Theo ông Tuấn, mỗi ha sắn bình quân cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm, 5 năm được 100 triệu đồng; trong khi trồng rừng 5 năm mới khai thác chỉ thu được khoảng 50 triệu đồng, lại phải chịu lãi suất vốn vay và thuế nông nghiệp 4%.

 Chưa có lối ra

Nhiều năm qua, mặc dù tăng mạnh diện tích rừng sản xuất, nhưng ở Đắk Lắk, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng chưa phát triển tương xứng. Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, từ năm 1999-2012, toàn tỉnh trồng được 50.234 ha rừng sản xuất, trong đó hơn 80% diện tích trồng cây keo lai. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, cho rằng keo lai gỗ mềm chỉ làm được nguyên liệu giấy nên phải xuất bán ra ngoài tỉnh vì trong tỉnh chưa có nhà máy sản xuất bột giấy. “Hiện cả tỉnh chỉ có một nhà máy ở H.Krông Pắk chế biến hàng mộc từ gỗ keo lá tràm, keo tai tượng. Trong khi đó, các đơn vị, cá nhân trồng rừng chỉ tập trung trồng keo lai do chu kỳ sinh trưởng ngắn, khai thác sớm hơn”, ông Hưng lý giải.

Theo ông Hưng, khó khăn về đầu ra sản phẩm gỗ rừng trồng ở Đắk Lắk sẽ còn kéo dài do phụ thuộc vào giá cả thị trường. Giải pháp khắc phục từ khâu sản xuất là phải thay đổi cơ cấu cây rừng trồng, nâng diện tích cây dài ngày như keo lá tràm (chu kỳ 10-15 năm) để cung cấp nguyên liệu gỗ chế biến hàng mộc đang có nhu cầu lớn, tăng thâm canh rừng trồng để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao; đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ nguyên liệu tại chỗ. “Tuy vậy, việc vận động trồng các loại cây rừng dài ngày cũng không dễ, dù giá bán cao nhưng thời gian chăm sóc kéo dài, vốn đầu tư lại thiếu nên doanh nghiệp và người trồng rừng kém mặn mà”, ông Hưng nhận định.

Trung Chuyên

>> Bùng phát nạn chặt gỗ rừng làm trụ tiêu
>> Mập mờ việc đấu giá 86 m3 gỗ
>> Xử lý 2 xe “khủng” chở gỗ
>> Lại phát hiện gỗ “vô chủ” trong Vườn quốc gia Yók Đôn
>> Bãi gỗ “vô chủ” giữa Vườn quốc gia Yók Đôn
>> Xe quá tải “lùa” gỗ xuống quốc lộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.