Dự án nhà ở xã hội bị nghi lách luật để huy động vốn

17/09/2013 08:28 GMT+7

Dự án 143 Trần Phú (Q.Hà Đông, Hà Nội) là một trong những dự án nhà ở thương mại được chuyển sang nhà ở xã hội, dự kiến hoàn thành cuối năm 2015 với hơn 512 căn hộ, đã có 366 trường hợp đủ tiêu chuẩn mua nhà.

Mới đây, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) thuộc Tổng công ty Sông Đà đã thông báo cho số khách hàng kể trên đến thỏa thuận đặt cọc. Đây là cách để đơn vị xác nhận quyền mua của khách hàng, số tiền cọc là 70 triệu đồng, nhưng cũng có thể là 50 triệu, 30 triệu đồng hay ít hơn. Đã có 9 khách hàng đặt cọc, ít nhất là 30 triệu đồng.

Theo Giám đốc SDU Hoàng Văn Anh, công ty đã gửi toàn bộ số tiền đặt cọc vào ngân hàng và cam kết không sử dụng vào mục đích khác. Khi ký hợp đồng mua nhà, số tiền này sẽ được chuyển thành tiền mua nhà. Nếu không mua mới mất tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng, SDU đã không tổ chức hội nghị thỏa thuận việc đặt cọc với khách hàng. Nhiều người cho biết họ nhận được thông báo từ chủ đầu tư yêu cầu nộp tiền cọc và ký vào một cam kết soạn sẵn với nội dung tự nguyện đặt cọc. Nhiều khách hàng cho biết họ được cam kết nếu đặt cọc sẽ chắc suất mua nhà, nhưng có người lo khi bốc thăm không được căn hộ như ý thì không rút được tiền về. Có khách hàng cho rằng đây có thể là chiêu lách luật để huy động vốn.

Theo một chuyên gia bất động sản, dự án 143 Trần Phú có địa thế đẹp nên việc chủ đầu tư lo giữ khách là thừa. Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thì việc bắt buộc khách hàng đặt cọc là sai quy định. Muốn nhận tiền đặt cọc, SDU phải để khách hàng tự nguyện. Thứ trưởng Nam cũng cho rằng cách làm này của SDU là “hơi khác” so với các dự án nhà ở xã hội khác.

L.Q

>> Yêu cầu đẩy mạnh hỗ trợ thủ tục cho người mua nhà xã hội
>> Hai doanh nghiệp đầu tiên được vay 650 tỉ xây nhà xã hội
>> “Rối” nhà xã hội cho thuê
>> Cử tri bức xúc về tham nhũng, khó mua nhà xã hội...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.