Đào tạo nghề cho lao động nông thôn Hậu Giang: Hiệu quả nhưng vẫn lo

13/10/2011 09:52 GMT+7

Nhiều ngành nghề phù hợp được mở, nhiều mô hình hay được “trình làng” đã đem lại kết quả khả quan trong công tác đào tạo nghề nông thôn ở Hậu Giang. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, trăn trở...

Nhiều mô hình hay

Ở một số địa phương của Hậu Giang, các học viên đã dùng tiền trợ cấp để thực hiện những mô hình sản xuất thiết thực. Ông Đỗ Văn Út (ngụ ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, TX.Ngã Bảy) cho biết: “Chúng tôi dùng số tiền hỗ trợ 10.000đ/ngày, hùn lại xây dựng mô hình nuôi cá, vừa học vừa thực hành. Ban đầu đầu tư khoảng 15 triệu đồng, sau 5 tháng thả nuôi thu về hơn 18 triệu đồng. Lợi nhuận không nhiều nhưng như vậy là quá tốt rồi bởi vì mình được thực hành song song với học lý thuyết”. Ngoài nuôi cá, còn có những mô hình tiêu biểu khác như nuôi trồng thủy sản, trồng hoa màu, chăn nuôi…

Tại thị trấn Một Ngàn (H.Châu Thành A), Trung tâm dạy nghề (TTDN) của huyện tổ chức liên kết với các công ty, xí nghiệp nhận hàng cho học viên may gia công. Nhờ vậy người học thấy tin tưởng và tự tìm đến các lớp học ngày càng nhiều hơn. Bà Lê Thị Mỹ Châu, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Một Ngàn, đã ngoài 50 tuổi, chia sẻ cách làm này thuận lợi cho những trường hợp lớn tuổi như bà, bởi “U50” như bà thì ít doanh nghiệp nào chịu nhận vào làm. Giờ đây, bình quân mỗi tháng bà Châu nhận được tiền lương từ 800 - 900 ngàn đồng.

Hay như ở xã Tân Phú (H.Long Mỹ), Hội Phụ nữ xã ngoài vận động chị em đi học nghề còn liên hệ với các đầu mối ở chợ tìm đầu ra cho sản phẩm của chị em. Chị Phan Thị Sul, ở ấp Tân Hòa nói: “Trước đây tôi biết bó chổi nhưng chỉ để xài trong nhà thôi. Nhờ được dạy nghề nên bây giờ tôi đã “cứng” tay hơn nhiều. Tôi làm chổi đem đi bỏ mối ở chợ xã, được nhiều người mua. Tôi mừng lắm”.

Áp lực kinh phí

Năm 2010, sau khi triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, Hậu Giang cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT 242 lớp với 7.260 người, tỷ lệ giải quyết việc làm đạt hơn 70%. Theo mục tiêu của tỉnh, sẽ phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 25% (2015) và 37% (2020). Như vậy, bình quân mỗi năm tỉnh sẽ đào tạo nghề cho khoảng 8.800 người. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh khoảng 12%.


 Thanh niên nông thôn  học nghề - Ảnh: Hoàng Nguyên 

Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho LĐNT còn gặp nhiều khó khăn, đặc bỉệt là   kinh phí để thực hiện. Ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hậu Giang, cho biết: “Năm 2011, từ nguồn kinh phí Trung ương phân bổ, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề cho LĐNT đợt 1 gồm 75 lớp với 2.250 học viên tại các huyện, thị, thành phố. Tuy nhiên, nếu kinh phí địa phương tiếp tục chậm thì việc thực hiện các lớp đợt 2 sẽ không hoàn thành chỉ tiêu, phải gối đầu sang quý I năm 2012. Thực tế đến quý II năm 2011, các đơn vị mới bế giảng được các lớp học nghề đợt 2 năm 2010. Nguồn kinh phí phân bổ cận cuối năm sẽ tạo cho chúng tôi và các huyện, thị, thành phố rất nhiều áp lực. Tình trạng này đã vướng phải trong năm 2010”.

Ngoài nỗi lo về kinh phí còn phải nói đến chuyện thiếu thầy, thiếu thợ ở các TTDN. Hiện nay TTDN ở các huyện, thị đều trong giai đoạn hoàn thiện. Thế nhưng   với nhân lực hiện tại thì các trung tâm sẽ rất khó đáp ứng được nhu cầu dạy học. Đơn cử TTDN huyện Châu Thành, năm nay sẽ mở 7 ngành nghề, trong đó có 2 nghề mới là điện gia dụng và điện công nghiệp nhưng giáo viên cơ hữu chỉ có 3 người, muốn tuyển thêm cũng không thể vì chưa được phân bổ biên chế. Năm vừa rồi, tỉnh triển khai các lớp đào tạo nghề theo đề án, lao động không phải đóng tiền, lại được hỗ trợ tiền 10.000 đồng/ngày mà họ còn chưa mặn mà, nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng.

Rõ ràng, đào tạo nghề cho LĐNT không phải là chuyện dễ, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Đó là chưa kể đến bài toán tìm đầu ra cho lao động sau khi học nghề… 

Hoàng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.