Cực như sống ở... mặt tiền QL1: 'Tiệt đường' làm ăn

25/08/2014 09:56 GMT+7

Khổ nhất vẫn là các khu thị trấn, thị tứ đông đúc, tác động của việc thi công “ì ạch và bầy hầy” không chỉ khiến cuộc sống bị đảo lộn mà việc kinh doanh buôn bán của gia đình cũng xuống dốc không phanh.

 

Siêu thị điện thoại K.N ở TT.Gio Linh (H. Gio Linh, Quảng Trị) vắng như chùa bà đanh vì mặt tiền ngồn ngang - Ảnh: Nguyễn Phúc

Quán xá đóng cửa

“Căng” nhất vẫn là đoạn qua TT.Hồ Xá, TT.Gio Linh, đoạn Ngã tư sòng H.Cam Lộ và 1 phần của TP.Đông Hà (Quảng Trị). Đó là siêu thị điện thoại di động K.N ở TT.Gio Linh (H.Gio Linh) nhưng vắng như “chùa bà đanh” kể từ lúc đường được xới lên và chủ siêu thị phải tăng cường “mấy nhịp cầu tre” để người mua đi bộ qua. Cùng tình cảnh, tiệm tạp hóa H.T (ở đường Lê Duẩn, TP.Đông Hà) đã buộc phải đóng cửa tạm thời khi bỗng đâu có 4 cái ống cống “khủng” được đặt chình ình ngay trước cửa tiệm sáng 13.8.

Thiệt hại khá nặng nề là hoàng loạt tiệm tạp hóa chuyên bán đồ Lào- Thái tại ngay cửa ngõ vào TP.Đông Hà (thuộc thôn Phú Hậu, xãCam An, H.Cam Lộ). Theo những chủ tiệm ở đây thì từ ngày có việc thi công đường, họ dường như “tiệt cả đường làm ăn”. “Trước, tiệm của tôi đón khách bắc nam nườm nượp còn nay thì chẳng có ai ghé đến. Thấy đường sá như chiến trường, bụi bặm, tài xế người ta không dừng xe. Mà có dừng chắc gì khách dám “phiêu lưu” trên mấy cái cầu thang chênh vênh, cao cả mét để vào quán. Đó là chưa nói việc hàng hóa bám bụi, chùi rửa hôm nay, mai lại bám...ai muốn mua nữa”, chị Phạm Thị Hương (55 tuổi), nói như xổ hết bao ấm ức trong lòng.

Một chủ tiệm tạp hóa Lào Thái ngay đối diện chị Hương cũng không giấu bức xúc: “Nhiều lúc bực quá cũng muốn hỏi cho ra nhẽ là “làm đến bao giờ xong” để còn buôn bán nhưng chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu hoặc trả lời kiểu “cũng không biết khi mô”. Kiểu ni chắc gia đình tôi ăn mắm, ăn muối dài dài”. Nhiều doanh nghiệp, công ty lớn hơn nằm trên trục đường (đặc biệt tại khu vực thuộc TP.Đông Hà, Quảng Trị) cũng bị ảnh hưởng trong việc làm ăn khi cán bộ hoặc khách hàng đến liên hệ công việc đều phải “trèo lên trụt xuống” mới vào được trụ sở.

Ông Hoàng Bình, Chủ tịch UBND xã Cam An cho hay địa phương rất chia sẻ với nỗi thống khổ của người dân nhưng cũng phải chia sẽ áp lực đối với đơn vị thi công. “Chúng tôi thường xuyên đốc thúc, đề nghị đến chủ đầu tư và đơn vị thi công sớm hoàn thành để cho bà con bớt khổ. Nhưng hiện đang kẹt nhiều thứ quá. Mình cũng không thể giục người ta mãi, vì làm nhanh đôi khi cũng dễ dẫn đến làm ẩu”, ông Bình nói.

Lưu thông đình trệ

Từ khi triển khai thi công, xe cộ phải chịu cảnh chạy ì ạch trên đường, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, giao khách dẫn đến việc mất mối làm ăn. Đoạn qua 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình), do không mở rộng mà nâng nền đường nên chặn xe chỉ cho lưu thông 1 chiều; cộng với mặt đường lồi lõm dẫn đến đi rất mất thời gian. Bình thường đi từ TP.Đồng Hới lên trung tâm huyện Lệ Thủy chỉ khoảng 35 phút, giờ phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Các xe chạy tuyến Huế, Quảng Trị, Quảng Bình ra Hà Nội và ngược lại cũng bị mất một lượng khách đáng kể vì chạy quá chậm. “Bình thường xe chúng tôi ra Hà Nội tầm 5-6 giờ sáng là kịp cho mọi người chuẩn bị đi làm đúng giờ nhưng nay mãi đến 9 giờ mới ra đến nơi thì đã quá trễ. Thế nên chẳng mấy ai đi nữa, họ chuyển sang đi tàu. Đã thế xe bẩn như con mắm, lại nhanh rạc. Không biết tình hình này kéo dài bao lâu nữa”- anh S., một tài xế chạy xe tuyến Huế-Hà Nội than thở.

Ở phía bắc tỉnh Quảng Bình, đoạn thuộc địa bàn TP.Đồng Hới, huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn thì người dân sống ven đường chịu thêm cảnh tường cao hào sâu. Đường đoạn này được mở rộng nên 1 bên thì bị đào hào sâu, 1 bên bị lắp cống thoát nước cao (ở những đoạn tôn nền). Việc đào hào ngay trước mặt khiến buôn bán ế ẩm vì bụi bặm và đi lại khó khăn. Chủ 1 quán bún sáng ở xã Lộc Ninh (TP.Đồng Hới) cho biết sụt khoảng 70% doanh thu, kể từ khi đào đường đến giờ chỉ có người sống xung quanh đến ăn chứ không có khách đi đường, khách du lịch như trước.

 Tiếp xúc với người dân, chúng tôi thấy hầu như ai cũng đồng tình với chủ trương làm đường, thế nhưng việc quá nhiều rắc rối xảy ra khiến họ bức xúc, tâm tư. Theo quy định, bên thi công phải làm đường hay cầu tạm cho dân đi nhưng người dân ở phía bắc Quảng Bình phản ánh họ đều phải tự làm. Anh Hồ Văn Lân (xã Hải Trạch, Bố Trạch) cho biết nhà hư hỏng do máy múc hào sát quá mà không biết kêu ai, hỏi công nhân thì họ nói chỉ là người thực hiện, rồi nghe nói kêu bảo hiểm đến nhưng mãi không thấy đến. Từ khi đào giờ việc buôn bán đình trệ, đi lại nguy hiểm, xe máy phải đi gửi nơi khác. Cạnh nhà anh Lân, anh Ánh cho hay, vì mãi không thấy thi công tiếp nên anh tự mua đá đổ lên làm đường vào nhà; vừa đổ xong thì công nhân đến múc đi để lu thế là mất tiền vô ích.

N.Phúc - T. Q.Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.