'Cò' du lịch đang làm xấu Đà Lạt

30/07/2013 09:56 GMT+7

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự hội nghị “Tìm kiếm giải pháp thu hút khách du lịch đến Lâm Đồng” vừa diễn ra tại TP. Đà Lạt.

Ở Việt Nam nói chung, thành phố Đà Lạt nói riêng, các cửa hàng bán đặc sản, khách sạn, quán ăn, các dịch vụ… đều sử dụng lực lượng “tiếp thị” khá hùng hậu để quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến du khách. Do cách làm ăn chụp giựt, không lành mạnh nên người ta gọi đội ngũ này là “cò”.

Ông Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty Mạo hiểm Việt “phát pháo” đầu tiên tại hội nghị: “Đúng ra ban tổ chức nên mời các chủ lò mứt, chủ các quán ăn dự họp hôm nay. Chính lực lượng “cò” mứt, “cò” quán ăn, “cò” khách sạn… đang làm du khách sợ, mỗi khi đến Đà Lạt”. Ông Trung dẫn chứng, hiện nay rất nhiều đơn vị lữ hành đang bị “cò” lái theo hướng kinh doanh “tiêu cực”, đưa khách đến các lò mứt để hưởng 30-35% doanh thu bán mứt. Nạn “cò” lộng hành đang làm xấu Đà Lạt, chẳng khác gì đuổi du khách. Một đại biểu dẫn chứng, đêm 17.7, hai “cò mứt” Trần Hoàng Thiên (23 tuổi, từng có tiền án 6 năm tù về tội cướp) và Đinh Tấn Phát (24 tuổi, ngụ Tây Ninh) làm “cò” cho 2 lò mứt trên đường Nguyên Tử Lực (Đà Lạt) dùng dao đâm trọng thương một thanh niên khi anh ta đang tâm sự với người yêu tại vườn Bích Câu, bên hồ Xuân Hương để cướp tài sản. Đầu tháng 5.2013, tài xế già Đoàn Quốc Tính (63 tuổi) đưa đoàn du khách từ Nam Định vào Đà Lạt cũng bị “cò mứt” hành hung ngay tại khách sạn H.T (đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt), vì vô tình nói khách mua atisô tại lò như vậy là mắc. Đầu năm 2013, hướng dẫn viên của một công ty du lịch ở TP. HCM bị “cò mứt” hành hung dã man chỉ vì từ chối đưa khách vào “tham quan” các “lò mứt”, mà lại giới thiệu khách ra chợ Đà Lạt mua để khỏi bị “chặt chém”. Chưa kể vì tranh giành khách đã xảy ra những vụ “cò” xử nhau bằng dao, bằng súng…

Ông Phùng Quí Ngọc, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Lâm Đồng kể, tại một hội nghị về du lịch tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), có 2 doanh nghiệp lữ hành hỏi ông khi nào thì Đà Lạt dẹp được nạn “cò mứt”. Họ than phiền xe của công ty họ đưa khách lên Đà Lạt giờ nào, ngày nào các “cò mứt” đều nắm hết. Lái xe mà không đưa khách vào lò mứt sẽ bị hăm dọa, bị đánh. Ông Ngọc nhận định: Muốn dẹp bỏ nạn “cò” nói chung, “cò mứt” nói riêng, là những con sâu làm rầu nồi canh cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, một mình ngành du lịch không thể dẹp được. “Vừa rồi báo chí phản ánh “cò mứt” đánh tài xế, cơ quan công an có vào cuộc, nhưng kết quả xử lý thế nào Hiệp hội du lịch không được biết”- Ông Ngọc phân trần.

Ông Tôn Thiện San, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cho biết, TP. Đà Lạt đang tập trung xử lý các loại “cò” du lịch, nhưng có một cái khó trong luật chưa có qui định nào xử lý “cò” cả. Nếu “cò” nào có ký hợp đồng lao động với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, kinh doanh đặc sản mới có cơ sở xử lý. Trên thực tế chẳng có cơ sở kinh doanh nào ký hợp đồng với “cò” cả nên nhiều năm qua gần như thành phố Đà Lạt đang “bó tay” trước vấn nạn “cò”. Nhiều ý khiến khác tại hội nghị trên đều bức xúc trước vấn nạn “cò mứt” hăm dọa, đánh đập lái xe, hướng dẫn viên không được ngăn chặn là hình ảnh phản cảm đối với du khách, sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút du khách đến với Đà Lạt.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.