Chuyện vị quan tử thủ bảo vệ kinh thành Huế

10/07/2015 10:09 GMT+7

Mỗi năm cứ đến dịp 23.5 âm lịch, người dân cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế) lại bày mâm cỗ đầu ngõ để cúng tưởng nhớ anh linh liệt sĩ và nhân dân tử nạn trong biến cố thất thủ kinh đô (năm 1885). Trong biến cố lịch sử này, có một vị quan võ triều Nguyễn đã tử thủ ở Kỳ đài Huế để bảo vệ kinh thành mà lâu nay chưa được sử sách nhắc đến.

Mỗi năm cứ đến dịp 23.5 âm lịch, người dân cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế) lại bày mâm cỗ đầu ngõ để cúng tưởng nhớ anh linh liệt sĩ và nhân dân tử nạn trong biến cố thất thủ kinh đô (năm 1885). Trong biến cố lịch sử này, có một vị quan võ triều Nguyễn đã tử thủ ở Kỳ đài Huế để bảo vệ kinh thành mà lâu nay chưa được sử sách nhắc đến.

Chuyện vị quan tử thủ bảo vệ kinh thành Huế Bản sắc phong ghi ngày 7.7 năm Kiến Phúc nguyên niên (1883) ca ngợi công lao của ông Tôn Thất Phê
- Ảnh: B.N.L
Lương y Tôn Thất Thống (chủ nhà thuốc y học cổ truyền tư nhân Tôn Thất Thống, số 572 Lê Duẩn, P.Phú Thuận, TP.Huế), cho biết gia đình ông nhiều đời đều làm quan võ của triều Nguyễn, giữ các chức vụ quan trọng trong cấm vệ binh tại kinh thành Huế.
Hiện gia đình ông Thống còn lưu giữ hàng chục bản sắc phong, sắc chỉ của triều Nguyễn từ thời vua Minh Mạng đến Bảo Đại, dành tặng cho những vị quan võ của gia đình này đã có công bảo vệ đất nước và triều đình. Đặc biệt, là quan Đô thống Cấm binh Tôn Thất Phê, người đã tử thủ ở Kỳ đài Huế để bảo vệ kinh thành trong biến cố thất thủ kinh đô ngày 23.5 năm Ất Dậu (1885).
Ông Thống cho biết, lâu nay vẫn lưu giữ số sắc phong trên, nhưng do trình độ chữ Hán hạn chế nên chưa có điều kiện đọc và hiểu hết nội dung của các sắc phong. Mới đây, trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về triều Nguyễn, Phòng Nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tiếp cận và dịch thuật những tài liệu sắc phong và sắc chỉ tại gia đình ông Tôn Thất Thống.
Qua các sắc phong, sắc chỉ được dịch thuật, công trạng của những vị quan võ trong gia đình này mới được hé mở và đặc biệt nhất là công trạng lẫm liệt của vị võ quan được truy phong Đô thống Cấm binh Tôn Thất Phê.
Theo tài liệu sắc phong và gia phả còn để lại vừa được phiên dịch cho thấy, ông Thôn Thất Phê, là con trai của ông Tôn Thất Quy, đội trưởng đội 9 thuộc Hữu vệ dinh Thần Cơ (dưới thời Minh Mạng) đến thời Thiệu Trị ông Quy được thăng chức Cai đội 7 thuộc Trung cơ ở Bình Định. Ông Phê tham gia quân đội nhà Nguyễn dưới thời Thiệu Trị, đến năm Tự Đức thứ 9 (1856) ông được sắc phong chức Hộ vệ trưởng dinh Thần cơ, thuộc ty Hộ vệ của Vệ Loan Giá, tức đội quân chuyên bảo vệ nhà vua; năm Tự Đức thứ 19 (1866) ông được thăng Phó Quản cơ, chức vụ Hiệp quản trung vệ thuộc dinh Thần cơ; đến năm Tự Đức thứ 24 (1871) ông được thăng Phó Vệ úy Vệ Loan Giá; và đến năm Tự Đức 33 (1880) ông được thăng chức Chưởng vệ Loan Giá, quyền nắm giữ ấn triện của dinh Thần cơ. Đến thời Kiến Phúc (lên ngôi ngày 3.11 năm Quý Mùi (1883) đến 10.6 năm Giáp Thân (1884) thì mất), trong một bản sắc phong hiếm hoi, ông được vị vua trị vì đất nước 8 tháng này sắc phong Nghiêm uy Tướng quân, Thống chế của dinh Thần cơ.
Bản sắc phong ghi ngày 7.7 năm Kiến Phúc nguyên niên (1883) ghi: “Trẫm nghĩ, nanh vuốt cho vua, mang võ phục vừa nghiêm vừa giúp. Án điền ban thưởng, vua đối với tôi như tay với chân. Hợp ngày tháng rốt, ân chiếu ban ra. Nay ngươi, Tôn Thất Phê, thự Thống chế Chưởng vệ của dinh Thần cơ, sở trường đao kiếm, tài lớn can tương. Ở võ ban nêu danh kiên trì gan dạ. Trong chiến đấu ra tài thao lược điều hành. Ngày đêm cần mẫn, sau trước siêng năng. Nay ta nối nghiệp bình an, nào quên võ bị. Chỉ ngươi việc binh thành thạo nên giao sắp xếp. Nay đặc biệt chuẩn cho ngươi thăng thụ làm Nghiêm uy Tướng quân, Thống chế dinh Thần cơ. Ban cho cáo mệnh, để cho: Nơi hổ trướng sửa trị việc binh thêm phần hăng hái. Chốn vương gia bình thường phòng vệ làm tăng uy dũng. Việc quân thận trọng, để mãi tiếng khen. Kính thay!”
Theo gia phả của dòng họ Tôn Thất (hệ 7, phòng 18, chi 2 nhánh 1) cho biết, trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế ngày 23.5 năm Ất Dậu (1885) ông Phê chỉ huy Cấm binh của dinh Thần cơ quyết tâm tử thủ ở Kỳ đài Huế, bị trúng đạn và được binh lính dìu về trú ẩn ở tư gia (nay thuộc P.An Hòa, TP.Huế) để dưỡng thương. Nhưng do bị thương quá nặng, đến ngày 29.5 âm lịch, ông mất. Kinh đô thất thủ, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi cùng tam cung lên đường ra Quảng Trị, sau đó lên vùng Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị), thảo hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp.
Vua Thành Thái lên ngôi (năm 1889) xét công lao lẫm liệt của ông, ngày 12.6, năm Thành Thái thứ 2 (1890) nhà vua đã sắc phong, truy tặng cho ông chức Tráng vũ Tướng quân Đô thống Cấm binh. Bản sắc phong ghi: “Sắc cho ông Tôn Thất Phê, nguyên ở dinh Thần cơ, lần này vì việc nước mà bỏ mình, tình riêng đáng thương. Nay chuẩn truy tặng làm Tráng vũ Tướng quân Đô thống Cấm binh để an ủi hương hồn”.
Không chỉ sắc phong truy tặng vinh danh công lao của ông, mà 6 năm sau, năm Thành Thái thứ 7 (1896), khi con trai trưởng của ông Phê là Tôn Thất Phô đến tuổi trưởng thành, triều đình nhà Nguyễn cũng ban sắc chỉ thăng chức từ Tòng thất phẩm lên Chánh thất phẩm Đội trưởng đội Cấm binh để khuyến khích.
Từ tư liệu sắc phong, sắc chỉ để lại này không chỉ cho thấy công trạng hiển hách trong hàng ngũ võ quan của dòng họ Tôn Thất thuộc hệ 7, phòng 18, chi 2 nhánh 1, mà còn bổ sung tư liệu lịch sử sinh động về triều Nguyễn, giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.