‘Chuyên gia’ về mía

31/07/2015 09:57 GMT+7

Gần 10 năm gắn bó với cây mía, cũng là thời gian ông Hà Châu Ánh (54 tuổi, ở xã Ea Chà Rang, H.Sơn Hòa, Phú Yên) đã nếm đủ bao nhiêu cay đắng thất bại. Nhưng với tư duy “thất bại là đại thành công”, bây giờ ông được mọi người dân trong xã gọi là “chuyên gia” ứng dụng kỹ thuật mới cho cây mía. Trang trại mía của ông Ánh hiện có hơn 71 ha.

Gần 10 năm gắn bó với cây mía, cũng là thời gian ông Hà Châu Ánh (54 tuổi, ở xã Ea Chà Rang, H.Sơn Hòa, Phú Yên) đã nếm đủ bao nhiêu cay đắng thất bại. Nhưng với tư duy “thất bại là đại thành công”, bây giờ ông được mọi người dân trong xã gọi là “chuyên gia” ứng dụng kỹ thuật mới cho cây mía. Trang trại mía của ông Ánh hiện có hơn 71 ha.

Nắng hạn nhưng ruộng mía của ông Ánh vẫn xanh mượt
Nắng hạn nhưng ruộng mía của ông Ánh vẫn xanh mượt - Ảnh: Đức Huy
Ứng dụng kỹ thuật
Cánh đồng mía xanh mướt giữa mùa hè nắng đổ lửa, đó là thành quả lao động không mệt nghỉ của ông Ánh khi suốt cả đời gắn với cây mía. Ông Ánh nhớ lại: “Hồi mới trồng mía, tôi chỉ trồng vài sào nhưng bấp bênh lắm. Nhưng kể từ khi Nhà máy đường KCP Việt Nam đặt tại H.Sơn Hòa thì tui bắt đầu tính làm ăn lớn với họ”.
Ông Ánh dành hết vốn liếng, tiền hỗ trợ của KCP để đầu tư cho trồng mía với diện tích khoảng 30 ha nhưng chi phí cao, năng suất thấp nên tiền lãi thu mỗi năm chẳng là bao. Từ đó ông suy nghĩ: “Phải loại bỏ ngay giống mía cũ cho chữ đường thấp và áp dụng kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc để giảm chi phí, tăng năng suất cây mía”.
Với suy nghĩ này, ông Ánh tìm đến một sơ sở cơ khí ở xã Sơn Nguyên (H.Sơn Hòa) để đặt thiết bị gieo hom mía, bón phân và phun thuốc. Bằng kinh nghiệm trong suốt quá trình đầu tư cây mía, và với kỹ thuật của chủ cơ sở cơ khí nên cuối cùng những thiết bị này cũng được cho “ra lò”.
Với máy phun thuốc tự động, ông Ánh giảm từ 10 công lao động xuống còn 2 lao động và chi phí cũng giảm theo từ 3 triệu đồng xuống còn 400 ngàn đồng. “Bây giờ làm đất, gieo hom mía nhanh lắm. Trước đây, phải thuê bò cày, hơn 20 nhân công vác, băm, gieo hom mía nhưng một ngày chỉ trồng được 1 ha. Bây giờ, chỉ có 4 nhân công với máy gieo hom thì cũng làm bằng từng ấy việc của 20 nhân công. Tiết kiệm chi phí lắm”, ông Ánh khoe.
Ông Ánh nhẩm tính, nếu cơ giới hóa hoàn toàn trong trồng mía thì mỗi ha mía giảm chi phí chừng 7 triệu đồng và năng suất lại tăng chừng 10 tấn/ha. “Trồng mía thủ công chỉ làm được ở những thửa đất nhỏ lẻ. Nhưng nếu làm ăn lớn phải là cơ giới hóa thì mới kịp thời vụ và mới có khả năng cạnh tranh khi ngành mía đường VN hội nhập với thế giới”, ông Ánh nhìn nhận.
Mỗi năm kiếm bạc tỉ
Cây mía đã làm đổi thay đời sống người dân huyện miền núi Sơn Hòa, trong đó ông Ánh là nông dân số 1 của huyện này thu nhập bạc tỉ từ cây mía. “Năng suất mía bình quân ở trang trại tôi là 67 tấn/ha. Với diện tích đó, mỗi năm tui lãi gần 1,5 tỉ đồng”, ông Ánh tiết lộ.
Không chỉ mở rộng, làm ăn lớn cho riêng mình, ông Ánh còn giúp người dân ở xã EaChàRang trồng mía để tạo cuộc sống tốt hơn. “Người dân trong xã hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ canh tác theo thói quen và nhìn thấy ai làm hiệu quả thì làm theo.Từ khi ông Ánh trồng mía, có thu nhập cao, nhiều người chuyển sang trồng mía và được ông Ánh giúp đỡ. Nhờ vậy, đời sống bà con trong xã bây giờ tốt hơn nhiều”, ông Thái Hồng Tân, Chủ tịch UBND xã EaChàRang, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.