Chàng trai Ja Rai và những hòn đá biết nói

23/01/2015 10:33 GMT+7

Tình cờ phát hiện bộ đàn đá ở bờ suối, A Huynh - một chàng trai Ja Rai ở làng Chót, thị trấn Sa Thầy, H.Sa Thầy (Kon Tum) đã say mê và tìm tòi, khám phá ra những tiếng nói từ những hòn đá vô tri khác.

Tình cờ phát hiện bộ đàn đá ở bờ suối, A Huynh - một chàng trai Ja Rai ở làng Chót, thị trấn Sa Thầy, H.Sa Thầy (Kon Tum) đã say mê và tìm tòi, khám phá ra những tiếng nói từ những hòn đá vô tri khác.

A Huynh và bộ đàn đá tại nhà riêng
A Huynh và bộ đàn đá tại nhà riêng - Ảnh: Phạm Anh
Vô tình nghe đá hát
Đến đầu làng Chót hỏi A Huynh, dân làng nói ngay: “A Huynh chơi đá chứ gì. Nó đang làm bảo vệ ở Trường tiểu học Nguyễn Trãi, vào đó mà tìm”. Đến trường gặp mặt rồi, mới biết chàng trai 32 tuổi chưa vợ này rất hiền, miệng hay cười. Hỏi về bộ đàn đá, A Huynh bảo có 2 bộ đã gửi cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum, còn anh đang giữ 1 bộ, cất tại nhà riêng.
Nhà sàn ở làng Chót giờ nhiều người xây bằng gạch. Nhà sàn A Huynh thì vách còn làm bằng gỗ, lại chất đầy lúa do “chưa làm được chòi lúa bên ngoài”. Ái ngại giải thích, A Huynh vào bên trong lôi một bao tải nhỏ mang ra và bảo bộ đàn đá ở trong đó. “Em tính mua bộ khung để đàn đá, nhưng chưa có tiền nên tạm cất kiểu này”, A Huynh nói. Bộ đàn đá A Huynh đang giữ không phải là bộ hay nhất. Bộ hay nhất, A Huynh đã gửi cho Bảo tàng Kon Tum.
A Huynh bảo, cha mình là A Đới cũng rất rành về nhạc cụ dân tộc Tây nguyên, từng kể: ngày trước đồng bào Ja Rai nói riêng, vùng Bắc Tây nguyên nói chung hay lấy “đá biết nói” ghép lại rồi dùng sức nước chảy cho đá va vào nhau vang thành tiếng để đuổi chim ăn lúa, con chuột, con chim phá bắp, mì… Dần dần, cách đuổi chim thú này không còn nữa, đá biết hát cũng im nằm nghe suối hát dưới dòng nước lạnh.
Góp phần phát huy bản sắc
Ông Trần Duy Tiên - Trưởng phòng VH-TT-DL H.Sa Thầy: Những người trẻ tuổi như A Huynh thật hiếm: vừa say mê nhạc cụ, vừa có tâm trong sáng. Những gì A Huynh làm những năm qua góp phần cho H.Sa Thầy nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa vùng Bắc Tây nguyên này.
Một buổi chiều cách đây 6 năm, khi đi ngăn lũ trên suối Ya Lăh, trong lúc xếp những hòn đá ngăn nước không cho xói lở rẫy, A Huynh nghe là lạ bởi đá phát ra tiếng kêu thanh thoát. “Mình lấy đá gõ vào đá, có cái kêu thanh, cái thì không thanh. Lúc này mới nghĩ: hay đây là “đá biết nói’ cha từng kể”. Những ngày hôm sau rảnh rỗi, A Huynh về lại suối Ya Lăh tìm đá. Cứ theo phương pháp lấy đá gõ đá, A Huynh chọn được 20 viên đá phát ra âm thanh hay rồi xếp ngang bờ suối gõ… cho vui.
Ban đầu, sau buổi làm rẫy mệt mỏi, A Huynh cùng đám trai làng xuống suối gõ đá cốt là cho vui tai. Sau này, A Huynh phát hiện các viên đá khi gõ vào, âm thanh phát ra tiếng to, tiếng nhỏ khác nhau. Thế là A Huynh xếp lại theo thứ tự từ viên đá phát âm thanh từ to đến nhỏ. Thứ tự xong đâu vào đó, A Huynh lại nghĩ gõ “chay” như vậy sao hay, phải theo nhạc điệu mới “đúng bài” nên bắt đầu tập gõ theo làn điệu dân ca Ja Rai. Khi đã thuần thục các bài dân ca, A Huynh tập gõ đá theo cường điệu hòa âm của các bộ cồng chiêng đánh trong lễ hội làng. Sau những tháng ngày đam mê miệt mài, A Huynh đã làm chủ các hòn đá “biết nói”, biết bảo đá hát câu chuyện tình sơn cước, câu giao duyên thiếu nữ lên rẫy cùng các bài ca cách mạng mà dân làng mình hay ca hát.
Cứ thế, A Huynh cứ mê mải với đá “biết nói”, cho đến ngày anh mang đá “biết nói” trình tấu cho thiên hạ nghe.
Chinh phục lòng người
A Huynh trải bộ đàn đá ra sàn nhà, lấy dùi gõ nhẹ 12 viên đá, giải thích: nếu không có gì lót bên dưới thì âm thanh ít ngân nga. Nói đoạn, A Huynh lấy bao bố lót phía dưới 12 viên đá rồi gõ nhẹ, âm thanh quả là hay hơn lúc nãy. “Nhưng để trên khung trên giá đàng hoàng, âm thanh còn hay hơn nữa”. Thổ lộ lòng mình, A Huynh nói ban đầu chơi đàn đá ở dưới suối Ya Lăh cho vui. Sau anh mang 20 viên đá lên rẫy, để mỗi khi buồn, hay ngồi bên ghè rượu với anh em, khi đã ngà ngà hơi men, chất nghệ sĩ trong hồn trỗi dậy, A Huynh mới gõ đàn làm nhạc cho trai tráng hòa ca. Những khi ấy, đàn đá trong tay anh A Huynh mới thực sự hay, tràn đầy cảm xúc.
“Mình là chi hội trưởng cựu chiến binh làng Chót. Đầu năm 2009, có phóng viên Đài truyền thanh truyền hình H.Sa Thầy tên Kim Anh đến quay phim tuyên truyền về cách tập hợp thanh niên của mình, nên khi lên rẫy, đã phát hiện đàn đá của mình. Sau phóng viên này về nói lại dưới huyện…”. A Huynh kể lại “sự tích” vì sao đàn đá theo mình “xuống núi” về làng và biểu diễn nhiều nơi, nhiều chỗ sau này”. Sau lần ấy, huyện chọn A Huynh đi thi hội diễn văn nghệ quần chúng vào tháng 2.2010. Hôm đó, ban tổ chức vừa lạ lẫm vừa thích thú trước biểu diễn đàn đá của A Huynh và cho điểm tuyệt đối.
Và, cũng từ hôm ấy, A Huynh và đàn đá luôn là sự bàn luận sôi nổi của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Rồi A Huynh đi khắp nơi lưu diễn đàn đá, phục vụ mọi người. Ngoài đàn đá, A Huynh còn biết thổi điêng-pút (hay gọi là ống vỗ), chơi đàn ting-ning, đàn tơ-rưng và cả đàn ghita nữa. Hỏi vì sao còn trẻ, học của ai mà chơi được nhiều nhạc cụ, A Huynh thật thà: đàn ghita là học thời còn đi bộ đội, còn tất cả các nhạc cụ kia là do anh tự mày mò để học, luyện tập nhiều nên mới chơi hay như bây giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.