Cây di sản kêu cứu

27/06/2013 08:41 GMT+7

Nhiều cây cổ thụ trên 100 tuổi đã được vinh danh là Cây di sản Việt Nam, nhưng chưa ai rõ việc bảo tồn những di sản sống ấy sẽ như thế nào.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, không chỉ trên địa bàn TP.Hà Nội, mà ở nhiều tỉnh thành phía Bắc, hàng loạt Cây di sản vẫn đang trong tình trạng “sống chết mặc bay”.

Tháng 3.2013, cây đa tía ở thôn Cát Ngòi thuộc xã Cát Quế (H.Hoài Đức, TP.Hà Nội) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây di sản Việt Nam. Lập tức chính quyền xã Cát Quế đầu tư kinh phí xây dựng vành đai bảo vệ.

Tuy nhiên, quanh gốc đa còn nhiều công trình xây dựng chỉ cách khoảng 2 m. Người dân còn mở quán bán hàng, dựng rạp, đóng đinh buộc dây và đun nấu bằng bếp than ngay gốc đa…

9 cây muỗm có tuổi đời trên 700 năm ở đền Voi Phục (361 Thụy Khê, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội) cũng có số phận hẩm hiu tương tự. Sau hơn 3 năm được vinh danh, đã có 3 cây chết khô trong tình trạng thân bị mục ruỗng, sâu bọ đục khoét, vỏ cây bong tróc… 6 cây còn sống thì bị nấm, xén tóc tấn công, có cây bị kẹp giữa các bức tường, có cây bị cưa sát vào thân, chỉ còn trơ gốc.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng ban quản lý di tích đền Voi Phục cho biết: “Tới khi 3 “cụ muỗm” mục ruỗng trong thân, rồi chết khô thì mọi người mới biết. Chứ khi “cụ” bị sâu đục thân, mối mọt ăn bên trong thì có ai biết đâu mà chữa trị. Còn 6 “cụ muỗm” nữa, nếu không có biện pháp chăm sóc, phòng ngừa thì chắc cũng khó thọ được lâu”.

Để giữ cho 6 “cụ muỗm” còn sống, nhà đền đã liên lạc với VACNE. Tháng 3 vừa quan, cơ quan này đã cùng chuyên gia Úc đã khoan thân 6 “cụ muỗm” và “bắn” thuốc với tổng kinh phí 60 triệu đồng. Số tiền này nhà đền phải huy động từ nhân dân, tiền công đức mà không được hỗ trợ của VACNE hay UBND Q.Tây Hồ. "Tháng 7 này sẽ là đợt bắn thuốc thứ hai nhưng chưa biết lấy tiền ở đâu", ông Tùng cho biết.

Trong hội nghị tổng kết 3 năm vinh danh Cây di sản Việt Nam, ông Lê Minh Thưởng (xã Nghi Thịnh, H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) chủ của 5 cây thị 700 tuổi, cho biết: đã có người trả giá 7 tỉ đồng mua 5 cây thị trên. Tuy nhiên, vì cho đây là tài sản quốc gia nên gia đình không bán. Từ khi cây được vinh danh, gia đình ông phải trang trải toàn bộ kinh phí chăm sóc, bảo vệ cây. Ông Thưởng cho rằng nếu Cây di sản là tài sản quốc gia thì chính quyền và cơ quan chức năng phải hỗ trợ việc bảo vệ, chăm sóc.

Làm việc với Thanh Niên, ông Phùng Quang Chính, Ủy viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thừa nhận việc 3 cây muỗm ở đền Voi Phục bị chết là do bị xén tóc đục thân và vật liệu xây dựng chèn ép. Vẫn theo ông Chính, tình trạng Cây di sản bị xâm phạm đang diễn ra rất phổ biến. Nếu không có sự ra tay kịp thời của chính quyền, cơ quan chức năng, sẽ có nhiều cây di sản khác bị chết.

Ông Chính còn cho hay, VACNE chỉ là một tổ chức phi chính phủ nên không có quyền trong việc bảo vệ Cây di sản. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển Cây di sản, phải phân trách nhiệm cho từng đơn vị hay cá nhân sở hữu. Trong đó, nếu cá nhân quản lý thì phải được đầu tư kinh phí.

Hà An – N.Tuấn

>> Cây me tại Bảo tàng Quang Trung là cây di sản
>> Công nhận rặng ruối ở Đường Lâm là cây di sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.