Cà Mau nỗ lực phòng chống sạt lở

25/06/2014 10:14 GMT+7

Mùa mưa bão đang đến nhưng Cà Mau vẫn chưa đủ nguồn vốn để hoàn thành các công trình chống sạt lở.

Cà Mau nỗ lực phòng chống sạt lở

Nhiều ngôi nhà bị thiệt hại do sạt lở đất - Ảnh Chí Tín

Ngày càng nghiêm trọng

 

“Trước tình hình các tuyến bờ kè đê biển chưa được hoàn thành, tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn trong mùa mưa bão năm nay”  

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, khoảng 23 giờ ngày 14.6.2014, tại khu dân cư ven kinh Ba (khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, H.Ngọc Hiển) xảy ra một vụ sạt lở làm 7 căn nhà trôi xuống sông. Người dân đã kịp thời phát hiện và tri hô để những người trong nhà chạy thoát ra ngoài. Do sạt lở diễn ra quá nhanh và bất ngờ nên toàn bộ tài sản của các hộ dân bị cuốn hết xuống sông. Trung tá Nguyễn Văn Việt, chính trị viên Đồn biên phòng Rạch Gốc, cho biết đơn vị đã cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng ở địa phương giúp người dân vớt tài sản, khắc phục hậu quả vụ sạt lở.

Trong những ngày gần đây, mưa giông lớn đã làm chết 2 người, sập và tốc mái 223 nhà dân, sạt lở 1,7 km bờ sông, hư hại 39 căn nhà, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Để hạn chế tình trạng sạt lở xảy ra thường xuyên trong mùa mưa bão, kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, nhiều năm qua tỉnh Cà Mau đã  triển khai lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện các giải pháp như: đầu tư trồng rừng phòng hộ; xây dựng trên 17 km hệ thống bờ kè; thực hiện các dự án tái định cư ven biển để sắp xếp, bố trí chỗ ở cho những hộ di dân tự do, các hộ ở cửa sông, ngoài đê biển…

Địa phương chờ vốn

Để thực hiện các công trình trọng điểm như xây dựng hệ thống đê bao, bờ kè chống sạt lở, chống ngập ở các khu dân cư… Cà Mau cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Theo chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cà Mau được đầu tư nâng cấp đê biển Tây, xây mới đê biển Đông và các đê cửa sông với tổng số vốn 3.119 tỉ đồng, riêng giai đoạn 2009 - 2012 là 900 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, ngân sách T.Ư mới hỗ trợ cho tỉnh 258 tỉ đồng (bao gồm cả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu) nên tiến độ thi công rất chậm. Trong khi người dân đang phập phồng lo sợ sạt lở thì chính quyền địa phương cũng không biết xoay đâu ra tiền để thực hiện các dự án xây dựng bờ kè và bố trí người dân đến nơi tạm cư mới. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trên địa bàn hiện vẫn còn hàng ngàn hộ dân định cư ở khu vực ven sông. Trước tình hình các tuyến bờ kè đê biển chưa được hoàn thành, tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn trong mùa mưa bão năm nay”.

Theo khảo sát mới đây của UBND tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng 80% chiều dài bờ biển Đông và biển Tây bị sạt lở; trong đó có 41 km sạt lở nghiêm trọng, 17 km sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Trong khu vực nội đồng, hầu hết các tuyến sông, kênh, rạch đều bị sạt lở, nhiều công trình dân sinh, kinh tế bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Năm 2013, Cà Mau bị thiệt hại tới 21.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Tiến (H.U Minh), Khánh Bình Tây (H.Trần Văn Thời), Đất Mũi (H.Ngọc Hiển)... Nếu tình trạng trên không được khắc phục, dự báo trong thời gian tới, khoảng 90.000 ha đất sản xuất của Cà Mau có nguy cơ bị ngập.

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.