Buổi sáng bên sông Hằng

03/03/2015 10:37 GMT+7

Đoàn hành hương chúng tôi đến thành phố Varanasi (Ấn Độ) vào chiều 29 tết Ất Mùi 2015. Đó là thành phố bên sông Hằng, mà trái tim của nó là khu thành cổ Varanasi, thánh địa quan trọng nhất của Hindu giáo.

Đoàn hành hương chúng tôi đến thành phố Varanasi (Ấn Độ) vào chiều 29 tết Ất Mùi 2015. Đó là thành phố bên sông Hằng, mà trái tim của nó là khu thành cổ Varanasi, thánh địa quan trọng nhất của Hindu giáo. 

Kiến trúc bên sông Hằng
Kiến trúc bên sông Hằng - Ảnh: Thùy Linh
Thành cổ và sông Hằng
Tương truyền, khoảng 6.000 năm trước, thần Shiva, một trong ba vị thần lớn nhất của Hindu giáo, đã lập ra vùng đất Varanasi. Còn sông Hằng chính là hóa thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Shiva. Theo sử sách, thành cổ Varanasi là thành phố duy nhất trên thế giới tồn tại và phát triển liên tục trong hơn 3.500 năm. Trải qua bao thăng trầm, Varanasi vẫn giữ được những công trình kiến trúc cổ kính, đồ sộ. Dọc theo sông Hằng khoảng 4 km, đền đài, nhà cửa san sát, phần lớn được xây dựng bằng đá. Mỗi tòa nhà ở đây nối với bến sông bởi các bậc tam cấp, tạo thành quần thể các bến nước liên hoàn.
Sông Hằng dài khoảng 2.580 km, bắt nguồn từ dãy Himalaya, chảy theo hướng đông nam và đổ ra vịnh Bengal. Theo thiền sư Osho (Ấn Độ), đến nay, các nhà hóa học và khoa học đồng ý là nước thượng nguồn sông Hằng khá đặc biệt. Nước các dòng sông khác bị trữ sẽ thối và chất lượng kém đi. Nhưng nước sông Hằng vẫn tinh khiết, cho dù được trữ trong bao lâu. Những dòng sông chảy từ cùng một ngọn núi ở Himalaya như sông Hằng nhưng nước không có tính chất như vậy.
Ngày nay, Varanasi còn khoảng 2.000 ngôi đền lớn nhỏ, 400 lễ hội tôn giáo và 64 bến phục vụ lễ tắm rửa bên sông Hằng. Hàng năm, khi hành hương đến thánh địa Varanasi, các tín đồ Hindu giáo đều xuống sông Hằng tắm rửa, với niềm tin gột bỏ mọi tội lỗi. Họ tin rằng, người nào được tắm gội mỗi ngày ở sông Hằng, khi chết đi, được hỏa táng ở Varanasi và tro cốt rải xuống sông này thì sẽ được đến miền cực lạc.
Bao dung và kiên nhẫn
Thành cổ Varanasi bên sông Hằng để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên: Đền đài cổ kính, trầm mặc. Nếp sinh hoạt xưa như chẳng thay đổi theo thời gian. Nghèo nàn, nhếch nhác, ô nhiễm. Dọc bờ sông, hầu như chỗ nào cũng có rác tụ lại. Phân súc vật rải rác trên đường. Nước thải ô nhiễm từ nhà cửa, cống rãnh ngày đêm đổ ra sông. Buổi sáng, khách sạn phải dùng vòi nước rửa phân rác trên các bậc tam cấp dẫn xuống sông, dùng thuyền vớt rác trên mặt nước.
Men theo sông khoảng 1 km, chúng tôi đến khu hỏa táng. Nơi đây, nhà cửa ẩm thấp, nhếch nhác, nồng nặc mùi phân súc vật; củi thiêu xác chất cao như tòa nhà hai tầng. Triền sông bị phủ tro và than củi. Dưới mép nước, hoa và rác tấp đầy. Mùi khói khét lẹt. Một người Hindu chỉ cho chúng tôi hai xác người quấn vải trắng, một đang cháy trên đống củi, một chuẩn bị thiêu. Du khách được cảnh báo không chụp hình cảnh hỏa táng. Khi việc thiêu xác hoàn tất, người ta dùng vòi nước lớn, xối cả tro cốt và than củi xuống sông. Theo dân địa phương, đoạn sông này có nhiều xương người, do nhiều trường hợp hỏa táng không kỹ.
Được biết, mức ô nhiễm ở sông Hằng cực kỳ cao, ảnh hưởng đến khoảng 400 triệu dân sống gần sông. Nước cống từ các thành phố dọc theo sông, chất thải công nghiệp và vật dâng hiến tôn giáo bao gọc bởi túi nhựa không thể phân hủy là những nguồn gây ô nhiễm chính. Thành phố Varanasi mỗi ngày thải ra sông Hằng khoảng 200 triệu lít nước cống chưa qua xử lý. Tháng 12.2009, Ngân hàng Thế giới đồng ý cho Ấn Độ vay 1 tỉ USD trong 5 năm để cứu vãn sông Hằng.
Mặt trời đứng bóng, chúng tôi lưu luyến chia tay Varanasi. Hy vọng một ngày không xa, sông Hằng bao dung và nhẫn nại sẽ trở nên trong trẻo, hiền hòa như thuở ban đầu của nó…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.