Bán rừng phòng hộ để đào vàng

22/10/2014 09:59 GMT+7

Chính quyền H.Đông Giang (Quảng Nam) vất vả trục xuất một hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn để khai thác vàng, gỗ trái phép từ hàng chục năm qua.

Bán rừng phòng hộ để đào vàng
Khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vàng bị Tam lấn chiếm rồi phân lô bán cho dân làm vàng từ nhiều năm qua - Ảnh: Hoàng Sơn

Vô tư bán rừng cho... vàng tặc

Một khu vực rộng lớn thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vàng, cách trung tâm thôn Lấy (xã Tư) khoảng 6km tan hoang như vừa gánh chịu một trận bom. Dấu tích của những cuộc tìm kiếm vàng sa khoáng hiển hiện dọc bờ sông Vàng bởi những hầm, hố sâu nham nhở, cây cổ thụ bị bật tung. Tất cả phần đất này có diện tích hơn 56ha đều do ông Vũ Văn Tam (trú tại thôn Lấy) “xí phần” từ gần 20 năm trước. Theo hồ sơ do Phòng TN-MT H.Đông Giang cung cấp, năm 1990, ông Tam từ xã Giao Yến (H.Giao Thủy, Nam Định) vào khu vực suối Nước Trong (thuộc thôn Lấy) đào vàng sa khoáng. Sau đó, ông Tam sống như vợ chồng với bà Đ.T.Lợi (quê H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Mặc dù không đăng kí sử dụng đất với địa phương, nhưng đến năm 2004, ông Tam lại được UBND xã Tư xác nhận có nhà ở hợp pháp và được Công an H.Đông Giang đồng ý cho thường trú.

Có sổ hộ khẩu, năm 2008, ông Tam 2 lần viết đơn xin chính quyền địa phương cấp 30ha đất để trồng rừng. Trong khi đơn chưa được thông qua thì ông Tam đã vào rừng san lấp đất và bắt đầu phân lô để bán cho dân làm vàng. Kể từ đó, khu vực suối Nước Trong do ông Tam làm chủ trở thành trung tâm khai thác vàng trái phép. Suốt nhiều năm qua, ông Tam đã mở rộng ra trên 56ha rồi phân thành 29 lô để “vàng tặc” thay nhau đào sông, lật núi. Có thời điểm, khu vực này được gọi là “biệt phủ” của dân làm vàng do chỉ có một con đường duy nhất cộng với việc “đội quân” làm vàng đông đảo và manh động, sẵn sàng xua đuổi những người lạ mặt. Vì ít ai dám lại gần nên khu vực này được ông Tam “cát cứ”, khiến tình hình an ninh trật tự phức tạp, nạn buôn bán, sử dụng chất ma túy thường xuyên xảy ra.

Ông Bùi Văn Thảo, Phó trưởng Phòng TN-MT H.Đông Giang cho hay, Vũ Văn Tam là người chiếm đất với diện tích rất lớn và rất manh động. “Mặc dù, ông Tam công khai bán đất cho dân làm vàng nhưng khi làm việc với ngành chức năng ông Tam bảo không biết. Ngành chức năng của huyện đã nhiều lần xử phạt ông Tam về các hành vi bán dầu máy, đưa máy móc trái phép vào rừng... nhưng ông Tam vẫn ngoan cố”, ông Thảo nói.

Chính quyền bất lực?

Để kéo dài việc khai thác vàng trái phép và diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá ngày càng lớn là do sự quản lí lỏng lẻo của lực lượng kiểm lâm. Bên cạnh đó, theo ông Bùi Văn Thảo, nghiêm trọng nhất là sai phạm của chính quyền xã Tư trong việc xác nhận gần 1.900m2 đất rừng phòng hộ thành đất ở cho hộ ông Tam. Khi đã có đất ở, ông Tam đề nghị cấp đất để trồng rừng trong khu vực đầu nguồn sông Vàng, UBND xã Tư lại dễ dàng “tạo điều kiện” và buông lỏng một cách khó hiểu. Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND H.Đông Giang cho biết, trong vụ việc này UBND xã Tư quá yếu kém nên nhiều cán bộ chủ chốt đã bị kỉ luật với hình thức cảnh cáo. Năm 2014, UBND H.Đông Giang thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề nổi lên ở xã Tư và cử một phó chủ tịch huyện về “nằm vùng” tại thôn Lấy trực tiếp chỉ đạo. Kết quả, đã di dời 4 hộ dân sống trong khu vực rừng phòng hộ ra ngoài, chỉ còn hộ ông Tam là chưa chịu đi. Mới đây, ông này tiếp tục phá hơn 700m2 rừng phòng hộ để trồng keo. Lực lượng chức năng phát hiện đã đến lập biên bản xử lý nhưng ông Tam lại đưa người em vợ là Đặng Công Tình ra chịu trách nhiệm và cho rằng mình không liên quan. Khi PV đến hiện trường để tìm hiểu sự việc, chỉ có Tình và một số người làm thuê ở lại trong rừng làm việc với cơ quan chức năng.

Ông Đỗ Tài cho biết thêm, trong 56ha đất do ông Tam lấn chiếm chỉ có gần 1.900m2 đất là hợp lệ, chứ không hợp pháp do ngay từ đầu xã đã cấp sai vì nằm trong phần đất rừng phòng hộ. Phía huyện đang tính toán và lên phương án đền bù cho ông Tam khoảng 1 tỉ đồng để thu hồi toàn bộ diện tích đất. “Việc khai thác vàng trái phép đã giảm nhưng vẫn chưa kết thúc được. Các nhóm đào vàng vẫn tìm cách đưa xăng dầu vào rừng để khai thác.

Thậm chí, ông Tam hứa nếu người dân giúp ông qua được vụ này, ông sẽ cho một người dân một bao gạo. Chúng tôi đã lập chốt để cắt đứt con đường tiếp tế cho các nhóm vàng tặc. “Tôi cũng hứa với dân nếu anh em không xử lý được vụ việc, không đưa được ông Tam ra khỏi rừng phòng hộ thì nên nghỉ việc, chứ đừng làm nữa”, ông Đỗ Tài nói.

>> Lãnh án vì phá rừng phòng hộ
>> Bắt giam Trưởng BQL rừng phòng hộ Phan Thiết
>> Rừng phòng hộ thành vườn chè
>> Khởi tố 9 bị can phá rừng phòng hộ
>> Xử lý vụ hành hung giám đốc ban quản lý rừng phòng hộ
>> Xác minh diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.