Bạc Liêu đẩy mạnh kêu gọi đầu tư

08/09/2011 08:30 GMT+7

Tại hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL diễn ra mới đây, Bạc Liêu được ví như một “con rồng” đang vươn lên mạnh mẽ trong khu vực.

Chuyển động từ liên kết

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bạc Liêu, chương trình hợp tác giữa Bạc Liêu với TP.HCM, TP Cần Thơ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giống như một đường băng đưa kinh tế Bạc Liêu cất cánh. Chỉ một năm sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, Bạc Liêu đã thu hút được 18 dự án đầu tư từ TP.HCM với tổng vốn đăng ký 1.822 tỉ đồng và 6 dự án từ TP Cần Thơ. Đặc biệt, trong thời gian chưa đầy một năm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã triển khai 3 dự án lớn vào địa bàn tỉnh; trong đó có công trình tạo nên dấu ấn cho diện mạo TP Bạc Liêu là tòa nhà Bac Lieu Tower, cao 18 tầng, tổng mức đầu tư 319 tỉ đồng, dự kiến sẽ khánh thành ngay trong tháng này. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí còn đầu tư xây dựng trạm chiết nạp gas công suất 12.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất bao bì dầu khí và đầu tư phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu, phân bón trên địa bàn Bạc Liêu, với giá bán rẻ hơn phân bón nhập khẩu 15%....

 
Bạc Liêu có diện tích sản xuất muối lớn nhất khu vực ĐBSCL - Ảnh: T.T.PH

Trong hoạt động hợp tác với TP.HCM, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra các lĩnh vực ưu tiên liên kết hứa hẹn tạo ra đột phá cho kinh tế của tỉnh, gồm: phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển du lịch, dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, ưu tiên hàng đầu của tỉnh là kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn và thuốc thú y phục vụ nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, thủy hải sản và xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Kế hoạch liên kết để phát triển trong thời gian tới, ngành “công nghiệp không khói” cũng đang được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, Bạc Liêu sẽ tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư, nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện các cơ sở du lịch hiện có; đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển để làm cơ sở thu hút đầu tư vào các dự án lớn, như: khu nghỉ dưỡng ven biển, khu nghỉ dưỡng Nhà Mát, khu cầu dẫn và dịch vụ trên biển. Song song đó, tỉnh cũng sẽ kêu gọi đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô khu Quán âm Phật đài, quy hoạch khu du lịch Tắc Sậy để nơi đây trở thành một trong những khu du lịch văn hóa tín ngưỡng lớn của vùng. Sắp tới, tỉnh cũng sẽ mở rộng khu du lịch sân chim và nâng cấp khu nhà Công tử Bạc Liêu, hoàn chỉnh khu tháp cổ Vĩnh Hưng, khu di tích Đền thờ Bác Hồ, khu di tích Đồng Nọc Nạng…

 
Thủy sản hiện là lĩnh vực mũi nhọn của Bạc Liêu - Ảnh: T.T.PH

Các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư

Ông Trương Tấn Mười, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu có tiềm năng rất lớn về nuôi thủy sản, đánh bắt cá,  sản xuất nông nghiệp và du lịch… nhưng chưa được đầu tư, khai thác đúng mức. Do đó, tỉnh đã quy hoạch và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực này; đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

Một trong những dự án lớn mà Bạc Liêu đang kêu gọi đầu tư là dự án Nhà máy nhiệt điện tại ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, H.Đông Hải công suất 3.600 MW (gồm 3 nhà máy), tổng vốn đầu tư dự kiến 126.000 tỉ đồng. Dự án này đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Sở Công thương Bạc Liêu đã lập xong báo cáo đề xuất để trình bổ sung vào quy hoạch hệ thống điện lực quốc gia. Ngoài ra, tỉnh cũng đang xúc tiến xây dựng mới 2 khu công nghiệp Láng Trâm (H.Giá Rai) và Ninh Quới (H.Hồng Dân), xem đây là khâu đột phá nhằm làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp.

Một dự án có quy mô lớn khác là dự án Phát triển kinh tế biển, trọng tâm là phát triển khu kinh tế biển Gành Hào. Dự án đã được Thường trực Chính phủ đồng ý về chủ trương, giao cho các bộ và tỉnh khảo sát, lập báo cáo trình Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch các khu kinh tế ven biển của cả nước. Khu kinh tế có quy mô gần 21.000 ha, bao gồm: thị trấn Gành Hào, các xã Long Điền Đông, Long Điền Tây và xã Điền Hải. Khi định hình, khu kinh tế Gành Hào sẽ bao gồm các khu chức năng: khu thuế quan, khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu cụm cảng và kho trung chuyển, khu trung tâm điện lực, khu đô thị, khu thương mại tài chính và dịch vụ du lịch tổng hợp, khu hành chính, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất chế biến muối và các sản phẩm từ muối… Khu kinh tế Gành Hào sẽ có sức lan tỏa lớn và là một trong những trọng điểm phát triển mới của Bạc Liêu và của vùng ĐBSCL. Cảng biển Gành Hào quy mô công suất dự kiến 1-1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng vốn đầu tư 780 tỉ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch nhóm cảng biển ĐBSCL và hệ thống cảng biển Việt Nam... 

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.