Ấn tượng phong vị cà phê Giảng

18/07/2015 10:49 GMT+7

Cà phê Giảng được gọi đúng như thói quen gọi tên hàng cà phê nổi tiếng bằng chính tên người chủ của nó.

Cà phê Giảng (Hà Nội) được gọi đúng như thói quen gọi tên hàng cà phê nổi tiếng bằng chính tên người chủ của nó.

Ấn tượng phong vị cà phê Giảng
Nâu trứng - món tủ của cà phê Giảng - Ảnh: Ngữ Thiên
Bây giờ thì cà phê Giảng đã có tới mấy nhánh. Một ở đường Yên Phụ. Một ở Nguyễn Hữu Huân. Một ở gần cà phê Giảng trên phố Đinh Tiên Hoàng. Đó là quán cà phê của con cháu cụ Giảng nối nghề, cả con trai lẫn con gái (bà Bích đã mất).
Cà phê Giảng bắt đầu chào Hà Nội từ năm 1946 ở số nhà 90 phố Cầu Gỗ. Tới năm 1969 mới chuyển về số 7 Hàng Gai và "định cư" trong một số trí nhớ của người Hà Nội tại địa chỉ này. Ông Giảng vào nghề cà phê từ năm 1937. Ông làm bếp cho khách sạn Sofitel Metropole, rồi khách sạn Con Gà (sau là cửa hàng ăn uống Tràng Tiền), chuyên làm các món uống. Những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, cả ông bà Giảng và nhiều con trai, con dâu đều phục vụ cho ngành ăn uống quốc doanh. Ông làm ở quán Gió công viên. Bà làm ở cửa hàng Bốn mùa. Cửa hàng ở nhà chỉ “đóng vai phụ”. Nhưng dần dần, vai phụ đã thành vai chính, kéo cả kinh tế gia đình. Duy chỉ có cà phê là bao năm vẫn giữ phong vị cũ. Cùng với nó là một thái độ “rất Hà Nội”, vừa kín đáo, vừa ân cần, đúng mực, lịch lãm, am hiểu khách hàng.
Cà phê Giảng xưa và cả 3 nhánh hiện nay lúc nào cũng ăm ắp khách “chung thân” vào buổi sáng. Khẩu vị có khác nhau nhưng tất cả đều yêu cái quán cũ bình dị lâu năm giữa khu phố sầm uất, sôi động vào bậc nhất “kinh kỳ”. Giá của cà phê cũng rất vừa túi tiền, chỉ trên dưới 15.000 một món đồ uống. Cà phê trứng- món nổi tiếng của quán cũng chỉ có giá 15.000 đồng.
Cái riêng của “Giảng” là trứng - cafe trứng, bột đậu xanh trứng, ca cao trứng, cả bia trứng. Bột đậu xanh trứng dễ nghiện như kem đậu xanh Tràng Tiền. Trẻ em theo bố mẹ tới đây đều làm quen bắt đầu bằng món đó. Vị đậu xanh cứ thơm mãi quyện với vụ trứng cứ ngọt và ngậy bất tận. Thơm đến mức, lũ trẻ và các bà các cô thường gọi thêm trứng đánh. Ngon, mà tăng cân nhanh.
Nhưng mọi người đã uống ở đây đều nhớ và nhắc nâu trứng ở Giảng như một món “đặc sản”- đỉnh của đỉnh. Nhìn, hít hà rồi nếm và ngẫm nghĩ về nâu trứng, lần nào cũng có những cảm giác khó tả - những màu, những mùi, những vị tưởng như tương phản, tưởng như khắc chế nhau lại được kết hợp một cách dịu dàng chỉ trong một chiếc tách nhỏ: Màu nâu sẫm của cà phê kết hợp với màu vàng non tươi, hương thơm đặc trưng của cà phê quyện với mùi béo ngậy của kem trứng, vị ngặm đắng tan trong vị ngọt ngào. Sự tương phản ấy giống như những mâu thuẫn có thể dung hòa, thế mà vẫn cân bằng trong đời.
Cà phê Giảng xưa chếch sang phố Hàng Đào. Ở đó, cho tới khi gia đình sang nhượng lại nhà đất, khách vẫn còn có thể thấy những mái ngói cũ nhấp nhô, cài xen với bê tông và kính của thời hiện đại. Ngồi đó, có thể ngắm bậc cao niên đã gắn bó cả đời với những dãy phố cổ, trầm tĩnh đi bộ dọc vỉa hè quen thuộc. Thấy cả cô chủ hàng làm ăn đang phất, vàng đeo kín cổ, kín tay, hay các cô cậu mới lớn thời thượng cả về trang phục và ngôn ngữ. Đời sống cứ trôi trên vỉa hè như thế trong không khí ngai ngái, trầm mặc, cũ kỹ một cách tự nhiên.
Cuối năm 2007, nhà số 7 Hàng Gai có chủ mới và trưng bày những mặt hàng mới. “Giảng Hàng Gai” được nhân đôi - trở thành “Giảng - Yên Phụ”, “Giảng - Nguyễn Hữu Huân”. Chưa kể quán Đinh Tiên Hoàng vẫn trung thành với thực đơn đồ uống của Giảng xưa. Đến chỗ mới, điều kiện ăn ở và bán hàng đều tốt hơn. Nhưng khách vẫn nhớ day dứt kỷ niệm về quán cũ. Bù lại, gia chủ cũng tìm cách níu quá khứ theo cách riêng của mình.
Quán Yên Phụ bày cả những máy xay cà phê gia đình vẫn thường dùng. Khách thấy cũng yên tâm là truyền thống xưa vẫn còn đó. Quán Nguyễn Hữu Huân có quầy nhỏ nhắn kiểu như ngày xưa. Ly tách cả hai quán cũng cố giữ kiểu dáng cũ. Chỉ có bàn ghế là mới hơn, chứ không đượm màu thời gian thuở nào. Và hồn cà phê, tinh thần cà phê, mùi vị cà phê vẫn như xưa. Thơm, và thơm thật lâu…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.