9 năm oan khuất với 'án' HIV

28/07/2015 10:00 GMT+7

Bị mang tiếng là nhiễm HIV, suốt 9 năm qua, chị Đỗ Thị An, ở xã Cẩm Xá, H.Mỹ Hào, Hưng Yên đã phải chịu đựng biết bao nhiêu tủi nhục.

Bị mang tiếng là nhiễm HIV, suốt 9 năm qua, chị Đỗ Thị An, ở xã Cẩm Xá, H.Mỹ Hào, Hưng Yên đã phải chịu đựng biết bao nhiêu tủi nhục.

Chị An và người chồng thứ hai đã giúp chị giải oan nhiễm HIV sau 9 năm - Ảnh: V.N.K
Chị An kể lại, vào đầu tháng 3.2006, khi đang làm công nhân dệt may ở Vũng Tàu, chị bị lao lực, ho ra máu nên phải xin nghỉ về quê điều trị tại Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên. Đây cũng là thời gian Trạm y tế xã Cẩm Xá, nơi chị sinh sống, nhận được văn bản từ Trung tâm Y tế H.Mỹ Hào, thông báo kết quả của Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên, xác định chị An bị nhiễm HIV và nằm trong danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh. Thế rồi, sau đó, thông tin về việc chị bị HIV cứ thế lan truyền trong dư luận, nhưng chị An thì lại không hề được thông báo.
“Vì không biết tin xấu này nên tôi không hiểu vì sao cuộc sống của mình ngày càng khốn khổ, bị người đời hắt hủi, không xin được việc làm, rồi gia đình tan vỡ”, chị An nghẹn ngào nói.
4 lần định tự tử
Sau nhiều lần kiến nghị, tháng 5.2015, chị An đã được đưa đi xét nghiệm lại ở Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên, nơi từng kết luận chị bị nhiễm HIV. Kết quả, chị âm tính với HIV. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên cũng có kết luận tương tự vào ngày 15.6.2015.
Năm 2007, chị An trở lại Vũng Tàu làm việc, lấy chồng và sinh con. “Năm 2008, sau khi tôi đẻ bé Trang được 3 tháng, thì vợ chồng tôi về thăm quê ngoại. Mới ở quê được 2 ngày thì chồng tôi bỗng dưng đòi khăn gói về Vũng Tàu. Từ một người yêu thương vợ con, ông ấy quay ra đánh đập tôi lên bờ xuống ruộng, rồi đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà, không nói lý do”, chị An tâm sự.
Chị đành ôm con khóc ròng và bắt xe khách về quê, nương náu dưới căn nhà cấp 4 cũ nát với mẹ già. Lúc này cuộc sống của chị càng trở lên ngột ngạt, do bị dị nghị “nhiễm” HIV. Đi đến đâu chị cũng bị mọi người xa lánh, hắt hủi. Hàng ngày, chị đi mò cua bắt ốc bán lấy tiền nuôi con. Chị đến các công ty xin việc nhưng đều bị từ chối, chỉ có một xưởng thu mua ắc quy phế liệu nhận chị vào làm nhưng vẫn phân biệt đối xử. Họ trả chị tiền công 70.000 đồng/ngày, trong khi những người khác được trả 170.000 - 200.000 đồng. “Tôi ngồi chỗ nào thì những công nhân khác lại ngồi tránh xa ra. Tôi hỏi vì sao lại thế thì mọi người không nói mà lại lảng sang chuyện khác. Thấy những người làm cùng được ăn cơm trưa cùng với nhà chủ, tôi cũng xin nhưng không được, đành phải ngồi một mình ở góc nhà xưởng”, chị An vừa kể vừa khóc.
Công việc vất vả nhưng vẫn không đủ ăn, cộng với tinh thần mệt mỏi nên chị An ngày càng tiều tụy, xanh xao. Điều này càng khiến cho “tin oan” chị nhiễm HIV lan truyền rộng hơn. Con gái chị đến tuổi đi học cũng chịu sự cô lập, kỳ thị của bạn bè cùng trang lứa. Cháu ngồi một mình một bàn, không có bạn nào đến chơi cùng. Thấy con gái còi cọc, khát sữa mà không có tiền mua, có đêm chị thức trắng, khóc ròng vì quá tủi nhục.
“Tôi đã từng mua thuốc chuột về giấu ở đầu giường, định tự tử 4 lần rồi. Nhưng nghĩ lại thấy con bé sống cảnh mồ côi sẽ rất khổ nên không đành lòng”, chị An nhớ lại.
Điều lạ là, dù nằm trong danh sách người nhiễm HIV/AIDS nhưng chị An chưa bao giờ nhận được bất cứ một thông báo nào, cũng như không hề được cấp thuốc của cơ quan y tế. Lý giải điều này với PV, Trạm trưởng trạm Y tế xã cho rằng do chị đi làm ăn xa nên xã không “quản lý” được!
Giải oan sau 9 năm
Năm 2014, thấy chị An hiền lành lại chịu khó làm ăn, anh Phạm Văn Hoạch, một người đàn ông góa vợ ở thôn bên cạnh đã ngỏ lời muốn kết hôn với chị. Anh cũng nghe đồn chị đã nhiễm HIV nhưng thấy cảnh chị An và con gái sống đói rách, khổ cực cùng mẹ già, người đàn ông này động lòng trắc ẩn. Khi đó, người thân anh Hoạch ra sức ngăn cản và dư luận bàn tán ầm ĩ, nhưng anh vẫn quyết đến với chị An. Trong ngày báo hỉ, rất ít người đến chúc mừng anh và cô vợ “có H”. Những ngày giỗ chạp, anh em không muốn đến nhà anh Hoạch như xưa và không cho chị An nấu nướng bất cứ thứ gì.
Anh Hoạch kể: “Nhìn mẹ con An sức khỏe bình thường, sau 8 năm mà không có biểu hiện gì của căn bệnh HIV, khiến tôi hoài nghi về tính xác thực của “tin xấu”. Tôi đã nói khéo để đưa vợ đi kiểm tra sức khỏe. Tôi chở An ra phòng khám đa khoa tư nhân ở khu vực Phố Nối, rồi lại lên Bệnh viện 198 ở Hà Nội, xuống Viện Quân y 7 ở Hải Dương để xét nghiệm, tất cả đều cho kết quả âm tính với HIV. Lúc đó, An còn mắng tôi nghĩ xấu, nghĩ ác. Đến khi tôi giải thích có tin đồn như thế thì cô ấy mới vỡ lẽ, rồi bật khóc nức nở”…
Vào khoảng tháng 4.2014, gia đình chị An đã mang kết quả xét nghiệm ở các bệnh viện đến Trạm y tế xã Cẩm Xá và Trung tâm Y tế H.Mỹ Hào để yêu cầu xóa bỏ tin oan này. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ hứa sẽ báo lên cấp trên để giải quyết, rồi để đó.
Khi chị An mang bầu đứa con thứ hai, thông tin chị nhiễm HIV lại bị thêu dệt khắp làng trên xóm dưới. Lúc này, anh Hoạch quyết tâm đưa vợ đi gõ cửa các cơ quan chức năng để giải oan.
Sau hơn một năm đi đòi công lý, ngày 15.7 vừa qua, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, yêu cầu xóa tên chị An khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh và trợ giúp chị 50 triệu đồng. Tuy nhiên nỗi đau và những mất mát mà chị bị chịu đựng suốt 9 năm qua thì không thể nào nguôi ngoai trong ký ức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.