Nhìn thấy tôi trong đó (*)

16/10/2009 22:46 GMT+7

Một nửa số truyện có trọng tâm là tình yêu nam nữ, số còn lại nhắm đến một điều khác. Chọn lựa của từng tác giả bộc lộ khuynh hướng và thị giác văn chương của họ.

Đó có thể là số phận của một dòng tộc, một cá nhân, hay cách mà người ta đi qua cuộc đời này, dù ngoái lại sau hay hướng đến trước, hoặc vô định, vô can... Các tác giả rất khác nhau đã hẳn, các nhân vật lại càng chẳng giống nhau. Hoàn cảnh, thái độ sống, những câu hỏi hiện ra trong đầu họ... hoàn toàn không trùng lặp.

Cười cợt một tí với cuộc sống, nhưng Hồ Anh Thái (trong Rác và yêu) trêu chọc cặp vợ chồng với cái mũi quá thính của cô vợ đã vô tình làm hỏng hết mọi chuyện, trong khi Lưu Sơn Minh (trong Mưa ấm) lại nhạo báng anh chàng sùng bái vật chất đến nỗi chẳng thể còn phân biệt nổi thật - giả, kể cả sự thật trong đời và sự thật trong mơ, còn Trần Nhã Thụy (trong Chàng bán mía) lại giả vờ lý sự về cái quyền tưởng tượng của nhà văn. Người ta cũng có thể đặt câu hỏi với truyện của Tô Hải Vân: có thật là cô gái đã nhìn thấy anh chàng Minh hâm hấp ấy đi được Ba mét trên cầu vồng?

Cùng là sự thất bại trong tình yêu nhưng cô gái trong Duyên của nàng của Sâm Cẩm Tuyến đáng được chia sẻ so với anh chồng thô thiển, ích kỷ trong Làn gió hôm qua của Bích Ngân. Trong khi đó, Kiều Bích Hậu (trong Biển ơi xin đừng khóc), Nguyễn Thị Minh Thái (trong Ngồi đợi ở bậc thềm), Phan Thúy Hà (trong Mộng du), và Trương Thị Kim Chi (trong Đứa con của người tình) cùng hứng lấy nước mắt từ trái tim tan nát của những người đàn bà bị dạt ra khỏi vũ trụ tình yêu. Ngược lại, Lòng hồ của Lý Lan như một nụ cười mỉm về một vĩ thanh tình yêu, Sao la của Trần Thùy Mai là tiếng kêu thống thiết của nỗi đau trong tim chàng trai bị quên lãng, còn Thị trấn trên núi cao của Văn Giá là sự nổi loạn của những kẻ cố níu kéo cái đã thuộc về quá khứ. Đẹp hơn cả là mối tình trong Tre nở hoa của Quế Hương, thứ tình yêu - tôn giáo không gì lay chuyển nổi của một gã Tuệ anormal, với "Ánh mắt của một người yêu vô lượng, một gã đồ tể buông cây dao trong tâm".

Chú trọng đến cả kỹ thuật lẫn tính vấn đề của truyện là điều dễ nhận ra ở Phan Hồn Nhiên (Khi tôi 64), Mai Sơn (Phức cảm), và Vũ Thành Sơn (Thú ăn cỏ), khác hẳn Y Ban tỏ ra rất thoải mái Trong khu vườn nghệ sĩ.

Mở đầu và khép lại tập sách là hai tác giả trẻ: Bích Khoa trong Hãy hit restart và Yến Linh trong Ký ức đánh rơi. Cả hai đều có giọng điệu rất thời đại @, cho dù cách nhập cuộc của nhân vật họ xây dựng hoàn toàn trái ngược nhau. Cũng trẻ như thế là hai nhân vật trong Đoạn kết ở thị trấn Rừng của Nguyễn Vĩnh Nguyên, với những đối thoại được đồng nhất cùng thái độ sống. Cặp đôi ấy không có một kết cuộc vui chỉ vì nàng không thể chấp nhận đi trên một con tàu đang cán chết người còn chàng thì cứ tìm cách để gạt phắt đi mọi thứ, đúng như một kẻ vô can, vô cảm.

Nếu Mùa khô của Vĩnh Quyền là giọt nước mắt "ngậm ngùi lẫn thanh thản", khiến người ta tìm cách chôn sâu những tàn tích chiến tranh đau buồn, thì Những lát cắt một đời người của Ái Duy và Gia phả của Nhân Ý lại buộc người ta phải ngoái lại cùng quá khứ.

Nhân vật N. của Ái Duy đã trầm luân trong vô số những tình huống khóc cười, những sự thật bị đảo chiều, và những hoạn nạn mà bất cứ ai cũng cầu mong không phải trải nghiệm. Có vẻ như N sinh ra chỉ để bị quăng quật, để tự suy ngẫm và giác ngộ về sự có mặt của mình trên cõi đời này, như là một con người "cô độc khủng khiếp"...

Câu chuyện của Nhân Ý lại khiến người ta phải cười ra nước mắt, mở đầu bằng bữa cúng cha bị biến thành bữa nhậu thịt chó. Vậy mà người được cúng ấy xuất thân từ một danh gia vọng tộc, luôn lấy lý tưởng ái quốc trung quân làm trọng, đặt sinh mệnh của cả dòng họ thấp hơn yêu cầu của dân của nước. Ba thế hệ tiếp nối nhau hy sinh máu xương, ly tán cả một gia tộc, để rồi hôm nay, đứa cháu duy nhất còn lại phải nhẫn nhục dằn lòng trước cô vợ bán thịt chó chua ngoa, như một sự sỉ nhục quá bi hài từ cuộc sống. Một câu hỏi có tính thời sự - xã hội: chiến tranh và những xáo trộn lớn buộc con người phải chọn lựa ra sao? Ai có thể vượt lên, và ai có thể bị chìm đắm, đánh mất cả quá khứ lẫn tương lai?

Ngô Thị Kim Cúc

(*) Đọc Truyện ngắn hay Báo Thanh Niên 2008, NXB Văn nghệ, tháng 10.2009.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.