Nhiều gen Z nhắn tin để trò chuyện rất lưu loát, nhưng gặp nhau thì... á khẩu

Thảo Phương
Thảo Phương
10/05/2023 11:06 GMT+7

Ở trong bất kể môi trường nào, ăn nói khéo léo, có duyên là một điểm cộng đối với gen Z. Tuy nhiên không ít bạn trẻ chỉ thích nhắn tin, trò chuyện qua màn hình mà hiếm khi giao tiếp ở bên ngoài. Do đó, khi thay đổi môi trường sống, nơi học tập, làm việc họ gặp nhiều trở ngại khi giao tiếp với mọi người xung quanh.

Cách để gen Z thoát khỏi nỗi sợ giao tiếp ngoài đời thực - Ảnh 1.

Không ít gen Z chăm chú vào thiết bị điện tử để giao tiếp trực tuyến mà vô tình bỏ quên kỹ năng giao tiếp ngoài đời thực

THẢO PHƯƠNG

Ngại khi bắt chuyện với người khác

‏Thuộc kiểu người hướng nội, ngại khi giao tiếp trực tiếp nên từ lúc đi học cho tới khi đi làm Võ Thị Tố Nga (25 tuổi) đang làm việc tại một bệnh viện trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) luôn "chật vật" trong việc giao tiếp, làm quen với đồng nghiệp. ‏

‏Nga kể: "Khi đến một môi trường mới nhiều thứ lạ lẫm, đồng nghiệp mới, công việc mới nên mình gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Đi làm mình hay tránh né chỗ đông người, sợ gặp mặt người khác nên mình đi thang bộ thay vì thang máy. Mặc dù biết là quen biết nhiều người thì làm việc sẽ dễ dàng hơn, nhưng mà ngại nên không thể bắt chuyện. Khi nào có việc gì cần phải làm việc thì mới đến làm quen nên hiện tại trong bệnh viện mình chỉ biết được vài người, người chưa biết vẫn còn nhiều mà không biết phải bắt chuyện như thế nào".‏

‏Việc không biết cách giao tiếp ở bên ngoài khiến cho không ít bạn trẻ gặp những bất lợi trong công việc lẫn cuộc sống hằng ngày. Dần họ bị tách biệt với mọi người xung quanh vì đi đến đâu cũng không thể hòa nhập.

Cách để gen Z thoát khỏi nỗi sợ giao tiếp ngoài đời thực - Ảnh 2.

Nhiều gen Z gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường mới vì không biết cách giao tiếp

THẢO PHƯƠNG

‏‏Từng hai lần chuyển chỗ ở nhưng vẫn không thể thích nghi được với mọi người trong phòng, P.T.N.B, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tâm sự: "Lúc mới lên ĐH mình ở chung phòng với năm bạn sinh viên, vì không quen biết trước đó nên mình không thể hòa nhập được với mọi người. Một phần vì mình ít nói, lại thêm không biết phải bắt chuyện thế nào. Dù trong phòng mọi người cười đùa nói chuyện nhưng mình chỉ lẳng lặng làm việc của mình chứ không giao lưu với ai. Dần mình bị tách biệt với các thành viên trong phòng".‏

‏Vì không thể hòa nhập được nên tháng 9 năm ngoái B. xin chuyển sang một phòng khác của một người bạn cùng lớp nhưng tình hình vẫn không khá hơn khi ngoài bạn đó ra B. vẫn không thể bắt chuyện thêm được với ai. "Không chỉ ở phòng mà trên lớp mình cũng có rất ít bạn. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng mình vẫn không thể mở lời. Mình nhận thấy việc bắt chuyện với người khác là một trở ngại lớn đối với bản thân", cô nàng gen Z trải lòng. ‏

‏Tương tự, do tính chất công việc, trong một ngày phải nói chuyện với nhiều người, tuy nhiên lúc tư vấn cho khách hàng qua điện thoại thì rất tự tin nhưng khi gặp mặt trực tiếp thì lại e dè. Đó là chia sẻ của Huỳnh Thanh Cúc (21 tuổi), làm nhân viên SEO cho một Công ty tư vấn dịch vụ bất động sản ở P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức (TP.HCM). 

Cúc kể: "Tư vấn qua điện thoại mình nói năng rất lưu loát nhưng không hiểu sao mỗi lần dẫn khách đi xem nhà là lại e dè, không nói chuyện được như lúc nhắn tin hay gọi điện. Mình không biết nói năng sao cho khéo léo để họ có ấn tượng tốt với mình".

Cách để "khéo ăn khéo nói"

Mặc dù giao tiếp khéo léo là một kỹ năng cần thiết trong công việc và cuộc sống, tuy nhiên không ít gen Z gặp khó khăn trong việc nói chuyện trực tiếp. 

Nói về cách để bắt chuyện và gây ấn tượng với người đối diện khi giao tiếp trực tiếp, thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường ĐH Văn Lang đưa ra lời khuyên: "Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng lời chào lịch sự, phù hợp với đối phương giao tiếp và nụ cười sẽ tạo nên không khí thoải mái. Khi nói chuyện, hãy chú ý đến người đối diện, lắng nghe và thấu hiểu những điều họ đang nói. Từ đó, bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ ý kiến của mình. Tôn trọng đối phương bằng cách lắng nghe và chia sẻ ý kiến tích cực, lịch sự. Nếu bạn biết được sở thích, lĩnh vực của người đối diện, hãy dành thời gian tìm hiểu. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra các câu hỏi thông minh và chia sẻ ý kiến phù hợp, có ý nghĩa. Chú ý sử dụng ngôn ngữ nói và phi ngôn ngữ phù hợp với đối phương giao tiếp bằng cách sử dụng ngôn từ thân thiện, giữ thái độ tích cực khi trò chuyện, trang phục lịch sự", thạc sĩ Mãi nói.

Thạc sĩ Mãi cũng chỉ ra những lợi ích của việc biết cách bắt chuyện, giao tiếp ngoài đời thực. "Khéo ăn khéo nói thì được lòng thiên hạ. Đó là điều không thể phủ nhận. Giao tiếp khéo léo giúp củng cố hình ảnh cá nhân, xây dựng sự tin tưởng. Từ đó, duy trì tốt mối quan hệ đã có và xây dựng các mối quan hệ mới. Mặt khác, giao tiếp khôn khéo giúp tránh được những xung đột, mâu thuẫn khi trao đổi thông tin bất lợi hay phản hồi những thông tin quan trọng. Ngoài ra, giao tiếp khôn khéo sẽ tạo nên sự khác biệt cho bản thân khi bạn biết cách ứng xử tốt với tình huống giao tiếp", thạc sĩ Mãi cho hay.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.