Nhàn đàm: Hình thức do chính nội dung quyết định

11/06/2023 08:12 GMT+7

Sự tự do trong thơ là không định hướng, nhưng rất cần một cốt lõi. Cốt lõi ấy, với nhà thơ Việt, là tinh thần dân tộc, là lòng yêu nước, là sự tìm về với cội nguồn nhân dân. Và khởi đầu là tư tưởng nhân văn.

Cách đây mấy năm chúng ta kỷ niệm 50 năm Mậu Thân, nhìn lại mới thấy sự hy sinh của nhân dân là vô cùng lớn lao. Chỉ ca ngợi chiến thắng, mà không nhìn thấy sự hy sinh lớn lao đó, thì không phải nhà thơ. Thấm nhuần tư tưởng nhân văn trong thơ, chúng ta có thể hội nhập với thế giới bằng chính trái tim mình. Chỉ cần có lòng yêu nước, có tình yêu thương thật sự với nhân dân mình, chúng ta có thể khẳng định bản chất và bản lĩnh Việt Nam trong thơ trước thế giới.

Càng hội nhập, thì lại càng phải dân tộc. Về nguồn, là để ra biển. Không ai tặng quà tự do cho mình cả, tự mình phải có nó, phải tự sắm nó như một thành phần tất yếu trong bản thể, và trong thơ mình. Khi những bức xúc xã hội, những đau đớn của nhân dân, những nguy cơ của đất nước không hề đi qua bộ lọc của nhà thơ, thì phải xem lại nhân cách và lương tâm của nhà thơ.

Tự do trong thơ cũng là tự do trong hành trình của mỗi con người và của đất nước. Đất nước tự do thì con người được tự do. Nhà thơ tự do thì thơ họ sẽ dễ dàng có hình thức của thơ tự do, và nội dung của thơ vì con người, vì nhân dân, vì đất nước.

Là nhà thơ, anh sẽ thắng nếu được thiên nhiên ủng hộ. Bây giờ tôi mới ngộ ra điều này: không phải các hội đồng giải thưởng ủng hộ anh, mà chính thiên nhiên mới có thể nói thơ anh thế nào, có đáng được ủng hộ không? Và không phải thơ anh chỉ viết về thiên nhiên mới nhận được sự ủng hộ như vậy. Anh cứ viết về con người, chỉ viết về con người, nếu thơ anh hay, anh vẫn nhận được sự ủng hộ vô hình nhưng quyết định ấy của thiên nhiên. Vì con người cũng là một phần hữu cơ của thiên nhiên. Dĩ nhiên, không con người nào sống ngoài thiên nhiên, khi con người là nhân vật chính của thơ anh - đó là bản thân anh. Bản thân anh sống với thiên nhiên thế nào, thơ anh sẽ viết được thế ấy, và anh sẽ nhận được sự ủng hộ hoặc khước từ của thiên nhiên đúng mức như vậy.

Tôi là người làm thơ luôn muốn đổi mới nhưng luôn bị (hay được) cổ điển kéo về. Tôi không cưỡng lại, nhưng vẫn thích viết theo những lối mới, dù đôi khi, tự nhiên viết được một bài thơ hoàn toàn theo cổ điển, và thật lạ, bài thơ ấy mình lại rất thích. Năm trước tôi viết được bài thơ Tháng bảy mưa ngâu, một bài thơ hoàn toàn theo thể thơ cũ, với những câu trong khổ thơ đầu: "mưa rả rích ngược đường sông Lô/mưa mờ che dãy núi nhấp nhô/mưa như nước mắt người lính cũ/khóc bao đồng đội tới bao giờ...". Đó là bài thơ mà mỗi lần đọc lại tôi đều rơm rớm nước mắt. Người con hy sinh, nhưng tất cả nỗi đau dồn về cha mẹ già, những người không còn bất cứ hy vọng gì nữa. Năm 2012 tôi đã mấy lần lên Hà Giang và thắp hương trong nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Tôi đọc trên nhiều bia mộ, không ít người lính từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đã về nằm đây, họ chết năm mới 17, 18 tuổi. Bây giờ, nghĩa trang Vị Xuyên là thiên nhiên của họ. Bất chợt, tôi nghĩ tới cha mẹ già của những người lính chết trẻ ấy, họ chết vào đúng mùa mưa ngâu tháng bảy. Bài thơ tôi viết chỉ có thể được hiện lên dưới hình thức thể thơ cổ điển, tuyệt đối không một chút "cách tân" nào trong đó. Và tôi nghĩ đó chính là hình thức phù hợp nhất với thiên nhiên nơi vườn nhà cha mẹ già, và thiên nhiên nơi những người lính chết trẻ đang nằm. Đất nước mình đau khổ quá. Mà nỗi đau thì không cũ không mới, nó là nỗi đau thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.