Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ - người đặt nghệ danh Ánh Tuyết - rời cõi tạm

01/02/2023 19:29 GMT+7

Tin nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ ra đi hôm 30.1 đến với tôi bằng sự thảng thốt nhưng khác xa cảm giác nhói lòng mỗi khi thân hữu rời xa cõi tạm.

Tôi ngay lập tức thấy an yên, khi hình dung đến khuôn mặt tươi vui với nụ cười luôn đợi sẵn của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ để chào đón bất cứ ai. Kể từ khi tôi còn là một cô bé sống ở quê nhà Hội An cho đến lần gần nhất được ghé thăm hỏi ông, nét cười ấy vẫn vẹn nguyên.

Số phận sắp đặt thật tài tình khi ông ra đi vào lúc mùa xuân đang về ở tuổi xưa nay thật hiếm. Cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông với tôi cũng như nhiều người, đặc biệt là người dân Hội An, thì đó là những ngày xuân tươi vui bất tận cho dù đời sống có thăng trầm đến thế nào chăng nữa.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ - người đặt nghệ danh Ánh Tuyết - rời cõi tạm - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ (1927-2023)

NVCC

Hoàng Tú Mỹ sinh ra ở Hà Tĩnh vào thập niên 20 của thế kỷ trước. Ông thuộc thế hệ thứ hai của nền tân nhạc Việt Nam, là thành viên trong nhóm "Những người yêu âm nhạc" của Hội An do nhạc sĩ La Hối sáng lập với những người tài giỏi lúc bấy giờ như Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa...

Năm lên 10 tuổi, mẹ mất sớm ông theo cha vào phố Hội, sông Hoài sống đến tận bây giờ với tình yêu cuộc sống thiết tha. Ông đã hình thành nên một đại gia đình văn nghệ cho Hội An, và gia đình ông cũng là một nhà văn nghệ thuộc thế hệ tài năng người hát hay, người đàn giỏi đã góp phần không nhỏ cho phong trào văn nghệ Hội An.

Người nhạc sĩ ấy luôn lạc quan, vui tính hồn nhiên kể từ ngày còn trẻ cho đến khi qua đời ở tuổi 97. Vẫn một tình yêu, một tinh thần giữ lửa cho văn học nghệ thuật Hội An. Ngoài các ca khúc ngợi ca quê hương đất nước, tình cảm gia đình như Hội An tôi yêu, Hương xưa còn đây, Trăng phố cổ… ông còn nổi tiếng với các sáng tác Đồng dao và âm nhạc cho thiếu nhi như Ru ru riếng riếng, Con dế cây đa chú Cuội

Với tôi ông không chỉ là một vị tiền bối, người thầy, người cha tinh thần mà hơn hết ông là người đã cho tôi một nghệ danh theo nghiệp ca hát của tôi suốt tận bây giờ đã gần 45 năm rồi.

Tôi không bao giờ quên cái thời khắc cái đêm mùng một tết mùa xuân năm 1979 khi vừa bước sang tuổi 18. Từ đoàn ca múa nhạc Quảng Nam, Đà Nẵng về ăn tết rồi tham gia đêm văn nghệ của thị xã Hội An tổ chức mỗi khi tôi về thăm nhà. Ông làm người giao lưu chương trình đêm đó, đến tiết mục tôi hát, bất ngờ ông nói: "Bé Tiếc của chúng ta ngày xưa không còn là bé Tiếc nữa mà là Ánh Tuyết".

Rứa là từ đêm đó người Hội An ai cũng gọi tên tôi bằng sự thân thương đến tận bây giờ . Tôi cứ hồn nhiên ca hát với nghệ danh ông tặng cho đến nay. Lúc ấy ông giải thích, vì bất ngờ thấy tôi lớn nhanh, và giọng hát mượt, óng ánh như những sợi tơ trắng nên ông muốn đặt tên tôi là Ánh Tuyết. Và cái nghệ danh ấy đã theo tiếng hát tôi từ ấy.

Giữa tháng 7.1993 tôi ra trường đã 8 năm rồi, theo nghiệp hát thì từ khi còn bé, gặt hái không ít thành quả, thành tích, rồi huy chương vàng chuyên nghiệp cũng kha khá vậy mà nghề không nuôi tôi đủ sống. Tôi nghĩ thôi bỏ nghề hát tìm việc khác mà sinh nhai. Thế là tôi quyết định bỏ hát, ra Huế về trường lãnh bằng tốt nghiệp về cất làm kỷ niệm. Gặp thầy hiệu trưởng hỏi: "Thầy đi Hội An em có đi không?". Tôi mừng quá xin theo liền.

Về đến Hội An ngang qua nhà nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, tôi sực nhớ đến cuộc nói chuyện với nhạc sĩ Trần Dũng là anh hai của tôi. Tôi nói: "Không biết sao mà em đi hát chi khổ ri, trong khi huy chương vàng tùm lum mà vẫn không sống nổi với nghề". Anh Dũng liền nói nửa đùa, nửa thật: "Tao biết rồi, vì chú Hoàng Tú Mỹ đặt tên cho mi mà mi chưa cúng cơm cái tên Ánh Tuyết".

Rứa là tôi xin thầy cho xe ra đầu chợ, mua vội mấy loại trái cây rồi nhờ thầy đợi bên ngoài. Tôi chạy vội vào, miệng kêu la từ ngoài cổng: "Bố ơi bố! Bố đặt tên cho con mà con chưa cúng cơm. Chừ con đem trái cây đến nhờ bố cúng giùm con. Nói xong tôi chào hỏi thăm sức khỏe nhanh gọn lẹ rồi đi liền vì sợ thầy đợi ngoài xe và phải vội về Huế cho kịp.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ - người đặt nghệ danh Ánh Tuyết - rời cõi tạm - Ảnh 2.

Ca sĩ Ánh Tuyết dự tang lễ nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ

NVCC

Tôi không quá tin vào điều này nhưng khi đó chợt nhớ đến việc bản thân quá hồn nhiên chưa một lần cảm ơn ông, nên nghĩ thôi thì theo lễ là phải làm cho đúng đạo nghĩa. Và tôi cũng không nghĩ rằng sau đó quay vào Sài Gòn thì gặp ngay đêm nhạc Văn Cao vào cuối tháng 7.1993. Và sáng hôm sau là sự bùng nổ thông tin trên các trang báo với cái tên Ánh Tuyết do ông đặt cho. Đến tận giờ tôi vẫn không biết do yếu tố tinh thần hay tâm linh mà chỉ đúng hai tuần sau tôi đã có cơ duyên hát nhạc Văn Cao tại quán Những người bạn…

Báo chí sau đó đã dành nhiều bài viết về tôi, một giọng hát mới, trình bày các ca khúc xưa. Cứ thế tôi được khán giả biết đến và ít nhiều tạo dựng được tên tuổi. Mọi người nhớ đến quê hương sẽ nhớ tới cảnh quan và gia đình, tôi cũng vậy, nhưng có lẽ riêng biệt hơn tôi vẫn thường nghĩ đến ông, một người nghệ sĩ thực sự, không màu mè, phô trương. Ông cứ lặng thầm hòa mình vào dòng chảy văn hóa của miền đất này.

Giờ thì cuộc đời đẹp đó đã thực sự quyện hòa cùng mây trời, cảnh quan nơi đây. Đôi dòng tâm sự này như nén hương lòng gửi tới nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, cho phép tôi được gọi ông là "Chàng trai trẻ của âm nhạc Hội An" - người khơi gợi và truyền đến các thế hệ sau trong đó có tôi tinh thần lạc quan yêu đời cùng nỗi niềm giản đơn mà thấm thía: "Hãy sống trọn tình với quê hương và sống trọn tâm với nghệ thuật".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.