Nhà đấu giá than phiền hiện tượng đẩy giá tranh Đông Dương

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/01/2024 07:17 GMT+7

Giá giao dịch tranh Đông Dương đã được đẩy lên cao vào năm 2022, tới năm 2023 bắt đầu xuống…

Đẩy giá, bỏ hàng

Bà Charlotte Agutte - Reynier, Phó giám đốc Nhà đấu giá Aguttes (Pháp), cho biết trong câu chuyện với những người muốn bán tranh Đông Dương, bà luôn nhắc tới việc giá tranh không thể "một chốc, một lát bay thẳng lên mây". "Từ năm 2014 đến nay, các nhà sưu tập muốn bán tranh lúc đầu để giá khởi điểm thấp, tuy nhiên bây giờ nhận ra được giá trị tranh Đông Dương, họ để cái giá rất cao", bà nói.

Nhà đấu giá than phiền hiện tượng đẩy giá tranh Đông Dương- Ảnh 1.

Bức Chân dung cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ có giá 3,1 triệu USD

T.L

Cũng chính vì thế, theo bà Charlotte Agutte - Reynier, những nhà đấu giá hiện tại gặp cùng lúc hai khó khăn, nhất là trong 2 năm gần đây. Đó là việc người bán tranh đưa ra giá cao đến mức nhiều người ngại hỏi mua, và người mua sau khi thắng đấu giá với giá cao lại không trả tiền. "Năm 2023, những người mang tranh đến bán đã đẩy giá lên quá cao, khiến người mua khó tiếp cận và không mua nữa. Trong khoảng 10 năm nay, các nhà sưu tập Việt khi mua tranh luôn trả tiền ngay, việc không trả mới xảy ra gần đây thôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tìm giải pháp. Ví dụ, các nhà sưu tập Pháp sẽ phải hiểu không thể đẩy giá cao lên như vậy mà cần đưa ra mức giá phù hợp. Chúng tôi cũng nghĩ đến việc bảo hiểm, đặt cọc để tránh việc bỏ không mua tranh nữa", bà Charlotte Agutte - Reynier nói.

Về những người mua tranh Đông Dương, bà Charlotte Agutte - Reynier cho rằng đây là thị trường gắn với các nhà sưu tập gốc Việt. Thị trường này trong mấy năm gần đây có nhiều biến động. Giá giao dịch tranh Đông Dương đã được đẩy lên cao vào năm 2022, tới năm 2023 bắt đầu xuống… "Chuyện giá bị đẩy lên cao rồi lại hạ xuống là bình thường khi các nhà sưu tập tạo thị trường. Đôi khi các nhà sưu tập không hiểu hết về các thời kỳ sáng tác của tác giả nên họ mua lại những bức tranh được thông tin nhiều. Trong khi đó, có những tác phẩm có giá trị nhưng lại ở giai đoạn hiếm thông tin nên nhà sưu tập không hiểu, dẫn tới không mua", bà cho biết.

Nhà đấu giá than phiền hiện tượng đẩy giá tranh Đông Dương- Ảnh 2.

Bìa catalogue phiên đấu ngày 14.3.2022 của nhà Aguttes

TL CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU ACE LÊ

Khảo sát của bà Charlotte Agutte - Reynier về thị trường cho thấy tranh của các nghệ sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và Mai Trung Thứ mức độ tăng trưởng bình quân hằng năm về giá bán lần lượt là 21%, 21% và 26% từ năm 2000 - 2022. Trong quãng thời gian từ năm 2000 - 2014, tăng trưởng còn hạn chế. Từ năm 2014, mức độ tăng trưởng gia tăng và đến năm 2022 tổng giá trị giao dịch các lô hàng của 3 nghệ sĩ này là hơn 38,3 triệu euro. Số tiền này vào năm 2014 mới chỉ là 4,2 triệu euro.

Ưu ái và cạm bẫy thị trường

Tuy con số tăng trưởng, song bà Charlotte Agutte - Reynier cũng thừa nhận về sự rủi ro với các nhà sưu tập khi tranh giả trôi nổi trên thị trường đấu giá. Bản thân nhà đấu giá của bà cũng không tránh khỏi va vấp, dù trong khoảng 10 năm qua Aguttes đã bán khoảng 1.000 bức tranh hội họa châu Á, trong đó có 150 tác phẩm của Lê Phổ.

"Đôi khi cũng có những bức tranh chúng tôi nghi ngờ và phải thu hồi, cải chính thông tin. Ví dụ, chúng tôi từng đưa một tác phẩm vào bản in catalogue, nhưng khi in xong thì chúng tôi thấy có một số nghi ngờ và dừng lại. Đó là một tác phẩm của nghệ sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Lúc đầu, tác phẩm ghi tên họa sĩ Trần Bình Lộc, nhưng sau khi tìm kiếm thông tin thì đó là họa sĩ Trần Tấn Lộc ít nổi tiếng hơn. Sau đó, chúng tôi có thay đổi tên. Các thông tin này tìm thấy là nhờ các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật của VN", bà Charlotte Agutte - Reynier nói.

Nhà đấu giá than phiền hiện tượng đẩy giá tranh Đông Dương- Ảnh 3.

Tác phẩm Dáng hình trong vườn của họa sĩ Lê Phổ có giá 2,3 triệu USD

TL SOTHEBY'S

Xin nói thêm, vụ việc tranh mang tên tác giả Trần Bình Lộc - Trần Tấn Lộc này cũng đã được Thanh Niên thông tin. Theo đó, dựa trên hình ảnh công bố cho phiên đấu giá của nhà đấu giá Aguttes, nhà nghiên cứu mỹ thuật Kevin Vương cho rằng tác phẩm đã bị nhầm tác giả. Cụ thể, thông tin được Aguttes đưa ra cho rằng tác phẩm Cô gái chải đầu (1932) là của tác giả Trần Bình Lộc (1914 - 1941), cựu thủ khoa Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, chữ ký trên tranh, theo ông Kevin Vương, lại là của họa sĩ Trần Tấn Lộc. Ông Trần Tấn Lộc, theo tìm hiểu của ông Vương, là một họa sĩ có tiếng ở Hà thành, từng mở phòng vẽ Tấn Lộc chuyên về quảng cáo.

Cùng với sức hút của tranh Đông Dương, nhà đấu giá Sotheby's (Mỹ) khi vào thị trường VN cũng đã trưng bày triển lãm các tác phẩm của thời kỳ này. Không chỉ trưng bày cho các nhà sưu tập - là nguồn khách hàng tiềm năng, Sotheby's tại TP.HCM còn mở cửa cho những người không sưu tập, trong đó có sinh viên mỹ thuật.

Ngoài ra, cuốn sách Mỹ thuật hiện đại Đông Dương xuất bản tại Pháp cũng vừa có buổi ra mắt tại Hà Nội, thu hút nhiều người quan tâm tới dự. Những động thái này cho thấy khách hàng VN đang được các nhà đấu giá nước ngoài nhắm tới và chiều chuộng.

Bà Charlotte Agutte - Reynier cho biết: "Tôi thấy vẫn còn nhiều tác phẩm của họa sĩ Đông Dương đang ở Pháp, người lưu giữ tác phẩm cũng có nhu cầu bán". Mặc dù vậy, với một thị trường mà nghiên cứu đi kèm còn chưa nhiều, thông tin còn hạn chế, nguy cơ mua phải tranh không đúng với số tiền bỏ ra là có thật. Điều này thực sự là thách thức với các nhà sưu tập. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.