Hai điều chỉnh mới về tách thửa

16/04/2012 12:10 GMT+7

Sau gần một tháng cùng các quận, huyện rà soát lại Quyết định 19/2009 của UBND TPHCM về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM vừa hoàn tất dự thảo điều chỉnh quyết định này. Nếu được UBND TPHCM thông qua, đây sẽ là những quy định mới nhất về tách thửa trên địa bàn thành phố. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường về nội dung nêu trên.

Sau gần một tháng cùng các quận, huyện rà soát lại Quyết định 19/2009 của UBND TPHCM về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM vừa hoàn tất dự thảo điều chỉnh quyết định này. Nếu được UBND TPHCM thông qua, đây sẽ là những quy định mới nhất về tách thửa trên địa bàn thành phố. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường về nội dung nêu trên.


 Một khu đất nông nghiệp xen cài khu dân cư tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh
- Ảnh: Thanh Tâm

° PV: Thưa ông, những vướng mắc chính trong việc thực hiện Quyết định 19/2009 trong thời gian qua là gì?

° Ông NGUYỄN HOÀI NAM: Qua làm việc với các quận, huyện Sở Tài nguyên - Môi trường nhận thấy có hai vướng mắc chính.

Thứ nhất, theo Quyết định 19/2009, một trong những cơ sở để xem xét giải quyết tách thửa là quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, tại quyết định chưa nêu rõ đó là quy hoạch nào bởi hiện nay có nhiều loại quy hoạch: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch xây dựng chi tiết 1/2000… tất cả đều liên quan đến việc phát triển đô thị nên nhiều địa phương lúng túng. Chưa kể, công tác lập quy hoạch chi tiết 1/2000, nhiều địa phương chưa thực hiện xong, thậm chí nhiều khu vực trong nội thành còn không phải lập quy hoạch này.

Thứ hai, nhiều quận - huyện hiểu và áp dụng Quyết định 19/2009 theo hướng người dân phải chuyển mục đích sử dụng toàn bộ khu đất nông nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư thành đất ở xong mới được tách thửa. Điều này đã làm nảy sinh những khó khăn cho người dân trong trường hợp người dân không đủ tiền để chuyển mục đích sử dụng hết cả khu đất. Hoặc nếu có tiền nhưng người dân không có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng hết cả khu đất... Nhiều địa phương đã và đang rất lúng túng khi va chạm với những thực tế như vậy.

° Hai vướng mắc nêu trên sẽ được Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất UBND TPHCM điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

° Sở Tài nguyên - Môi trường đã thống nhất với UBND các quận huyện và sở ngành đề xuất bổ sung và làm rõ thêm Quyết định 19/2009 như sau:

Đối với vướng mắc thứ nhất, sẽ điều chỉnh: “UBND quận, huyện căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 được duyệt thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để xem xét giải quyết”.

Vướng mắc thứ hai sẽ được sửa: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư thuộc khu vực đã có hạ tầng, có nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất sang đất ở để xây nhà ở thì UBND quận, huyện căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 đã được phê duyệt, trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 đã được phê duyệt thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, nhu cầu của người sử dụng đất để xem xét giải quyết. Thửa đất sau khi tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để xây dựng nhà ở phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 điều 3 của Quyết định 19/2009 của UBND TPHCM”.

 

Khoản 1 điều 3 của Quyết định 19/2009

Đối với đất ở; các trường hợp không được tách thửa:

– Khu vực mà pháp luật có quy định phải bảo tồn.

– Các khu vực hiện đang là biệt thự được tiếp tục quản lý theo quy hoạch; đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận cho từng nền đất theo quy hoạch được duyệt; đất thuộc khu vực đã được cơ quan cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Trường hợp quy hoạch chi tiết này không còn phù hợp, phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện tách thửa, việc tách thửa phải được đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh.

– Trường hợp vị trí nhà đất ở thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì không được tách thửa.

– Các trường hợp không thuộc quy định trên được tách thửa nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

+ Đối với các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi trừ lộ giới, diện tích tối thiểu: 50m² (đất chưa có nhà) 45m² (đất có nhà hiện hữu).

+ Đối với quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và các thị trấn, các huyện đã được quy hoạch đô thị hóa: 80m² (đất chưa có nhà) 50m² (đất đã có nhà).

+ Các địa phương còn lại: 120m² (đất chưa có nhà) 80m² (đất có nhà).

Khu vực có hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và được kết nối đồng bộ với hạ tầng hiện hữu.

– Trường hợp thửa đất khi tách thửa sẽ hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác, UBND quận, huyện có trách nhiệm duyệt quy hoạch tổng mặt bằng nhằm đảm bảo được các điều kiện về hạ tầng nêu trên.

Theo SGGP

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.