Nhà bên sông - nét đẹp thân thương khi đến miền Tây

24/10/2022 09:30 GMT+7

Khi nhắc đến quê hương miền Tây sông nước, tôi được bạn đồng nghiệp kể cho nghe câu chuyện gắn liền với đời sống thiên nhiên của bà con nơi đây một cách tự hào.

Nghe cô ấy kể hào hứng như vậy nên trong chuyến công tác vào miền Tây tôi mới thấy nghe thôi chưa đủ, nhìn ngắm một cách chân thật, chìm đắm trong không gian mộc mạc của dòng sông nước lớn nước ròng mới thấy sao ai cũng có nỗi nhớ chân phương về mảnh đất và con người nơi đây.

Những ngôi nhà bên sông không phân biệt giàu nghèo hay hình dáng đã in sâu vào trong nỗi nhớ, trong ký ức của con người bằng chính sự thân quen gần gũi bằng nét mộc mạc rất riêng

thiên anh

Đời sống thường nhật của bà con nơi đây cũng bình dị y như cái tính chân chất thiệt thà của những con người đã quen với sự cần lao từ cái ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này. Kệ nắng, kệ mưa, kệ sông sâu cách trở, kệ những vùng đất heo hút trong bưng trong rẫy những người dân lạc quan quen sống thích nghi với thiên nhiên với trời đất mà không hề kêu than tiếng nào.

Khi thấy rồi mới biết làm sao có thể xa rời mái nhà xưa cũ nằm yên bình giữa hàng dừa xanh với cái sân nho nhỏ dựng lên bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa trời và đất, giữa người sống và người đã khuất. Với bờ đê dài với bóng cây mát rượi và bờ ruộng quê có bông mười giờ cứ đúng hẹn bung màu rực rỡ. Con sông chảy ở trước nhà cũng tự tin chảy tràn trong tâm trí của con người.

Miền Tây vẫn được mọi người thương mến gọi tên “vùng đất của những dòng sông”. Dù sống ở môi trường nào bà con cũng sẽ thích nghi với môi trường đó. Tôi thích nhất là nhà nhìn mặt ra sông tiện việc đi lại sau nhà quây cái chòi nho nhỏ nuôi thêm con gà con vịt. Tìm chỗ đất tốt cho leo mấy dây đậu rồng, mấy cây đu đủ hay những bụi rau đắng để làm cho bữa cơm nhà thêm phong phú, dân dã.

Nhờ những dòng sông chở nặng phù sa mà bà con ngoài làm nông cày cuốc ruộng đồng còn có thêm nghề chài lưới. Dù có lênh đênh theo con nước lớn ròng, dù vất vả mưu sinh nhưng ai nấy đều lạc quan, sảng khoái, tự do như làn nước mát của quê mình. Gắn bó với sông để cuộc đời có thêm sự lựa chọn cuộc đời mình có thể dựa vào thiên nhiên đón nhận sản vật tuyệt vời mà sông nước đem lại. Dựa vào sự cách trở của những con sông mà xây nên cái nghiệp thương hồ từ đời này sang đời khác và làm nên nét đặc trưng của đời sống nơi đây.

Cuộc sống vùng sông nước là mới sớm mai thức dậy đã nghe tiếng xuồng ghe chạy tành tạch qua lại không ngớt hay nghe tiếng sóng nước vỗ vào bờ rồi biết nhìn trăng đoán mùa nước nổi tràn về cùng bao nhiêu tôm cá với những đêm thức trắng với tôm cá ngoài đồng hay theo dấu ấy mà đi xa biền biệt. Những buổi nước rút lại quay sang dỡ chà trước nhà mà kiếm thêm cá tôm thu nhập.

Những ngôi nhà dựng nép ở mé sông luôn có hai lối đi vào: lối cho xe đi, lối cho xuồng ghe cập bến. Lối đi trên bờ lúc nào cũng ồn ào tiếng xe cộ, khói bụi thì con đường dưới sông tĩnh lặng gần gũi. Nước sông mát rượi, ghe xuồng vỏ lãi chạy ngược xuôi như lướt trên mặt nước rất êm đềm nên thơ. Ngồi trên những ngôi nhà dựng ở mé sông cảm thấy thoải mái nhờ gió sông thổi lên mát rượi, ghe xuồng đậu trước nhà, nước sông tắm mát tuổi thơ. Bữa cơm được dọn trên cái chòi ở mé sông lúc nào cũng ngon lành đầm ấm.

Từ thời xưa đường sá chưa có nhiều, còn hoang vắng nên bà con chọn hai bên bờ sông để tụ họp cùng nhau mượn đường sông làm phương tiện đi lại cũng như kế mưu sinh nơi vùng đất mới. Nhà bên sông không chỉ là nơi che chở cho con người khỏi mưa nắng của đất trời, là nơi nương náu sau những mệt nhọc vất vả mà trở thành nét đặc trưng riêng làm nên nét văn hóa đa dạng phong phú của vùng đất phía Nam của tổ quốc để dù là người đã gắn bó nơi đó hay khách lạ ghé chân qua xứ này ai cũng nhớ thương mãi về hình ảnh thân quen gần gũi và thắm nghĩa thắm tình.

Được ngồi trên chiếc vỏ lãi bự phóng tầm mắt lên trên bờ để thấy những hình ảnh quen thuộc. Hai bên bờ những đám chà bự hứa hẹn nhiều tôm cá, bầy trâu ráng mắt nằm ngâm mình khoái chí trong làn nước mát. Trên bờ phía xa có những trụ rơm cao có bầy trẻ đang đùa giỡn xung quanh. Những ngôi nhà nằm nép hai bên sông tĩnh lặng rất đỗi yên bình. Những phương tiện đi lại xuồng ba lá, vỏ lãi, ghe chài đậu trước nhà được cột neo rất chắc chắn.

Nhà ở đầu nguồn để nước không ngập vào nhà khi nước lũ lên bà con bắt sàn cây hay đổ sàn bê tông cho mặt nhà cao hơn mặt nước. Vào mùa nắng nước cạn những cái chái nhỏ y nhà sàn nằm cheo leo. Mùa lũ về nước lại tràn lên mấp mé, từ trong nhà nhìn ra chỉ thấy mênh mông không còn bờ bến, nhìn con người nhỏ bé so với thiên nhiên. Từ những ngôi nhà bên sông bà con lại bơi xuồng, ghe bơi trong làn nước lạnh để đặt lợp đóng đáy đổ đóm bắt cá tôm hay hái bông súng bông điên điển tươi ngon chở ra chợ bán, đem về nấu bữa cơm ngon cho gia đình sum họp.

Trên cái sàn nhà bằng cây cứ mỗi lần có bước chân thì tiếng cót két lại vang lên một cách vô thức. Nếp sống bình dị của người dân vẫn diễn ra hằng ngày nhẹ nhàng, tĩnh lặng hòa vào cái mát rượi của dòng sông và bỏ hết xô bồ ở ngoài lề cuộc sống. Ở đó không phải lúc bươn chải mưu sinh người cha già cặm cụi vá lưới, đan từng cái lợp, sửa lại cái cán dao, đóng lại cái ghế đẩu. Má lui cui dọn dẹp hết cơm nước cho gia đình thì gọt những loại quả cho tụi nhỏ. Giáp mặt với sông luôn có một cái lan can chắc chắn để mấy nhỏ có chơi đùa gần cũng an toàn hay tinh nghịch đung đưa chân khuấy dòng nước mát.

Những đứa con miền sông nước đi xa sẽ nhớ thiệt nhiều những bữa cơm trên cái sàn nhà nhìn ra mé sông, cả nhà quây quần vui vẻ. Mâm cơm dọn ra là những món ăn quen thuộc dân dã: tô canh, dĩa cá kho, rau vườn, chén tôm đất chiên giòn, cái xoong cơm nấu bằng củi. Đâu cần cao sang gì mà ấm áp lạ thường. Tiếng cười hòa cùng tiếng gió đưa hàng cây xào xạc lẫn tiếng xuồng máy dưới sông vọng vào tành tạch mang theo cả tiếng sóng nước đánh vào bờ.

Nhà là nơi để con trở về để nghỉ ngơi sum họp sau khi nếm trải những gian nan của cuộc sống mưu sinh nhiều vất vả. Bến sông trước nhà được bà nội bồng cháu ra vừa trông cha về vừa kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích. Cần mua một kí đường, gói muối phải chờ ghe hàng ghé ngang. Nhìn cái ghe hàng tưởng chừng nhỏ xíu nhưng mọi thứ cần cho cuộc sống dường như không thiếu.

Ai đi xa làm sao quên được nhà mình, có ngôi nhà nhỏ nằm bên sông, trước nhà có cây ô môi đợi mùa là bung tỏa những bông hoa hồng thắm. Những ngôi nhà bên sông không phân biệt giàu nghèo hay hình dáng đã in sâu vào trong nỗi nhớ, trong ký ức của con người bằng chính sự thân quen gần gũi bằng nét mộc mạc rất riêng. Về quê, ở trong mái nhà quê ngắm nhìn con sông quê trò chuyện cùng bà con, ăn một bữa cơm có gió sông lồng lộng thổi vào có cái tình quê hiền hòa theo con nước không biết cạn bao giờ.

Quê hương miền Tây nếu thiếu những con sông thì làm gì còn mùa nước nổi, không còn ghe xuồng ngược xuôi tấp nập, không còn những không gian yên bình của những ngôi nhà bên mé sông và nhìn con nước lớn ròng. Những dòng sông đã làm nên vẻ đẹp danh tiếng và linh hồn cho mảnh đất nơi đây. Ai đã đặt chân đến đây rồi sẽ muốn ở luôn để được thưởng thức mâm cơm dọn trên sàn nhà ở mé sông, nằm thảnh thơi đưa võng ngắm gió lộng ở ngoài xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.