Nguyễn Ngọc Hạnh và 'Phơi cơn mưa lên chiều'

25/03/2018 07:15 GMT+7

Trong những lần trò chuyện văn chương giữa bằng hữu, mỗi khi nhắc đến nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nhiều người thường dẫn hai câu thơ của anh: Xưa tôi ở trong làng/Giờ làng ở trong tôi . Đó là chuyện của mấy mươi năm trước.

Mấy mươi năm sau, cái làng quê ấy vẫn không ngừng ẩn hiện trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, cứ mãi chập chờn trong ngõ khuất của tâm hồn một người nhà quê xa xứ... tỏ - mờ, ẩn - hiện. Bởi trong tâm thức nhà thơ, đó không còn là một làng quê cụ thể mà trên chặng cuối của cuộc phù thế này, anh đã nhận chân được rằng giai đoạn sống vẫn quen gọi là “cuộc đời” này chỉ “là một ánh chớp, có thể lóe sáng rồi tắt lịm”. Tất cả được anh đúc kết trong tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có niềm vui rất bất ngờ khi câu thơ Phơi cơn mưa lên chiều của mình được họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ lên gốm và trưng bày trong một triển lãm nghệ thuật ở Hà Nội. Tác phẩm gốm - thơ độc bản ấy không dễ mua, nhà thơ lại ở Đà Nẵng xa xôi. Ai ngờ cô giáo Thu Oanh tận Hà Nội đã mua bình thơ - gốm này gửi qua đường bưu điện tặng nhà thơ. Chưa bao lâu, cô giáo Thu Oanh qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Và, câu thơ Phơi cơn mưa lên chiều đầy kỷ niệm ấy được nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn làm tên tập thơ mới của mình.
Tập thơ dày 140 trang (ảnh), bìa của họa sĩ Lê Thiết Cương, do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.