Nguy cơ nhiều trường tư thục sụp đổ

02/08/2014 09:00 GMT+7

Trong khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng Bộ đã làm hết những gì cần làm thì có chuyên gia chỉ ra nguy cơ nhiều trường tư thục sụp đổ.

“Gần đây, rất nhiều cảnh báo cho rằng nếu chúng ta không có thay đổi gì trong chính sách và môi trường chung của giáo dục tư thục thì từ năm 2015 - 2020 có nhiều trường tư thục sụp đổ. Kể cả trường công lập cũng có trường sụp đổ”.

Nguy cơ nhiều trường tư thục sụp đổ

Liệu cơ quan quản lý giáo dục và những chuyên gia mong muốn cải cách giáo dục có tìm được tiếng nói chung về các vấn đề cải cách giáo dục ĐH? - Ảnh: Đăng Nguyên

Đó là phát biểu của TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ tại ngày thứ 2 hội thảo “Đối thoại giáo dục VN: Thảo luận về cải cách giáo dục ĐH VN” do Trung tâm Hoa Kỳ TP.HCM tổ chức diễn ra hôm qua 1.8.

Do sai về nhận thức và chính sách, hệ thống trường ĐH tư của VN hiện nay kém phát triển. Thực trạng này khiến không ít chuyên gia cảnh báo nguy cơ sụp đổ của các trường ĐH tư thục.

Trường hạng hai, chỉ vì tiền

 

Tranh nhau vì chiếc ghế

“Ngay cả trường ĐH Harvard nơi tôi học trước đây cũng rất mất đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, sự khác nhau ở đây là mục đích của sự tranh đấu. Trong khi người ta đánh nhau bằng ý tưởng và trí tuệ thì ở VN đánh nhau vì chiếc ghế và cái cuối cùng được thể hiện ra chính là vị trí cao nhất trong lĩnh vực hành chính”.

TS HUỲNH THẾ DU (Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

HÀ ÁNH (ghi)

TS Đàm Quang Minh còn cho biết: “Chỉ mới sáng nay có thông tin một trường công lập ở địa phương xin phép giải thể vì không có sinh viên”.

Theo TS Minh, trường ĐH tư thục kém phát triển dù hệ thống này có giá trị khác biệt cho nền giáo dục do sai lầm trong nhận thức và chính sách. Phần lớn mọi người đều quan niệm ĐH tư thục là trường hạng hai, chỉ đầu tư vì tiền... Trong khi đó, chính sách thiếu rõ ràng về tính sở hữu lợi nhuận - phi lợi nhuận, bất công về đầu tư giáo dục tư thục...

Tiếp lời, TS Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cho rằng sự sụp đổ đang diễn ra trong hệ thống giáo dục.

Đầu tư cho sinh viên thay vì nhà trường

Ông Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, xót xa đặt câu hỏi: “Nếu biết các trường sẽ chết, bằng cách nào hướng cho các trường đừng chết nữa? Chúng tôi muốn tồn tại và phát triển nhưng hiện tại các trường ngoài công lập đang bị rối kinh khủng”.

Trả lời, TS Minh cho rằng để tránh sụp đổ phải có giải pháp từ hai phía. Thứ nhất là chính sách và hệ thống mang tính pháp lý và nhìn nhận từ các trường tư. “Nếu còn coi các trường tư là hạng 2, là dị biệt trong xã hội thì khó tồn tại. Nếu đưa ra chính sách hạn chế nữa thì sự tồn tại càng mong manh hơn”, ông Minh nhấn mạnh.

“Về giải pháp, tôi nghĩ trường công lập, tư thục, phi lợi nhuận hay có lợi nhuận đều là thành tố quan trọng của nền giáo dục chung. Vì vậy, chúng ta phải có chính sách chung. Ví dụ, hướng tới đầu tư cho sinh viên thay vì nhà trường, hướng tới hiệu quả - chất lượng - nguồn nhân lực thay vì phủ đều ngân sách”, TS Minh đề xuất.

Đại học tư phải tự thay đổi

Bàn đến các vấn đề của ĐH tư thục, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng những bức xúc của hệ thống trường này chủ yếu đến từ phía sinh viên và gia đình họ chứ không hẳn từ các trường. “Các trường không muốn thay đổi, vẫn muốn có bộ chủ quản, có quy định này kia, muốn ra Hà Nội để xin và có cơ hội để được xin, muốn có chỗ để đổ lỗi... Chỉ khi nào chúng ta tự thay đổi thì mới thay đổi được”, ông Thành phân tích.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đồng tình với TS Nguyễn Xuân Thành khi cho rằng: “Muốn đổi mới, từng nhà trường hãy tự thay đổi. Quyền tự chủ nhà trường quy định trong luật Giáo dục ĐH và văn bản quản lý đã rất mở rộng. Các trường có rất nhiều quyền tự chủ nhưng vấn đề là hiệu trưởng các trường có muốn tự thay đổi hay không. Về phía Bộ, đã làm hết những gì có thể làm để thay đổi chính sách”.

GS Ngô Bảo Châu cho biết ngoài việc thay đổi của nhà nước, còn có khả năng nhận thức, tư duy của các thủ lĩnh trường ĐH.

Những tín hiệu mới

GS Ngô Bảo Châu cho biết việc cải thiện chất lượng ĐH là vô cùng lớn, phức tạp, không thể từ ý chí chính trị thuần túy. Nó chỉ xảy ra khi tạo được môi trường cạnh tranh, tự chủ, môi trường khoa học lành mạnh. Không thể thay đổi ngày một, ngày hai. Trong đó, các trường ĐH tư, có nhân tố nước ngoài có thể là những nhân tố mới để các trường khác nhìn vào thay đổi.

Trong thời điểm này, nhân tố mới đó có thể nói đến là Trường ĐH Fulbright. Theo TS Nguyễn Xuân Thành, sự thành lập Trường ĐH Fulbright được sự ủng hộ của cả xã hội và cơ quan quản lý nhà nước. Đó là không có cơ quan chủ quản về mặt quản trị cũng như không có chủ sở hữu với tư cách là nhà đầu tư. Trường hoạt động với mô hình trường ĐH tư không vì lợi nhuận, những người muốn hỗ trợ, xúc tiến, thúc đẩy trường ĐH này là các lãnh đạo chính trị, nhà giáo dục, quản lý doanh nghiệp thành công ở Mỹ và VN”.

Kế đến, ngày 30.7, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đồng ý chủ trương đầu tư dự án thành lập Trường ĐH Y khoa Tokyo VN theo loại hình trường có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận. Trường này do Học viện Y khoa Waseda và một số tổ chức, cá nhân của Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Hưng Yên.

Con đường phi lợi nhuận vẫn còn khó khăn

Như TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ, phát biểu tại hội thảo, một trong những điều cản trở sự phát triển của các trường ĐH tư là chính sách thiếu rõ ràng về tính sở hữu lợi nhuận - phi lợi nhuận.

Trên thực tế, hiện tại không có con đường bền vững để trường ĐH tư thục của VN định hướng phát triển phi lợi nhuận. Những suy biến của nhiều trường ĐH tư trong thời gian qua đã cho thấy điều đó. Các quy định hiện hành đều quan niệm xem trường ĐH tư thục như một công ty cổ phần kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. Những khái niệm như đại hội đồng cổ đông, người có tiền mới được tham gia tổ chức này, mới có quyền bầu cử cơ quan quyền lực nhất của trường tư thục là HĐQT trong đó đại hội đồng cổ đông có quyền xác định mục tiêu, phương hướng phát triển của trường...

Những điều này đã khiến thực tế ĐH tư thục VN lâm vào 2 tình trạng: Không có một trường ĐH tư phi lợi nhuận đúng nghĩa hoặc các trường tư đều là vì lợi nhuận. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy các trường ĐH tư lâm vào tình trạng bất ổn định.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng phía Bộ đã làm hết những gì có thể làm để thay đổi chính sách. Công bằng mà nói, điều này là đúng nhưng chưa đủ mạnh.

Chẳng hạn trong dự thảo điều lệ trường ĐH mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến, có một số chỗ chưa khớp với luật, mà việc định hướng “trường hoạt động vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” là một vấn đề.

Dự thảo điều lệ quy định đại hội đồng cổ đông trong trường ĐH tư thục có quyền “thông qua quyết nghị để trường hoạt động không vì lợi nhuận”, mà đại hội đồng cổ đông, theo điều 14 của luật Giáo dục ĐH không nằm trong cơ cấu tổ chức của trường ĐH tư thục.

Hơn nữa, quy định này thiếu tính rõ ràng và tạo kẽ hở cho những ai muốn lợi dụng để thay đổi đường hướng. Hoạt động “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” không phải chỉ liên quan đến những thành viên góp vốn, mà là một tôn chỉ liên quan đến nhiều mặt phát triển của trường. Vì vậy, vấn đề nên được xem xét ở tầm cao hơn là ở đại hội đồng cổ đông. Việc thay đổi định hướng từ hoạt động “vì lợi nhuận” sang hoạt động “không vì lợi nhuận” hoặc ngược lại là hết sức phức tạp, tương tự như chuyển đổi từ dân lập sang tư thục. Hơn nữa, cũng cần tránh nguy cơ do quy định dễ dãi mà trường nào đó có thể lúc khó khăn, mới thành lập thì hoạt động theo hướng “không vì lợi nhuận” để được hưởng các chính sách ưu đãi, đến khi lớn mạnh thì đại hội đồng cổ đông quyết định thay đổi định hướng hoạt động “vì lợi nhuận”.

Do có nhiều ý kiến trường tư thục giống công ty cổ phần nên trong dự thảo điều lệ trường ĐH đã né tránh bằng cách không dùng từ "cổ đông" mà dùng cụm từ "thành viên góp vốn" để chỉ người góp vốn nhưng mọi quy định cho "thành viên góp vốn" thì vẫn hoàn toàn như cũ.

NHIÊN AN

Đăng Nguyên

>> Trường tư thục “hụt hơi” tuyển sinh lớp 10
>> Nên tạo điều kiện cho trường tư thục phát triển 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.