Người Việt và nước Đức trong cuộc đối thoại 'liên văn hóa'

Đông Phong
Đông Phong
30/10/2022 16:12 GMT+7

Người Việt hôm nay đã được "dọn đường" bởi thế hệ trước trên nước Đức và có thể tự tin sống, lao động, học tập với tâm thế cởi mở hơn về văn hóa.

Buổi nói chuyện "Người Việt và nước Đức" - về 2 cuốn sách Nước Đức từ A đến Z của tác giả Lê QuangNước Đức từ Z về A của tác giả Jochen Dieckmann, Lê Quang dịch - do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Khoa Ngữ văn Đức (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM) tổ chức chiều ngày 29.10, gần với một cuộc đối thoại "liên văn hóa" hơn là một buổi nói chuyện về sách. Những vấn đề được bàn luận xung quanh sách hầu như đề cập rất nhiều về văn hóa Việt Nam và Đức.

Buổi trò chuyện "Người Việt và nước Đức" là dịp để các tác giả nói nhiều hơn về những vấn đề xoay quanh nước Đức bên cạnh trang sách

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

"Cặp song sinh" Nước Đức từ A đến ZNước Đức từ Z về A

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Trong một khán phòng chật kín sinh viên và khách tham dự, 2 dịch giả, tác giả Lê Quang và Jochen Dieckmann nói về hai "đứa con tinh thần" của mình và bàn về chuyện đời, chuyện nghề xung quanh các tác phẩm. Chính những điều này đã làm "giãn nở" thêm những vỉa tầng ý nghĩa của sách.

Nước Đức từ A đến Z là điểm nhìn của Lê Quang, một Việt kiều sống và hành nghề kiến trúc sư 30 năm ở Đức. Ông viết về đất nước, con người Đức, sự ấn tượng của một người Việt đối với một nước châu Âu. Với Jochen Dieckmann, mọi sự bắt nguồn từ việc ông chu du rất nhiều nước, trong đó một trong những đích đến của ông là Việt Nam, và góp nhặt những kinh nghiệm quý báu đó, những dòng chữ đầu tiên của quyển Nước Đức từ Z về A bắt đầu được thành hình.

Tác giả, dịch giả Lê Quang (phải) và tác giả Jochen Dieckmann

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Với dịch giả Lê Quang, ông viết quyển sách này khi cảm thấy "đủ", không hẹn mà gặp, Jochen Dieckmann cũng viết những dòng đầu tiên của quyển sách của mình với sự chín muồi của ý tưởng.

Nếu Nước Đức từ A đến Z của Lê Quang là cái nhìn bên ngoài về một nền văn hóa - điều mà ông nhấn mạnh rằng một người Việt dù học tiếng Đức giỏi đến đâu thì những rung cảm sâu xa và thiêng liêng nhất về tiếng Đức sẽ không bằng người bản xứ, tức việc đó sẽ không biến người nước ngoài thành người Đức - thì với Jochen Dieckmann, ông cũng khách quan khi "cố gắng" đứng bên ngoài nhìn vào những vấn đề đã và đang hiện hữu ở Đức như thói tham nhũng, sự khó gần của người Đức, tính quy củ chặt chẽ về giờ giấc đến mức cứng nhắc và cả tính phát xít. 2 tác phẩm như sự đối thoại nhau, bổ trợ nhau, làm dày thêm cho nhau.

Buổi nói chuyện thu hút nhiều bạn sinh viên đến tham dự

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Với Lê Quang, ông tiếp tục cần mẫn công việc của một dịch giả trong việc chuyển ngữ Nước Đức từ Z về A cho độc giả Việt. Ông chia sẻ với các bạn sinh viên về bí kíp dịch của bản thân, đồng thời nói về những vấn đề văn hóa khác bên lề trang sách (như việc tại sao ông hay sử dụng tiếng Đức thay cho tiếng Việt, lý do ông chọn theo nghề dịch mà không tiếp tục nghề kiến trúc sư và vì sao ông đến với nước Đức); những điều này đã "cộng hưởng" với việc Jochen Dieckmann nói về văn hóa Việt, con người Việt trong lần trở lại lần này khiến cho buổi nói chuyện trở nên rộng hơn về văn hóa chứ không còn là một cuộc nói chuyện chỉ-về-sách nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.