Người Việt tài trí: Thủ lĩnh diệt giặc đói

27/07/2014 03:00 GMT+7

Có những sự việc, có những con người tưởng như đã chìm vào dĩ vãng, nhưng trí nhớ con người đánh thức ta luôn nhớ về những người có công. Trong lần trò chuyện cuối cùng với lão họa sĩ Trần Duy, ông có nhắc cho tôi biết về người thủ lĩnh diệt giặc đói năm 1945. Đó là kỹ sư nông nghiệp Hoàng Văn Đức.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội khóa 1 ra mắt cử tri. Từ trái qua: Hoàng Văn Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Luyện, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Thị Thục Viên - Ảnh: tư liệu NSNA Nguyễn Bá Khoản

Những ngày cuối năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ mới được thành lập. Thù trong giặc ngoài chống phá. Ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đe dọa. Chủ tịch Hồ Chí Minh chèo lái con thuyền cách mạng đi hết mọi thác ghềnh. Một trong số những trợ thủ giúp việc đắc lực của Chủ tịch Chính phủ lâm thời là kỹ sư nông nghiệp Hoàng Văn Đức.

Đồng minh của giặc ngoại xâm là giặc dốt và giặc đói. Nhưng chống đói bằng cách nào? Các bậc nhân sĩ, trí thức khắp cả nước đã hiến kế giúp Chính phủ chống nạn giặc đói. Sau khi khẩn trương bàn bạc, nắm chắc tình hình cụ thể, Chính phủ đề ra hai giải pháp cứu đói khẩn cấp: trước mắt là nhường cơm sẻ áo và lâu dài là tăng gia sản xuất.

Phong trào nhường cơm sẻ áo được phát động trong cả nước. Nhà nước cũng tổ chức những địa điểm phát chẩn để cung cấp cơm, cháo hay bất cứ thức gì ăn được cho những người sắp chết đói. Nhờ đó, hàng vạn người chờ chết, hàng vạn thân thể chỉ có da bọc xương đã được cứu sống. Từ cuối tháng 9.1945, cảnh chết đói gần như đã chấm dứt.

Tuy nhiên, dựa vào số lúa gạo có sẵn để cứu đói thì chỉ là giải pháp cầm cự nhất thời. Biện pháp lâu dài là phải tăng gia sản xuất. Để thực hiện chủ trương này, khắp nơi trong cả nước đã đề ra khẩu hiệu “Tấc đất  tấc vàng”, tận dụng mọi nơi mọi chỗ có thể trồng trọt được. Người đề xuất sáng kiến phát động chiến dịch tăng gia sản xuất chính là kỹ sư Hoàng Văn Đức.

Một phong trào sản xuất trong cả nước được phát động rầm rộ bằng mọi hình thức. Sau khi nước lụt đã rút hết, đã qua mùa cấy lúa, chỉ có thể trồng khoai nhưng khoai thì phải có dây làm giống. Trong tình hình khoai giống khan hiếm vì nhu cầu quá lớn, kỹ sư Hoàng Văn Đức đã tìm ra một giải pháp: lấy dây khoai trồng tạm trong vòng ba tuần, khoai chưa ra củ nhưng đã ra rễ thì đào lên cắt từng đoạn giống, nhân lên gấp 5, gấp 10 lần để phát triển diện tích trồng khoai. Vụ thu hoạch có thể chậm hơn 2 - 3 tuần, nhưng diện tích và sản lượng thì tăng hơn 5 - 10 lần. Chính nhờ sáng kiến đó, đến khoảng tháng 10, tháng 11.1945, trên cả nước đã có những vụ thu hoạch lúa, ngô, khoai sắn đầu tiên. Nhờ tất cả những cố gắng của cả nước, đến năm 1946, nạn đói đã bị đẩy lùi.

Vị thuyết khách

 

Nếu cuộc thương thuyết của Hoàng Văn Đức thất bại, hai bên xảy ra chiến sự, chắc chắn không có cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1

Vũ Đình Hòe

Từ Quốc dân đại hội Tân Trào về Hà Nội, Hoàng Văn Đức tham gia ngay vào Việt Minh thành Hoàng Diệu hưởng ứng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thủ đô (19.8.1945). Sau đó, ông được cử làm Tổng giám đốc kiêm Thanh tra Canh nông - Sở Canh nông Bắc bộ và Chủ tịch Tổng hội Viên chức cứu quốc Hà Nội. Không lâu sau đó, ông lại làm Tổng giám đốc Nha Nông chính Việt Nam (Bộ Canh nông - nay là Bộ NN-PTNT). Đầu tháng 12.1945, Chính phủ lâm thời chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Hoàng Văn Đức cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe... ra ứng cử và sau đó đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 1 của Hà Nội.

Chính lúc này, các tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) được sự dung túng của những viên tướng chính phủ Tưởng Giới Thạch ra sức chống phá chính quyền. Việt Minh đã phải đấu tranh trực diện với họ và các tướng Tàu mà đại diện là Tiêu Văn.

Bộ trưởng Vũ Đình Hòe lúc tại thế có kể: Bảy ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội (6.1.1946), Hoàng Văn Đức nhận được thư riêng của Hồ Chủ tịch mời anh em Đảng Dân chủ cấp tốc đến bàn cách đối phó với các đảng đối lập đang mưu mô tung quân ngăn cản cuộc vận động tuyên truyền cho bầu cử trong cả nước.

Trong cuộc gặp chiều hôm đó, Hồ Chủ tịch cho biết đã xảy ra xung đột vũ trang tự phát ở một vài địa phương. Tại tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) lực lượng quân sự hai bên Việt Minh và Việt Quốc “sát khí đằng đằng” đang đóng đối diện ở chân núi Tam Đảo, sẵn sàng lao vào một cuộc tử chiến. Lúc này, cần phải dàn xếp để hai bên cùng xuống thang, giữ hòa khí, đảm bảo cho bầu cử. Hồ Chủ tịch tin cậy và cử kỹ sư Hoàng Văn Đức mang bức thư của Chủ tịch nước lên thị xã Vĩnh Yên, trao cho UBND tỉnh. Một nhiệm vụ khác nặng nề hơn là giao cho ông tìm gặp điền chủ Đỗ Đình Đạo - thủ lĩnh Việt Quốc để dàn xếp. Trước đó, Đỗ Đình Đạo đã biết danh kỹ sư Hoàng Văn Đức khi còn làm Thanh tra Canh nông - Sở Canh nông Bắc kỳ thời Pháp thuộc. Ông Đức đã hoàn thành tốt sứ mệnh làm “thuyết khách” của mình.

Hơn 60 năm sau, nhớ lại sự kiện này, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đánh giá: Nếu cuộc thương thuyết của Hoàng Văn Đức thất bại, hai bên xảy ra chiến sự, chắc chắn không có cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1.

Người truyền bá kiến thức nông nghiệp

 

Người Việt tài trí: Thủ lĩnh diệt giặc đói

Kỹ sư Hoàng Văn Đức (1918 - 1996)  - Ảnh: gia đình cung cấp

Kỹ sư Hoàng Văn Đức đã trải qua các chức vụ Tổng giám đốc Nha Nông chính Việt Nam (1946 - 1952), Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh (1946 - 1951), Ủy viên Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1957), Ủy viên Thường vụ Đảng Dân chủ Việt Nam (1946 - 1957), Ủy viên T.Ư MTTQ Việt Nam (195 - 1957), giảng viên Trường đại học Nông nghiệp (1957 - 1959)...

Ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, và truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Không chỉ làm công tác chính quyền và đoàn thể, kỹ sư Hoàng Văn Đức còn dùng kiến thức chuyên môn của mình để phổ biến khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho người dân cả nước.

Tôi lật giở những cuốn sách cũ, kỹ sư Hoàng Văn Đức còn là tác giả và là dịch giả nhiều cuốn sách về phổ biến kiến thức nông nghiệp. Năm 1948, ngay trong kháng chiến chống Pháp vẫn còn ở giai đoạn phòng ngự, ông đã cùng kỹ sư Vũ Công Hậu cho ra đời sách Giồng rau, dày 117 trang, khổ lớn, do Bộ Canh nông xuất bản. Cuốn sách khẳng định vị trí của rau xanh trong kinh tế nông nghiệp và giá trị thực phẩm của nó. Đồng thời tác giả cũng giới thiệu các ngành và hình thức kinh doanh trong nghề trồng rau cùng phương pháp và kỹ thuật canh tác từng loại rau. Năm 1964, để phổ biến kiến thức về vị trí cây gai trên thế giới và trong nền kinh tế quốc dân ở các tỉnh miền Bắc, các giống gai và phương pháp nhân giống, kỹ thuật trồng, thu hoạch và chế biến gai, ông cho ra đời cuốn Trồng gai do Nhà xuất bản (NXB) Nông thôn phát hành dày 125 trang. Ngoài ra, kỹ sư Hoàng Văn Đức còn viết chuyên khảo về mía đường dày 296 trang do NXB Nông nghiệp phát hành năm 1982; chuyên khảo về việc phát triển cây dừa ở Việt Nam (viết cùng Việt Chy), NXB Nông nghiệp, 1983, dày 181 trang. 

Để cung cấp kiến thức khái quát về khí sinh học như nguyên liệu, thời gian, phương pháp sản xuất ở quy mô nhỏ, cách sử dụng khí sinh học; ông dịch cuốn Khí sinh học 1 (NXB Nông nghiệp, 1988). Để hướng dẫn cách làm một đơn vị sản xuất khí sinh học trong đó các khâu chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu, thời gian, cách sử dụng, bảo quản khí sinh học, ông lại dịch cuốn Khí sinh học 2 (NXB Nông  nghiệp, 1988). Đặc biệt với tầm nhìn xa về nông nghiệp bền vững, trong đó nêu Đề án xây dựng tổng quát trong quan hệ giữa nông nghiệp với thành thị và cộng đồng, ông đã dịch 200 trang sách Đại cương về nông nghiệp bền vững của Bill Mollison và Reny Mia Slay (NXB Nông nghiệp, 1994). Ngoài ra, ông còn tham gia trong Ban Biên tập biên soạn Từ điển bách khoa nông nghiệp cùng GS-Anh hùng lao động Nguyễn Văn Trương (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái) và GS Trịnh Văn Thịnh (nguyên Tổng biên tập Báo Kinh tế Nông thôn), sách do Trung tâm quốc gia biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, xuất bản năm 1991. Trước đó nửa thế kỷ, trong hai năm 1945-1946, kỹ sư Hoàng Văn Đức còn làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút (Tổng biên tập) tập san Tấc đất với 16 số, phổ biến kiến thức nông nghiệp cho nhân dân khi chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập. 

Kiều Mai Sơn

>> Người Việt tài trí : Người tình chung thủy của địa lý Việt Nam
>> Người Việt tài trí: Người thầy của các nhà sử học
>> Người Việt tài trí: Nhà khoa học yêu dân
>> Người Việt tài trí: Người thầy của một thế hệ
>> Người Việt tài trí: Người thầy độc đáo
>> Người Việt tài trí: Nghệ sĩ vĩ cầm Việt định danh trên thế giới
>> Người Việt tài trí: Kỳ thủ người Việt vô địch châu Âu
>> Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.