Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển

12/01/2014 03:00 GMT+7

Giọng hát buồn, phong thái từ tốn, chậm rãi và đôi mắt lúc nào cũng u uẩn, hơn 50 năm gắn liền với sân khấu của Thanh Sang dường như là một giấc mơ đối với anh chàng ngư dân nghèo, giấc mơ đầy sóng gió và cũng lắm niềm vui, nỗi buồn…

Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển

NSƯT Thanh Sang và NSƯT Bạch Tuyết trong vở Kiều Nguyệt Nga  - Ảnh: H.K 

Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển1

Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển4

Với NSƯT Thanh Nga trong vở Tiếng trống Mê Linh và vở Bên cầu dệt lụa - Ảnh: Tư liệu

Anh đánh cá trở thành kép hát

Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển5

NSƯT Thanh Sang - Ảnh: H.K

Sinh ra trong một gia đình nghèo miền biển, cha hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Sang phải ra biển đánh cá từ 8 tuổi để phụ mẹ nuôi ba đứa em gái và kiếm tiền học chữ trong làng. Sống gần rạp cải lương Hải Lạc, ông bị cuốn hút theo nghiệp ca hát, tự học ca vọng cổ theo tiếng đàn của danh cầm Văn Vĩ trên đài phát thanh. Về sau, ông bị bệnh do làm việc quá sức, không đi biển được nữa, ở nhà đan lưới mướn. Vừa ngồi đan lưới vừa ca vọng cổ, như trải nỗi lòng cùng sóng biển. Có lẽ vì vậy mà tiếng ca của ông trầm buồn da diết, như kết lại những dâu bể đời người…

Khi gặp được một ông bầu đoàn hát đi ngang, ông bỏ quê theo nghiệp Tổ lúc mới hơn 14 tuổi. Sau này ông ví chuyện này như Kinh Kha qua sông Dịch, đã bỏ nghề, bỏ xứ mà không có chút gì thành tựu thì không dám trở về nhìn mặt xóm làng. Có những lúc đi hát vào mùa mưa, ế quá nên rã gánh, ông trở về quê. Nhưng thấy người ta đàn hát ở rạp Hải Lạc, ông nhớ nghề chịu không nổi, thế là lại khăn gói ra đi.

Con đường khởi nghiệp của Thanh Sang cũng lắm gian nan. Ban đầu chỉ được ngồi cánh gà, ông mày mò tự học bằng cách coi người ta diễn, riết rồi thuộc hết các tuồng, cả thoại của vai đào lẫn kép. Chờ hoài mà không được nhận vai, lúc đó ông chỉ mong có người nào bệnh để được lên đóng thế. Mấy ông kép chánh không chịu bệnh, chỉ có kép phụ bị làm khó dễ rồi xin nghỉ, Thanh Sang được kêu vô đóng thay. Ông bị phân vào đúng những vai lão, trở thành người chuyên đóng dạng vai này khi tuổi mới đôi mươi. Nhưng đúng như câu “Tái ông thất mã”, cũng chính nhờ vai lão mà ông đạt được vinh quang, huy chương vàng giải Thanh Tâm 1964 cho vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long. Đây là một vai diễn rất khó, vì diễn viên bị mất đi một vũ khí diễn xuất lợi hại trên sân khấu là đôi mắt, lại phải thể hiện được tính cách bi hùng của nhân vật. Và giọng ca buồn, đong đầy tâm sự nhưng chứa đựng một nghị lực phi thường của Tạ Tốn - Thanh Sang cho đến nay vẫn chưa ai qua được.

Dù đoạt giải Thanh Tâm, nhưng ở đoàn Dạ Lý Hương Thanh Sang cũng ít được giao cho vai chính, vì có những nghệ sĩ nổi tiếng hơn như Hùng Cường, Tấn Tài, Út Trà Ôn... Vai chính đầu tiên của ông là Đông Nhật trong vở Tuyết phủ chiều đông, thay cho Hùng Cường phải  hầu tòa. Và dù thành công, trở thành kép chính trong đoàn nhưng đằng sau những vinh quang đó vẫn là anh kép hát nghèo rớt mồng tơi vì đang trong độ tuổi bị bắt quân dịch, không ai dám ký hợp đồng dài hạn. Khi đã vô trại lính, ông phải lo lót cho sĩ quan để được trốn ra ngoài đi hát có tiền gửi về nuôi gia đình.

“Trời sầu đất thảm”

 

NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại xã Phước Hải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nguyên quán ở Bình Định. Ông và NSƯT Thanh Nga được đánh giá là cặp đào kép lý tưởng trên sân khấu cải lương. Hơn 50 năm theo nghề hát, ông có nhiều vai diễn để đời như Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga), Võ Minh Thành (Đời cô Lựu)...

Thiếu thời, Thanh Sang mê giọng ca Út Trà Ôn nên lối ca của ông cũng ít nhiều ảnh hưởng bởi Út Trà Ôn. Cách sắp chữ, đưa hơi đều đúng với bản chất của vọng cổ là “chân phương hoa lá”, vừa mộc mạc, ngọt ngào, không điệu đà thái quá nhưng cũng không chết cứng, mà phải điêu luyện nhịp nhàng, nhấn nhá ru hồn người. Bằng giọng ca trời phú cùng sự phấn đấu không ngừng, ông đã tạo được nét riêng cho mình. Chất trầm buồn man mác của ông, càng nghe càng thấy thấm, và báo chí lúc đó đã đặt cho giọng ca ấy là “trời sầu đất thảm”. Nhưng thực ra cái buồn của ông không hề bi lụy, nghe kỹ vẫn thấy một sự mạnh mẽ, quyết đoán, chừng như những âm vang của sóng biển cứ ì ầm va vào vách đá rồi vọng lại sức nặng ngàn cân. 

Và khi Thanh Sang về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ, dường như Tổ nghiệp đã an bài cho sân khấu cải lương có được một cặp bạn diễn ăn ý đến mức hoàn hảo. Cùng với Thanh Nga, ông đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng giới mộ điệu bằng những vai diễn để đời như Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Lê Hoàn (Thái hậu Dương Vân Nga)... Cả hai đều có giọng trầm buồn, đầy nội lực, cách ca diễn rất chừng mực và thái độ làm nghệ thuật rất nghiêm túc, cùng tạo ra những đỉnh cao nghệ thuật cho đến nay vẫn chưa ai vượt qua.

Khán giả cứ nhớ mãi lớp diễn Trưng Trắc tế sống chồng trên giàn hỏa trong vở Tiếng trống Mê Linh. Khi Thi Sách - Thanh Sang khẳng khái khuyên vợ đặt việc nước trước tình nhà để tiến binh diệt giặc, ông đã ca hai câu vọng cổ làm rúng động lòng người. Và cho đến sáu chữ cuối “Hãy nổi trống tấn công đi” vang lên đầy uy vũ nhưng cũng chan chứa tâm tình thì chất bi hùng của người anh hùng được thể hiện trên cả tuyệt vời.

Thanh Sang xuất thân hàn vi, không được ăn học nhiều, nhưng ông luôn chịu khó tự trau dồi kiến thức bằng cách đọc rất nhiều sách. Triết học, văn học phương Đông, phương Tây gì ông cũng “ngốn” hết. Ông cười: “Sách là bạn tốt nhất của tôi, nhờ vậy hết ngày hết tháng hồi nào không hay!”. Trong giới cải lương, Thanh Sang được mệnh danh là người có hiểu biết rộng, thông tuệ nhiều thứ. Cho nên ông mới thể hiện vai Trần Minh một cách xuất sắc trong Bên cầu dệt lụa. Thanh Sang thủ vai chàng học trò nghèo Trần Minh nhưng những câu ca, lời thoại đối đáp giữa Trần Minh với tiểu thư Quỳnh Nga, với nhà vua, với công chúa đều hàm chứa nhiều điển tích và khí chất của người trí thức làu thông kinh sử. Khi đang ca trong lòng bản vọng cổ, không có thời gian suy nghĩ nhiều, nhưng Thanh Sang diễn xuất rất tự nhiên, lời ca rất trôi chảy như một trạng nguyên thật sự.

Ai người tri kỷ?

Năm 2001, Thanh Sang bị bệnh nặng, phải rời xa sân khấu một thời gian dài. Tuy ở nhà nhưng ông vẫn đọc sách mỗi ngày, tập thể dục, và làm thuốc giúp người. Ông mua loại thảo dược mà ông đã dùng hiệu nghiệm, nhờ người ta phơi khô, bỏ sẵn vô bao, ai xin thì biếu tặng. Ông nói: “Tôi chỉ biết đóng góp cho cuộc đời bằng giọng ca, mà không đi hát được thì ở nhà làm vậy cũng vui”. Và ai hỏi ông những động tác thể dục trị bệnh gai cột sống, ông đều hướng dẫn tận tình. Ông cùng vợ đang rất mê cháu nội cháu ngoại, đến nhà thấy cái cách ông nựng cháu dịu dàng đến mức không thể tin được đây là một người tính thẳng như ruột ngựa, dám cãi lại ông bà bầu chẳng sợ chi hết, anh em đồng nghiệp còn ngán mỗi khi ông lên tiếng.

Ông có một căn phòng riêng nho nhỏ, mà ông gọi vui là “nhà tù của tui”. Ông chỉ thích vào đó ôm cuốn sách, hoặc xem ti vi những vở cải lương hiện nay trên đài truyền hình, trên băng đĩa. Ông bảo, phải xem em cháu mình nó diễn ra sao chứ, để biết cải lương của mình đang đi về đâu. Và xem như thế cũng nắm bắt được cái chất của mỗi nghệ sĩ trẻ, khi mình được mời diễn chung với người đó thì mình biết mà diễn cho ăn ý. Hóa ra, ông không hề bỏ nghề, ở ẩn gì hết, chỉ là tạm ngưng để trị bệnh, dưỡng sức. Ông vẫn rèn nghề thường xuyên qua cách tiếp cận đó. Ông không phủ nhận thế hệ sau, mà còn thiện chí đồng hành. Chỉ có điều, như ông cười nói: “Chất giọng và cách diễn của tôi khó tìm được cô đào nào thích hợp. Thanh Nga mất đi, tôi chấp nhận ít diễn là vì vậy. Bởi nếu không phù hợp thì tôi đành từ chối”.

Đúng như vậy, sau Thanh Nga, có thể nói không có ai đứng được trên sân khấu xứng với Thanh Sang. Cho nên, mỗi năm tới ngày giỗ Thanh Nga, ông buồn như mất một người tri kỷ...

Hoàng Kim - Vũ Anh

>> NSƯT Thanh Sang 'tái xuất giang hồ' ở tuổi 71
>> Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 8: Nước mắt Thanh Sang
>> Thanh Sang không bao giờ nói “giải nghệ”
>> NSƯT Thanh Sang làm đạo diễn và viết tuồng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.