img

GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global (Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu) chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên nhân dịp Quốc khánh 2.9.2023.

Người trẻ tự cường, quốc gia hưng thịnh - Ảnh 1.

Giáo sư có đánh giá gì về hành trình kinh tế và khẳng định vị thế Việt Nam trong những thập kỷ qua?

Vị thế địa chính trị và tiếng nói của nước ta trên trường quốc tế ngày một gia tăng. Thời chiến tranh trước đó thì kẻ thù đã phải khuất phục ý chí và quyết tâm của ta. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động phức tạp và có chiến tranh cục bộ thì ngay cả các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với nước ta.

Về kinh tế, nhiều chỉ số cho thấy sự thay đổi ấn tượng cả về chất và lượng. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong khu vực và quốc tế, ngay cả khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008 - 2009) và đại dịch Covid-19 nổ ra (2020 - 2021). Đời sống của người dân Việt Nam được cải thiện, y tế - giáo dục được tăng cường, cơ sở hạ tầng liên tục được xây dựng, các thị trường hàng hóa và dịch vụ được hình thành và phát triển. GDP có thể cán mốc 435 tỉ USD sau 20 năm theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) (năm 2003 là 39,5 tỉ USD). Ngay từ 2015, Việt Nam là quốc gia đi đầu, cơ bản hoàn thành 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ cam kết với Liên Hiệp Quốc. Nước ta cũng có nền kinh tế mở nhất thế giới với 19 hiệp định thương mại tự do và nhiều hiệp định đối tác chiến lược.

Những thành tựu trên là nền tảng quan trọng, tạo niềm tin cho những bước tiến của Việt Nam trong các thập kỷ tới.

Người trẻ tự cường, quốc gia hưng thịnh - Ảnh 2.

Hành trình trỗi dậy của kinh tế Việt Nam được thế giới nhận định như thế nào, thưa giáo sư?

Trong một thế giới vừa hợp tác vừa cạnh tranh thì không dễ gì có thể xây dựng một chỗ đứng cho mình, nhất là khi xuất phát điểm của mình thấp. Bạn bè quốc tế đánh giá cao sự thay đổi về quy mô nền kinh tế, thành công phổ cập giáo dục tiểu học, bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ…

Là một thành viên tích cực và có tiếng nói trong các tổ chức và cơ chế hợp tác quốc tế (Liên Hiệp Quốc, WTO, ASEAN, APEC…), Việt Nam có nhiều dấu ấn quan trọng khi tham gia có trách nhiệm vào tiến trình xây dựng thế giới hòa bình, ổn định, thịnh vượng và cùng phát triển. Nước ta cũng được tín nhiệm cao khi 2 lần được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Thế giới cũng dành cái nhìn rất tích cực cho công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển, dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng tri thức, cũng như cập nhật xu thế bền vững và chuyển đổi số. Cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) đã tạo được ấn tượng tốt và thiết lập một quỹ đạo phát triển bền vững cho nước ta.

Thưa giáo sư, bây giờ Việt Nam đã được coi là hùng cường chưa?

Việt Nam đang có một vị thế tốt về địa chính trị, tiềm năng phát triển kinh tế và uy tín quốc tế cao như tôi đã tóm lược ở trên. Đây là điều mà rất hiếm quốc gia có thể làm được khi mà áp lực về "chọn bên" từ các cường quốc rất lớn. Việt Nam chiếm được cảm tình của hầu hết các quốc gia, nhờ sự kiên trì với con đường hợp tác - đối tác đa phương, đa chiều, hòa bình và cùng có lợi dựa trên lòng tin lâu dài và sự tôn trọng chủ quyền của nhau.

Nếu hiểu đơn giản một quốc gia hùng cường là một quốc gia mạnh, có tầm ảnh hưởng, có trình độ phát triển khoa học công nghệ cao, giàu có về nhân lực, tài lực và vật lực, đủ năng lực tự bảo vệ mình thì nước ta chưa đạt được. Khoảng cách giữa nước ta và các nước phát triển tiên tiến còn khá dài.

Chúng ta còn nhiều thách thức trong hiện tại và tương lai trên con đường thực hiện khát vọng hùng cường. Ví dụ như làm thế nào để thoát "bẫy thu nhập trung bình", để tăng chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng? Cơ hội việc làm dồi dào nhưng nhiều sinh viên ra trường còn chưa làm đúng chuyên môn được đào tạo. Khởi nghiệp sáng tạo đã bắt đầu, nhưng số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn rất ít… Chúng ta có trên 3.500 startup, trong khi con số này ở Pháp là khoảng 1 triệu.

Người trẻ tự cường, quốc gia hưng thịnh - Ảnh 3.

Việt Nam hùng cường và thịnh vượng đang là một khát vọng, mục tiêu lớn của đất nước. Theo giáo sư, mô hình tăng trưởng nào sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng này?

Các mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế từ những năm 1990 trở lại đây không có nhiều thay đổi. Sự khác biệt đến từ sự lựa chọn yếu tố sản xuất của mỗi quốc gia, căn cứ vào tiềm năng, nguồn lực, và thế mạnh đặc thù của mình.

Với mục tiêu tiến tới phát triển bền vững và thịnh vượng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam cần có 2 thành tố là tăng trưởng nhanh và bền vững. Tăng trưởng nhanh để sản sinh ra giá trị, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy phát triển con người và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tăng trưởng bền vững yêu cầu phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo hoạt động kinh tế giúp thúc đẩy bền vững về xã hội (công bằng xã hội, bình đẳng tiếp cận cơ hội và nguồn lực, giáo dục - đào tạo, việc làm…) và môi trường (chống tác động tiêu cực).

Yêu cầu tăng trưởng cao và bền vững không đối lập nhau. Đó là một mô hình tăng trưởng mới mà chúng ta phải tìm, thông qua kết hợp và tối ưu hóa các điều kiện đầu vào của nền kinh tế. Việt Nam có thể là quốc gia đầu tiên tạo được ra mô hình tăng trưởng cao và bền vững trên thế giới? Câu trả lời là rất có thể. Và đây là một bài toán hay để giải.

Người trẻ tự cường, quốc gia hưng thịnh - Ảnh 4.

Tinh thần tự cường cũng bao gồm tinh thần cống hiến cho cộng đồng. Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử

Nguyệt Ánh

Vầy theo giáo sư, cần những nhân tố nào để có thể tiên phong mô hình tăng trưởng cao và bền vững?

Đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cũng như lực lượng cán bộ làm công tác này là ưu tiên hàng đầu. Tiếp đến là đầu tư vào đào tạo con người với những kỹ năng cần thiết (cả kỹ năng cứng và mềm) để nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Yếu tố tiếp theo là thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới dựa trên xu thế của thời đại, ví dụ như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa.

Thực tế cũng cho thấy là ổn định môi trường vĩ mô có ý nghĩa quyết định trong bối cảnh hợp tác toàn cầu hiện nay. Thiếu ổn định vĩ mô thì dù chúng ta có tất cả các yếu tố ở trên thì cũng sẽ khó tăng trưởng và phát triển, cũng không có doanh nghiệp và đối tác quốc tế đến làm việc, hợp tác với mình cả. 

Người trẻ tự cường, quốc gia hưng thịnh - Ảnh 5.

Như giáo sư chia sẻ, người trẻ có một vai trò quan trọng cho sự vận động hôm nay và phát triển bứt phá ngày mai của đất nước…

Người trẻ là mắt xích quan trọng trong sự vận động và phát triển của đất nước. Nếu ngày hôm nay họ chưa quyết định vận mệnh đất nước thì trong tương lai rất gần, 1 - 2 thập kỷ tới, cũng đến lượt họ kiến thiết và định hình sự phát triển của đất nước.

Muốn một quốc gia hùng cường thì mỗi công dân phải có tinh thần tự cường.

Tự cường tức là mỗi cá nhân sẵn sàng tự trang bị kiến thức và phát triển năng lực cho mình, tự tìm cách thích nghi với sự thay đổi nhanh của thế giới và xã hội (AI, dữ liệu lớn, tự động hóa…). Dám chấp nhận rủi do, dám thử sức với những tìm tòi, khám phá mới. Và quan trọng nhất là tự lực cánh sinh vươn lên trong công việc bằng thực lực và tài năng của mình. Tôi biết nhiều lãnh đạo trẻ của Việt Nam chọn con đường này và chúng ta cần nhiều người như thế.

Rộng hơn nữa và vượt lên trên tất cả, tinh thần tự cường cũng mang ý nghĩa kiên định với những giá trị quốc gia dân tộc như là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, tự hào dân tộc, và tinh thần cống hiến cho cộng đồng. Để từ đó hành động nhất quán phát triển bản thân mình, gia đình, xã hội và đất nước. Khi người trẻ tự cường, đất nước sẽ hùng cường.

Người trẻ tự cường, quốc gia hưng thịnh - Ảnh 6.

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, thăm sinh viên tình nguyện tại tỉnhGia Lai

Trần Hiếu

Giáo sư có những bài học kinh nghiệm nào có thể chia sẻ cho tuổi trẻ hôm nay?

Điều mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ là ưu tiên đầu tư vào sức khỏe, học tập và tích luỹ kiến thức sẽ không bao giờ thừa. Xây dựng cho mình tinh thần cam kết, trách nhiệm và dấn thân cho những mục tiêu, trước hết là của mình, gia đình mình và tiếp đến là của cộng đồng, xã hội.

Người trẻ cũng rất cần học cách làm việc trong đội nhóm để phát huy sức mạnh của trí tuệ và sáng tạo tập thể. Gắn phát triển bản thân với lòng tự hào dân tộc, tự hào dòng máu Lạc Hồng sẽ là bệ phóng cho các bạn tự tin tiến về phía trước và bước ra với thế giới.

Hoàng đế Napoleon đệ nhất từng có một câu nói nổi tiếng "Impossible n'est pas français" (dịch nghĩa là "không thể không tồn tại ở nước Pháp"). Câu nói này dành cho Việt Nam của chúng ta cũng rất đúng nếu nhìn vào chiều dài lịch sử nước ta. Tôi có niềm tin là thế hệ trẻ Việt Nam sẽ liên tục tạo được những điều mới, đột phá cho sự phát triển của đất nước.

Xin cám ơn giáo sư!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.