Người trẻ kể chuyện Hoàng hậu Nam Phương

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
28/11/2023 07:25 GMT+7

Cuộc đời nhiều thăng trầm gắn với những biến động lịch sử của Nam Phương hoàng hậu đã thu hút không ít nhà nghiên cứu, trong đó có tác giả trẻ Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính.

Sách Nam Phương hoàng hậu - Vị quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (1934 - 1945) (ảnh - NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành), được tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính biên soạn công phu trong vòng 2 năm, dựa trên các chính sử và sách báo được xuất bản đương thời.

Ngày ấy, sự kiện cô Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào làm hoàng hậu nước Nam là chuyện "kinh thiên động địa". Dư luận vô cùng quan tâm vì việc hòa hợp một người con dâu theo đạo Thiên Chúa "là rất khó dưới góc nhìn của hoàng gia và triều đình", cũng là khúc mắc lớn trong việc đại hôn cưới xin của nhà vua.

Người trẻ kể chuyện Hoàng hậu Nam Phương - Ảnh 1.

ảnh: NXB

Theo nhà nghiên cứu Tử Yếng, việc thỏa hiệp cho lễ đại hôn do đích thân hoàng đế quyết định, nhà vua tự tìm nguyên phối cho mình mà bỏ qua sự sắp đặt trước của hoàng gia. Cuốn sách dẫn tiết lộ trên tờ Lục tỉnh tân văn: "Đã có lần ở Huế có tin đồn rằng, một vị quan lớn muốn "dâng" con gái mình cho vua, và việc ấy cũng có Lưỡng Tôn cung tán thành, nhưng vua Bảo Đại vội bác ngay; lấy lý lẽ rằng sau khi mười năm du học về, chưa có thời giờ làm được việc gì ích quốc lợi dân mà đã lo chuyện cưới vợ, thì chẳng là đã làm buồn cho cái lòng ngưỡng vọng của thần dân đó sao? Hồi đó nghe nói rằng, ngài định đến hai mươi lăm tuổi mới cưới hoàng hậu".

Tác giả còn trích dẫn thêm tư liệu từ hàng loạt báo đương thời đều cho rằng, sự kết duyên vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương được coi như là phá cách, "mang đến nhiều ảnh hưởng cho nước Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20".

Không chỉ kể chuyện về cuộc tình lãng mạn của hai nhân vật chính, tác phẩm mới của Tử Yếng còn đi sâu vào thân thế gia đình, duyên phận, các lễ nghi trong triều hay những chuyến công du của Hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, giúp độc giả hiểu thêm về những bận rộn ở triều chính và chuyện "bếp núc" nơi hậu cung.

"Trang cuối cùng của lịch sử phong kiến VN là triều đại Bảo Đại, vị vua để lại nhiều sự quan tâm trong dư luận xưa và nay; bên cạnh đó, vợ ông cũng là một trong những nhân vật mang nhiều dấu ấn với lịch sử, một người phụ nữ mới của xã hội cũ, thuộc lớp tiên phong đầu thế kỷ 20. Với những chi tiết thú vị ấy, tôi muốn gợi mở thêm những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của bà, đây cũng là cảm hứng lớn nhất cho cuốn sách này", tác giả Tử Yếng tâm sự.

Tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính năm nay mới 26 tuổi nhưng đã có nhiều đầu sách khảo cứu được xuất bản: Nam Kỳ quan chế khảo lược (1802 - 1945); Nam Kỳ kiến trúc khảo lược; Huê diện - Lược khảo y trang phục sức tại Nam Kỳ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.