Người trẻ đề kháng tin đồn xấu

03/11/2015 07:31 GMT+7

Sự phát triển của công nghệ số và tính chất lan tỏa cực nhanh, cực rộng của truyền thông xã hội đang từng ngày tác động đến dư luận và tâm lý cộng đồng, nhất là trong người trẻ.

Sự phát triển của công nghệ số và tính chất lan tỏa cực nhanh, cực rộng của truyền thông xã hội đang từng ngày tác động đến dư luận và tâm lý cộng đồng, nhất là trong người trẻ.

Trên mạng, việc chia sẻ điều hay ho, tích cực không ít nhưng việc phát tán các loại tin đồn, tin vịt với các mức độ tiêu cực cũng ngày càng nhiều.
Theo Knapp trong cuốn A Psychology of Rumor (1944), các tin đồn tiêu cực thường dễ được lan truyền hơn do khơi gợi cảm xúc hiếu kỳ của người tiếp nhận dù chưa được kiểm chứng, không chính thức và thiếu thuyết phục. Trong nhiều tình huống, chủ thể phao tin đồn dựa vào trạng thái không xác định, tò mò, nghi ngờ, lo lắng của cộng đồng để đạt mục đích của mình, nhất là với các đối tượng thanh niên vốn chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm sống.
Khoa học tâm lý đã xác định hai điều kiện để tác động bằng tin đồn là mối quan tâm của công chúng và sự mơ hồ của các dữ kiện, bằng chứng liên quan. Số lượng và cường độ của tin đồn càng tăng, nếu công chúng càng quan tâm đến tin đồn bên cạnh sự mơ hồ càng cao của các “bằng chứng”.
Mấy năm qua và đặc biệt trong thời gian gần đây, việc suy diễn, thêu dệt tin đồn xấu đang rộ lên nhân những diễn biến thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; đặc biệt, vào các cơ quan công quyền, các cá nhân lãnh đạo, người nổi tiếng… với mức độ xảo trá, quỷ quyệt ngày càng cao. Có tính quy luật, tin vịt thường ăn theo các sự kiện thời sự được dư luận quan tâm ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội trong thời điểm hay giai đoạn “nhạy cảm”. Những điều bịa đặt được tung ra chứa đựng những dẫn giải vô lý, thậm chí đầy chứng cứ lắp ghép ngụy tạo. Có loại bài viết ra vẻ cập nhật sự kiện nhưng chẳng đưa ra được kiểm chứng từ bất kỳ phương tiện truyền thông nào, tạo nên sự hoang mang trong nhận thức của công chúng trẻ và các tầng lớp tiếp nhận thông tin.
Kể cả người không mấy quan tâm, không tò mò cũng bị tấn công bằng phương thức tung tin loạn xạ vào trang cá nhân trên internet, mạng xã hội. Nào là, vị này có tài sản khủng bất minh; vị nọ mưu hèn kế bẩn, cán bộ kia dây vào trọng án; kẻ chống tham nhũng bị trù dập... rồi góp phần vào cái gọi là “làm công tác nhân sự” với đầy rẫy ác ý, kích thích cảm xúc tiêu cực của số đông bằng điều không chứng minh được, thậm chí là suy diễn đổi trắng thành đen. Mặt khác, là những luận cứ một chiều bất chấp kết quả xác minh trước đó nhằm bôi bác, vu khống đối với vai trò, quyền hạn của tổ chức, của tập thể và cá nhân trong việc hành xử quyền và nghĩa vụ chính đáng của mình.
Theo các nhà xã hội học, điểm phân biệt dư luận xã hội và các loại tin đồn, tin vịt là: tin đồn không chính thức, thông thường là bịa đặt, xuyên tạc dựa vào cảm xúc và ý chí chủ quan của người truyền tin. Những thứ “nghe nói thế, nghe bàn vậy...” thường không được ai khẳng định, thiếu sự kiện và số liệu để chứng minh. Thông qua sự phát tán tràn lan có chủ ý trên mạng, tin vịt được “chế biến” ngày càng xa tin đồn gốc (vốn đã vô lý) theo kiểu tam sao thất bổn cho hấp dẫn; qua đó, đã tăng thêm mức độ “bôi đen” nói xấu; thậm chí thành kích động, phá hoại.
Cùng với sự quản lý nhà nước trong minh bạch và nhất quán các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao niềm tin nói chung của người dân, bên cạnh cơ chế tiếp cận, phản ứng nhanh bằng thông tin đầy đủ, chính xác của truyền thông chính thống trước tin đồn xấu, tin vịt thì luôn cần các hình thức chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý những kẻ phao tin đồn thất thiệt theo quy định của pháp luật. Qua các giải pháp kịp thời và đồng bộ, tin đồn xấu sẽ không dễ lan truyền, tác động tiêu cực đến người trẻ và xã hội nói chung.
Trước tin đồn xấu, người trẻ cần bình tĩnh suy xét, rèn luyện tư duy độc lập để không bị tác động bởi trạng thái cảm xúc lây lan; chọn lọc thông tin bằng kiến thức và trải nghiệm của mình, phân định được sự giả dối trong các tin đồn vừa nghe hay đọc được. Việc phê phán, phản biện có thể thực hiện trong các sinh hoạt nhóm ngoài đời và cả trên thế giới ảo khi cá nhân từng bước nhận thức mức độ gian trá của nguồn tin.
Không nên tiếp tục thêu dệt tin vịt bằng cảm nhận, định kiến của riêng mình rồi truyền tiếp nó cho bạn bè, người thân bởi các mục đích đại loại như thể hiện mình là người thạo tin, góp chuyện làm quà... Với mỗi bạn trẻ, năng tiếp cận với càng nhiều thông tin chính nghĩa, nhân văn, tích cực và luôn cảnh giác trước tin đồn xấu, tin vịt là việc luôn cần thiết và có ích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.