Người Palestine mắc kẹt dưới làn bom đạn

15/10/2023 05:40 GMT+7

Nhiều người dân Palestine tại Dải Gaza đang trong tình cảnh hết sức ngặt nghèo khi phải di tản dưới làn bom đạn trước cuộc tấn công đáp trả của Israel.

Cuộc xung đột Hamas-Israel hôm qua bước sang tuần thứ hai và có nhiều nguy cơ tiếp tục leo thang căng thẳng. Quân đội Israel đã rải truyền đơn cảnh báo 1,1 triệu người sống tại miền bắc Dải Gaza sơ tán trong lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này đang tăng cường chiến dịch trả thù Hamas.

Người Palestine mắc kẹt dưới làn bom đạn - Ảnh 1.

Trường học tại Rafah, miền nam Dải Gaza, được LHQ dùng làm trại tị nạn

AFP

Thảm họa nhân đạo

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ước tính hàng chục ngàn người Palestine đã rời khỏi khu vực trong ngày 13.10 sau cảnh báo của Israel. Tính đến cuối ngày 12.10, hơn 423.000 người đã phải rời bỏ nơi ở tại vùng đất này từ khi xung đột bùng phát. Hôm qua, OCHA cho hay hơn 1.300 tòa nhà đã bị phá hủy và gần 3.750 ngôi nhà khác bị hư hại nghiêm trọng sau các cuộc tấn công của Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố việc oanh tạc chỉ là màn khởi đầu của cuộc báo thù chống Hamas.

Xem nhanh: Israel nói chiến dịch báo thù chỉ mới bắt đầu; Ukraine tổn thất lớn trước phòng tuyến Nga

Hiện tại, không có hành lang an toàn nào được thiết lập cho người di tản từ miền bắc Dải Gaza xuống miền nam, gần Ai Cập. Trong khi đó, giới chức Israel đã tuyên bố sẽ phong tỏa toàn bộ, cắt nguồn điện, nước và nhiên liệu cho 2,3 triệu dân Dải Gaza cho đến khi các con tin bị Hamas bắt được thả. Theo OCHA, hầu hết người dân tại dải đất hẹp này hiện không còn nước sạch sinh hoạt khi 6 giếng nước, 3 trạm bơm, một hồ dự trữ và một nhà máy khử nước mặn cho 1,1 triệu người đã bị hư hại sau các cuộc không kích. Việc cúp điện hoàn toàn đã đẩy các dịch vụ y tế, vệ sinh và cấp nước đến bờ vực sụp đổ, làm trầm trọng tình trạng mất an ninh lương thực.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Phó tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nói rằng lệnh sơ tán 1,1 triệu người trong chỉ 24 giờ "bất chấp các quy tắc chiến tranh và nhân đạo cơ bản". Theo ông, Gaza đang bị oanh tạc dữ dội, đường sá hư hại và người dân không có nơi an toàn để đi. Trong tình cảnh đó, việc bắt buộc người dân di tản giữa lúc chiến sự và không hỗ trợ nhân đạo "là điều nguy hiểm", sẽ gây thảm họa nhân đạo và những ảnh hưởng lâu dài.

Không điện, nước, nhiên liệu, internet vì Israel phong tỏa, người dân Gaza như ''về thời đồ đá"

 Đến hôm qua, Israel tiếp tục ra cảnh báo kêu gọi người dân các thành phố Gaza, Beit Hanoun ở miền bắc Dải Gaza di chuyển xuống phía nam. Tuy nhiên, chưa rõ thông điệp này có đến tai người dân khi điện và internet đều bị cắt.

Cửa thoát duy nhất

Với việc bị Israel phong tỏa toàn bộ, cửa ngõ duy nhất để người Palestine rời khỏi Gaza là cửa khẩu Rafah với Ai Cập. CNN dẫn lời một quan chức Jordan nói rằng cửa phía Ai Cập vẫn mở nhưng cửa phía Palestine hiện không hoạt động sau nhiều cuộc không kích của Israel. Hiện tại, Jordan và Ai Cập đang chờ Israel phê chuẩn cho các chuyến xe tải chở hàng cứu trợ đi qua cửa khẩu.

Người Palestine mắc kẹt dưới làn bom đạn - Ảnh 2.

Số người thiệt mạng trong một số lần đụng độ giữa người Israel và người Palestine

TỔNG HỢP

Người Palestine mắc kẹt dưới làn bom đạn - Ảnh 3.

Tình hình Dải Gaza ngày 14.10

TỔNG HỢP

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nói rằng Cairo "thông cảm" với người Palestine nhưng khả năng giúp đỡ là có hạn, khi mà Ai Cập đang là nơi trú ẩn của 9 triệu người nhập cư từ các nước có xung đột trong khu vực. Theo Reuters, Ai Cập đã ngầm tuyên bố rằng giải pháp đưa hàng loạt người Palestine qua biên giới là điều không thể chấp nhận và "điều quan trọng là người Palestine vẫn hiện diện trên đất của họ". Cùng quan điểm đó, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi hôm qua cho rằng việc Israel gây sức ép lên toàn bộ người Palestine phải rời bỏ nhà cửa là "lằn ranh đỏ", có nguy cơ đẩy khu vực vào địa ngục chiến tranh, cảnh báo rằng các nước Ả Rập sẽ có hành động chống lại diễn biến này.

Nhà Trắng muốn gộp viện trợ Ukraine, Đài Loan, Israel

Mỹ, Nga tìm cách cứu con tin

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua nói rằng Mỹ đang dốc hết sức để giải cứu những người Mỹ bị mất tích từ sau cuộc tấn công của Hamas và cảnh báo sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn để tìm họ. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov bày tỏ hy vọng sẽ gặp đại diện Hamas tại Qatar trong tuần sau để đối thoại về việc thả các con tin Israel, RIA Novosti đưa tin.

Thế giới đang trải qua thời kỳ nguy hiểm

Trong báo cáo mới nhất, ông Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng JP Morgan lớn nhất

nước Mỹ, đã công bố lợi nhuận trong quý 3 đạt mức 13,15 tỉ USD (321.000 tỉ đồng), tương đương 4,33 USD/cổ phiếu, trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9, tăng 35% so với năm trước. Lãi suất tăng cùng với thương vụ mua lại Ngân hàng First Republic đã đẩy thu nhập từ lãi của JP Morgan lên mức cao kỷ lục như trên, theo tờ The Guardian.

Đi kèm những con số tích cực là những dự báo về triển vọng kinh tế trong tương lai. Trích dẫn cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và các cuộc giao tranh giữa Israel và nhóm Hamas, lãnh đạo JP Morgan ngày 13.10 cho rằng các yếu tố trên có tác động sâu rộng đến giá năng lượng và thực phẩm, thương mại toàn cầu cũng như địa chính trị. Theo ông, thế giới đang trải qua "thời kỳ nguy hiểm nhất" trong nhiều thập niên.

Ngoài xung đột quân sự, ông Dimon cũng cảnh báo các khoản nợ quốc gia đang gia tăng và "thâm hụt tài chính trong thời bình lớn nhất từ trước đến nay", điều mà ông cho rằng đang làm tăng nguy cơ lạm phát. Cùng với đó, ông Dimon lo ngại nỗ lực làm giảm mức độ nắm giữ trái phiếu, hay còn gọi là quá trình thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạo ra tác động chưa rõ ràng về lâu dài. Theo ông, quá trình này sẽ làm giảm tính thanh khoản trong hệ thống vào thời điểm mà khả năng tạo lập thị trường ngày càng bị hạn chế do các quy định.

Trong năm qua, các nhà hoạch định chính sách của FED đã 11 lần tăng lãi suất với hy vọng đè bẹp tình trạng lạm phát cao dai dẳng. Theo Đài Fox News, chỉ trong 1 năm, lãi suất đã tăng từ gần 0 lên trên 5%, tốc độ thắt chặt nhanh nhất kể từ những năm 1980. Giới tài chính Mỹ đã báo hiệu đợt tăng lãi suất khác sẽ được cân nhắc trong năm nay cho đến khi có nhiều bằng chứng đáng tin cậy cho thấy lạm phát cao đã vĩnh viễn giảm bớt. Các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh rằng lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao nhất trong một thời gian.

Khánh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.