Người mê sách cổ

15/03/2008 18:11 GMT+7

Trong lễ trao giải Những cuốn sách vàng 2008 (Hội sách TP.HCM lần 5), có một nhà sưu tập sách cổ còn rất trẻ đã một mình thâu tóm đến 5 giải (1 giải đặc biệt, 2 giải nhì, 2 giải khuyến khích). Đó là Đỗ Cao Lợi.

Đỗ Cao Lợi sinh năm 1975 tại Hà Nam, tốt nghiệp thạc sĩ Luật Kinh tế, hiện là trưởng phòng hành chính của một công ty dầu khí tại TP.HCM. Niềm đam mê đọc sách “lây” từ cha mẹ từ lúc Lợi còn theo bậc tiểu học. Bố cậu có một tủ sách quý và cậu đã ngốn sạch tất cả sách dù nhiều cuốn vẫn chưa hiểu hết. Hồi đó, những tác phẩm mà cậu bé Lợi thích và nhớ mãi là Cánh đồng làng của Tô Hoài, truyện tranh Tam quốc diễn nghĩa in tại Bắc Kinh năm 1956 đóng dấu Thư viện Quốc gia Việt Nam (Phòng đọc thiếu nhi) từ hồi học lớp 6.  Cậu đã thức cả đêm dùng bút máy Hồng Hà vẽ lại, phóng to trên giấy học sinh để tặng bạn bè...

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, Lợi vào TP.HCM công tác năm 1997. Anh như “cá gặp

“Trước sự phát triển của văn hóa nghe nhìn, số hóa, tôi vẫn ước rằng sẽ có nhiều bạn trẻ tìm đến với sách, yêu thích sách, lưu giữ, sưu tầm sách như một đam mê bên cạnh cuộc sống bận rộn đời thường”   
Đỗ Cao Lợi

nước” vì lượng sách ở TP.HCM rất đa dạng về chủng loại và nhiều sách có giá trị. Đến với anh, đầu tiên là các sách về luật pháp, về khoa học tổ chức, quản lý, rồi văn học và sau cùng anh bị cuốn hút bởi kiến thức và lịch sử từ những trang sách cũ. Không phải là người sưu tầm chuyên nghiệp nhưng niềm yêu thích sách cổ đến với anh thật tự nhiên.

* Hiện nay, bộ sưu tập của anh đã có được bao nhiêu đầu sách? Bao gồm những ngôn ngữ gì?

- Hai vợ chồng tôi tích lũy được một tủ khoảng 1.000 tựa sách. Trước hết là những sách đọc phục vụ cho yêu cầu công việc và văn học giải trí trong giai đoạn hiện tại. Loại sách này chiếm phần lớn, tiếp đến là các sách cổ về khảo cứu, lịch sử và văn học bằng các thứ tiếng quốc ngữ, tiếng Anh, Pháp, Hán, Nôm... Do hạn chế về ngôn ngữ, chúng tôi không có nhiều sách Hán Nôm. Tôi rất thích sưu tập những sách song ngữ: Quốc ngữ - Pháp - Nôm, chẳng hạn như cuốn Lục Vân Tiên Ca Diễn (1883), Nhân Nguyệt Vấn Đáp (1917), Hoàng Việt Trung Kỳ Luật lệ (1931)... vì dễ tìm hiểu hơn. Theo tôi, một cuốn sách cổ không chỉ có giá trị về mặt thời gian, mà chủ yếu là ở nội dung của nó. Nhiều cuốn có niên đại cao nhưng giá trị sử dụng, tham khảo rất thấp. Ngược lại có nhiều cuốn niên đại


Một trang di bút của cụ Nguyễn An Cư trong tủ sách của Lợi  
thấp hơn, không phải hiếm nhưng lại có giá trị khai thác sử dụng hiệu quả.

* Khi bắt gặp một cuốn sách cổ không in bằng chữ quốc ngữ, anh làm thế nào để hiểu được giá trị của cuốn sách? Anh có bằng cấp hoặc am tường về ngoại ngữ nào không?

- Tôi đã học tiếng Anh và Nga. Để có được những sách cổ, quý nếu gặp cơ duyên, tôi phải sử dụng nhiều công cụ và những phương cách nhất định để nhận biết được giá trị của nó. Công cụ đầu tiên là cuốn cẩm nang Thú chơi sách của học giả Vương Hồng Sển; sau đó, là các cuốn từ điển, các thư mục sách tham khảo của các tác giả, sau cùng tham khảo những người sưu tập đi trước hoặc những nhà nghiên cứu. Ngày nay, internet cũng là một công cụ tìm kiếm rất hữu hiệu trong việc tra cứu sách cổ. Khó và tốn công nhất vẫn là sách Hán - Nôm, hiện nay tôi vẫn còn hai cuốn sách chữ Hán đề Di bút của Nguyễn An Cư Tiên sinh - một lương y và là nhà Nho nổi tiếng của Nam Kỳ đầu thế kỷ 20, nét chữ rất đẹp nhưng chưa thể tìm hiểu kỹ về nội dung.

* Vừa rồi, trong cuộc thi Những cuốn sách vàng lần 4 do NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức, anh đã đoạt được 5 giải. Anh có thể nói sơ về đặc điểm của những cuốn sách đoạt giải?

- 2 giải nhì là cuốn: Le tour d’Asie – Cochichine - Annam – Tonkin của Marcel Monnier xuất bản tại Paris năm 1899, kể về hành trình của tác giả qua Việt Nam, qua mỗi địa danh ông đều chụp những hình ảnh và ghi chép lại, cuốn này cho ta thấy vịnh Hạ Long, những tiểu thư Hà Nội, căn cứ Yên Thế... cuối thế kỷ 19. Tiếp đến là cuốn Annamites et Occidentaux của Le  Frey - một viên tướng Pháp, xuất bản tại Paris năm 1894, nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ tiếng Việt, có nhiều hình ảnh minh họa về phong tục văn hóa, pháp luật của người Việt ta qua nét vẽ uyển chuyển và tinh tế của người họa sĩ.

2 giải khuyến khích: Catalogue Des Produits De L’indochine, Produits Alimentaires Et Plantes Fourrageres của Crevost và Lemarie do Phủ toàn quyền Đông Dương ấn hành năm 1917, cuốn sách liệt kê, phân tích, minh họa các sản phẩm của nông nghiệp trồng trọt Đông Dương chủ yếu là Việt Nam với những hình ảnh về con người Việt Nam, có những hình vẽ minh họa. Sách đóng dấu Sở Nông thương Hà Nội thuộc Phủ Thống sứ Bắc kỳ. Tiếp đến là cuốn Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu xuất bản năm 1941, bản này rất hiếm. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, NXB Hương Sơn đã tái bản lại cuốn này nhưng thiếu một trang không tìm ở đâu được. Còn học giả Vương Hồng Sển thì viết “thi sĩ hiểu nỗi lòng thi sĩ... phải Khắc Hiếu mới cắt nghĩa nổi Tiên Điền”. Riêng giải cuốn sách độc đáo được trao cho cuốn Souverains et Notabilités d’Indochine do Phủ toàn quyền Đông Dương ấn hành năm 1941, đây là cuốn Who’s Who đầu tiên của Việt Nam, trình bày tiểu sử, sự nghiệp của các hoàng thân và chức sắc ở Đông Dương.  Gồm vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, hoàng thân Norodom Sihanouk, hoàng thân Suvanuvông, các nhân sĩ trí thức Nguyễn Khắc Cần, Hồ Đắc Di, Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Thuyên, Trần Trọng Kim, Ngụy Như Kontum, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Tô Ngọc Vân... Đặc biệt có cụ Ngô Tử Hạ - người Việt Nam đầu tiên làm chủ một nhà in lớn ở Hà Nội cách đây hơn 100 năm... Ngoài nội dung đặc biệt đó, cuốn sách được ban giám khảo và Hiệp hội In Việt Nam đánh giá cao về kỹ thuật in ấn và loại giấy cao cấp được sử dụng. Tại cuộc thi Những cuốn sách vàng lần thứ 3 năm 2006, tôi cũng được hai giải, một giải cuốn sách độc đáo và một giải khuyến khích.

* Những khó khăn và thuận lợi trong việc sưu tập sách cổ của giới sưu tầm sách hiện nay nói chung và của riêng anh là gì?

- Về thuận lợi, chúng tôi có một CLB sách xưa và nay, gồm những người có tâm huyết với sách của thành phố ta. Ngoài ra còn có Hội thi truyền thống Những cuốn sách vàng do NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức hai năm/lần. Những yếu tố tích cực này phần nào giúp cho giới sưu tầm và những người giữ sách quý có được một diễn đàn chung để tập hợp.

Về khó khăn, cá nhân tôi nhận thấy còn thiếu một sân chơi đúng nghĩa cho giới sưu tầm sách chuyên nghiệp tại Việt Nam. Các hoạt động nói trên, trên thực tế chưa phát huy hết ý nghĩa của việc sưu tầm, bảo tồn và giá trị những cuốn sách cổ. Bên cạnh đó, việc chưa quy tụ được nhiều nhà sưu tập và thiếu những định chế cho việc lưu giữ sách của khối tư nhân đã làm cho sách cổ, quý của Việt Nam bị bán nhiều ra nước ngoài hoặc còn lay lắt đâu đó bên những đống ve chai...

*Trong bộ sưu tập sách cổ của anh, anh thích những cuốn nào nhất? Vì sao?

- Mỗi cuốn sách là một kỷ niệm, nó thực sự đều có ý nghĩa với tôi trong cuộc sống, vừa giúp tôi trong công việc, vừa là một đam mê bên cạnh những lo toan của cuộc sống. Cuốn sách tôi thích vì nó thực sự phát huy được những giá trị xã hội là cuốn Bổ Quốc sử (Contribution à l’Histoire d’Annam) của Đông Dương tạp chí. Bắt đầu từ số 1 năm 1915, đây là ấn bản khổ hẹp của Đông Dương tạp chí nhưng góp phần rất lớn trong việc phổ biến chữ quốc ngữ, văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cuốn sách lần đầu tiên đăng trọn bộ các tác phẩm: Việt Nam sử yếu của Hoàng Cao Khải, Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Đại Nam điển lệ toát yếu của Đỗ Văn Tâm. Đặc biệt, tác phẩm Việt Nam sử yếu trong Bổ Quốc sử -  Đông Dương tạp chí 1915 đã góp phần bổ sung một phần rất quan trọng Chép về đời văn minh giao tiếp gồm 7 chương viết về giai đoạn từ 1802-1911 mà sách Việt sử yếu của nhà xuất bản Nghệ An năm 2007 tái bản không có, từ đó giúp bạn đọc nhìn nhận chính xác hơn về nhân vật lịch sử Hoàng Cao Khải. 


Anh Đỗ Cao Lợi (áo sọc) đang nhận giải - Ảnh: H.Đ.N

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.