Người kể sử thi dần vắng bóng

20/01/2015 09:10 GMT+7

Viễn cảnh sử thi Tây nguyên, trong đó có sử thi Êđê (khan), chỉ tồn tại trên giấy đang hiện rõ khi môi trường diễn xướng mất dần, nghệ nhân hát kể ngày càng vắng bóng.

Viễn cảnh sử thi Tây nguyên, trong đó có sử thi Êđê (khan), chỉ tồn tại trên giấy đang hiện rõ khi môi trường diễn xướng mất dần, nghệ nhân hát kể ngày càng vắng bóng.

Người kể sử thi dần vắng bóng
Một buổi trình diễn hát kể sử thi ở xã Ea Tul, H.Cư Mgar, Đắk Lắk - Ảnh: Ngọc Quyền
Buôn làng ít dần hát kể khan
Những mùa rẫy gần đây, số đêm hát kể sử thi Êđê của ông Y Wang Hwing, một nghệ nhân gần 60 tuổi ở buôn Triă, xã Ea Tul, H.Cư Mgar (Đắk Lắk), chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các lễ hội, lễ cúng trong buôn làng ngày càng ít đi, người làm cà phê bận rộn hơn trước, lớp trẻ chỉ thích các phương tiện nghe nhìn hiện đại… Đó là lý do khiến những dịp hát kể sử thi hiếm hoi của ông không còn nhiều người nghe.
Theo ông Y Wang, hát kể sử thi Êđê là sinh hoạt văn hóa dân gian có từ xa xưa, được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Ngày trước hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân hát kể (gọi là pô khan), có buôn 2-3 người; những người thuộc nhiều sử thi được cộng đồng hết sức tôn trọng, mến mộ. Vào những dịp lễ hội, lễ cúng của buôn làng, hoặc tang ma, hầu hết đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em đều có thể tụ họp tại nhà dài để nghe pô khan diễn xướng. Người thế hệ sau nghe lời kể khan của người lớp trước, sau đó tự nhớ, tự trau dồi kỹ năng của mình để có thể kể lại cho người khác. Chỉ những người có năng khiếu, có trí nhớ tốt mới có thể nhớ trọn vẹn một hoặc vài bộ sử thi đồ sộ như Đam San, Đam Di, Khinh Jú..., mỗi bộ dài đến vài chục ngàn câu.
“Nghe kể sử thi bây giờ chủ yếu là những người già, nhưng cũng ít dần vì họ lần lượt về với tổ tiên ông bà, tụi trẻ thì thích nghe nhạc trên điện thoại, chơi game máy tính. Hiếm người ở các buôn làng có thể ngồi nghe sử thi thâu đêm suốt sáng như trước kia nên mình không còn nhiều cảm hứng hát kể”, Y Wang trầm ngâm nói.
Vui buồn cùng di sản
Đến nay, các nhà nghiên cứu đã thống kê, sưu tầm trên 80 sử thi Êđê trên địa bàn Đắk Lắk; trong đó có 10 sử thi được in thành tác phẩm. Mới đây, sử thi Êđê, cùng với Ót Ndrông (sử thi của dân tộc M’nông), Hơmon (sử thi Ba Na) được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được vinh danh là nỗi lo về duy trì, phát huy di sản này trong đời sống đương đại.
Theo thống kê mới nhất của Sở VH-TTDL Đắk Lắk, hiện cả tỉnh có trên 700 buôn Êđê nhưng chỉ còn 8 nghệ nhân hát kể sử thi (ở 3 huyện Cư Mgar, Krông Pắk và Krông Búk), so với con số 64 nghệ nhân vào năm 2003. Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, cho biết qua điều tra, khá nhiều nghệ nhân hát kể nổi tiếng trước đây đã qua đời, nhiều nghệ nhân lớn tuổi chỉ nhớ một vài đoạn sử thi, hoặc chỉ biết tên sử thi mà không còn nhớ nội dung. “Nền nếp sinh hoạt văn hoá, lao động ở buôn làng thay đổi, cùng quá trình đô thị hóa đã khiến không gian diễn xướng sử thi như nhà dài, chòi rẫy, lễ hội mất dần, nhiều nghệ nhân không có cơ hội hát kể trong thời gian dài nên quên luôn sử thi mình từng nhớ”, ông Y Kô lý giải.
Theo ông Y Kô, hiện Sở VH-TT-DL Đắk Lắk đang xúc tiến xây dựng kế hoạch và chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy hát kể sử thi cho thế hệ sau bằng việc đưa sử thi vào giảng dạy ở các trường dân tộc nội trú, lập các câu lạc bộ nghệ nhân ở buôn làng… “Tuy vậy, cái khó hiện nay không chỉ ở chỗ đào tạo người kế tục hát kể sử thi mà còn làm sao tạo ra lượng người nghe sử thi, bởi không có người nghe thì nghệ nhân không thể hát kể. Lúc đó, sử thi chỉ tồn tại trên trang giấy in mà không thể “sống” trong cộng đồng”, ông Y Kô nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.