Người đưa Lô Lô Chải thành 'mỏ vàng' du lịch

27/05/2023 12:52 GMT+7

Sau 12 năm đưa du lịch về thôn Lô Lô Chải, đến nay thôn đã có 32 hộ gia đình làm dịch vụ homestay, đời sống kinh tế của bà con thay đổi rõ rệt.

Trưởng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, H.Đồng Văn, Hà Giang), anh Sình Dỉ Gai, người tiên phong mở lối đưa du lịch về thôn, cho biết: Mỗi tháng, Lô Lô Chải đón khoảng 1.000 khách du lịch lưu trú. Tính từ năm 2011 đến nay, doanh thu mà Lô Lô Chải thu được từ dịch vụ du lịch khoảng trên 5 tỉ đồng.

Lộ "vàng mười" trên vùng đá xám

Nếu ai từng đến thăm Lô Lô Chải trước năm 2011 thì giờ đây sẽ không thể nhận ra thôn nghèo quanh năm trồng ngô ngày nào. Bởi hiện nay Lô Lô Chải đã trở thành điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng, không chỉ hấp dẫn với người dân Việt Nam mà còn thu hút rất đông du khách quốc tế.

Dẫn chúng tôi đi tham quan thôn bản, trưởng thôn Sình Dỉ Gai cho biết: Địa hình ở Lô Lô Chải rất gồ ghề, đường đi đầy rẫy đá tai mèo sắc nhọn, người dân chỉ biết trông cậy vào trồng ngô, nuôi lợn, thường xuyên bị thiếu ăn. Thêm nữa, đồng bào người Lô Lô là dân tộc ít người đã quen sống thu mình, ít giao tiếp với bên ngoài nên cũng không biết đến sinh kế nào khác.

Anh Gai đến với nghề làm du lịch cũng nhờ cơ duyên. Cách đây 12 năm, có một cán bộ Đại sứ quán Luxembourg tại Việt Nam ghé thăm Lô Lô Chải. Vị cán bộ ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa của người Lô Lô và tin rằng Lô Lô Chải rất có tiềm năng phát triển du lịch. Anh Gai cười mộc mạc: "Tôi từ bé sống ở đây chả thấy gì đẹp mà ông ấy cứ khen đẹp, khuyên nên làm du lịch, là vàng mười đấy".

Người đưa Lô Lô Chải thành 'mỏ vàng' du lịch - Ảnh 2.

Trang phục truyền thống của người Lô Lô rất đặc trưng

Sau đó, phía Luxembourg làm việc với tỉnh Hà Giang và đã tài trợ cho 3 gia đình đầu tiên làm dịch vụ homestay, trong đó có gia đình trưởng thôn Gai. Nắm bắt thời cơ, anh Gai cùng gia đình sửa sang lại nhà cửa, vườn tược, trưng bày các sản phẩm văn hóa của người Lô Lô như: trang phục, dụng cụ nông nghiệp, khí cụ âm nhạc... để thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, thời gian đầu làm du lịch, 2 hộ gia đình kia đã nhanh chóng thất bại do thiếu kinh nghiệm và tính kiên trì. Homestay của gia đình anh Gai tuy có "đắt" khách hơn nhưng cũng chỉ thu nhập "túc tắc", chưa thể trở thành sinh kế chủ yếu của gia đình.

Mãi năm 2014, anh Gai mạnh dạn dựng thêm homestay nhà trình tường truyền thống. Homestay Sình Dỉ Gai bắt đầu có thương hiệu, đông khách và duy trì được lượng khách quen. Đến nay, với 3 homestay, thu nhập của gia đình anh Gai khoảng 20 triệu đồng/tháng, tạo thêm việc làm cho 2 lao động. Anh Gai kể năm ngoái có nhà đầu tư ở Hà Nội đến ngỏ lời mua lại homestay của anh với giá 8 tỉ đồng nhưng anh từ chối, không phải vì giá cả mà vì anh muốn giữ lại bản sắc văn hóa của người Lô Lô cho con cháu sau này.

Người đưa Lô Lô Chải thành 'mỏ vàng' du lịch - Ảnh 3.

Gia đình anh Sình Dỉ Gai trước ngôi nhà truyền thống của người Lô Lô

"Trẻ con, người già cũng nói được tiếng Anh"

Thấy gia đình trưởng thôn Sình Dỉ Gai làm du lịch bắt đầu có của ăn của để, một số hộ gia đình trong thôn cũng học tập làm theo. Trưởng thôn Gai tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con dựng homestay, mở rộng đường thôn ngõ bản, trồng hoa nơi công cộng, xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ để đón khách du lịch.

Năm 2021, trưởng thôn Sình Dỉ Gai đã vận động nông dân thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp homestay Lô Lô Chải để đoàn kết, giúp đỡ nhau làm kinh tế du lịch. Đã có 30 hội viên tham gia và anh được tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội trưởng. Anh Gai còn hướng dẫn hội viên cài đặt các phần mềm hỗ trợ, truyền thông và kết nối tour du lịch với du khách.

Để giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ, trưởng thôn Gai phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn thành lập tổ hợp tác liên kết thêu dệt thổ cẩm tại Lô Lô Chải với 30 hội viên. Các sản phẩm thổ cẩm được bày bán không chỉ quảng bá bản sắc văn hóa người Lô Lô qua trang phục mà còn đem lại nguồn thu cho tổ lên đến trên 200 triệu đồng/năm.

Người đưa Lô Lô Chải thành 'mỏ vàng' du lịch - Ảnh 4.

Trưởng thôn Sình Dỉ Gai (trái) giới thiệu về vị trí của thôn với du khách

Tác giả cung cấp

Gia đình anh Gai còn tiên phong hiến đất mở đường và vận động bà con cùng hiến để tạo ra những con đường thôn rộng rãi, được bê tông hóa ô tô có thể đi vào thuận tiện. Đặc biệt, trưởng thôn Gai tổ chức, vận động bà con học tiếng Anh để giao tiếp với khách du lịch nước ngoài. Đến nay, khoảng 50% người dân có thể giao tiếp trôi chảy với khách nước ngoài, nhiều trẻ em và người già cũng có thể nói được tiếng Anh thông dụng.

Lô Lô Chải hiện nay không còn là thôn bản thuần trồng ngô mà gần như trở thành thôn "thuần du lịch". Các dịch vụ ở đây chuyên nghiệp và hiện đại không thua kém những khu du lịch nổi tiếng như dịch vụ xe điện, thuê trang phục, chụp ảnh, hướng dẫn viên... Đặc biệt, các homestay còn phục vụ các món ăn đặc sản địa phương như thịt lợn đen, đậu chúa, thắng cố, mèn mén... khiến du khách rất ấn tượng và "khứ hồi" Lô Lô Chải liên tục. Ngoài ra còn có 5 nhà hàng phục vụ ăn uống, 1 hộ nhà cổ kinh doanh cà phê, nước uống đáp ứng phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách.

Sau 12 năm "ngoặt mình" chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Lô Lô Chải hiện nay đã thay da đổi thịt trông thấy. Hầu như nhà nào cũng sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh và dĩ nhiên không còn bị thiếu ăn những ngày giáp hạt. Người Lô Lô yêu nghề du lịch vì họ ý thức được rằng làm du lịch không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn là cách để họ bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa.

Giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia

Sinh ra ở vùng đất địa đầu Tổ quốc (Lô Lô Chải chỉ cách Cột cờ Lũng Cú hơn 1 km), từ nhỏ Sình Dỉ Gai đã ý thức được chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền quốc gia là nghĩa vụ của công dân. 25 tuổi, anh xung phong vào dân quân xã rồi sau đó lên đội trưởng. Từ đó, anh Gai thường xuyên cùng bộ đội biên phòng đi tuần tra biên giới, tuyên truyền cho bà con không trồng ngô sang đất của nước bạn và ngược lại. Đến năm 2008, anh Gai được bà con bầu làm trưởng thôn, và được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Chia sẻ về tình hình an ninh trật tự tại Lô Lô Chải, anh Gai nói: "Ý thức được vị trí là thôn bản biên cương của Tổ quốc, trong 14 năm qua, tôi đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về ý thức giữ gìn an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong nhiều năm qua, Lô Lô Chải không có trọng án, không có tệ nạn xã hội nghiêm trọng, không có đơn thư khiếu nại vượt cấp, tôi còn chủ động khuyên bảo, cảm hóa, giáo dục hàng chục thanh, thiếu niên mải chơi, chưa ngoan".

Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, ông Chu Văn Hương nhận xét: "Đồng chí Sình Dỉ Gai đã phát huy vai trò tiên phong, dám nghĩ dám làm của người đảng viên trong làm kinh tế mới. Khi có chủ trương của huyện, xã về phát triển du lịch, đồng chí Gai đã trực tiếp giúp đỡ nhiều hộ chuyển đổi chuồng trại sang làm mô hình homestay, đồng thời có những cách làm hay để ngày càng thu hút khách du lịch đến Lô Lô Chải cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Lô Lô". 

Một số thành tích Sình Dỉ Gai được nhận

Một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tặng; bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang năm 2022; giấy khen của Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang 2022; Du lịch cộng đồng Lô Lô Chải đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Hà Giang...

Người đưa Lô Lô Chải thành “mỏ vàng” du lịch - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.