Người dân khốn khổ vì nhà máy gây ô nhiễm: Đeo khẩu trang khi ngủ, trốn... vào rẫy

13/04/2023 12:12 GMT+7

Khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi từ một nhà máy sản xuất viên nén gỗ trong khu dân cư khiến người dân phải đeo khẩu trang đi ngủ, có hộ phải bỏ vào rẫy ở.

Nhiều người dân tại thôn 5, xã Cư Mốt (H.Ea H'leo, Đắk Lắk) bức xúc phản ánh từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy viên nén gỗ gây ô nhiễm bụi bẩn, tiếng ồn, mùi hôi, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Nhà máy nằm ngay khu dân cư

Vừa lau lớp bụi than gỗ bám trên mặt bàn, bà Hồ Thị Hanh (70 tuổi) cho biết mấy tháng qua bà không dám mở cửa vì sợ bụi, mùi hôi từ nhà máy phía đối diện. Dù vậy, những lớp bụi than, bụi gỗ vẫn len lỏi, theo gió phát tán vào nhà, cảm giác rất khó thở, ngứa ngáy. "Mỗi ngày tôi lau dọn nhiều lần nhưng giờ trong nhà cũng bẩn như ngoài ngõ. Nhiều hôm, chúng tôi vừa đeo khẩu trang vừa ngủ nhưng chẳng thể chợp mắt vì mùi hôi, tiếng ồn", bà Hanh than thở.

Dân khốn khổ vì ô nhiễm khói bụi từ nhà máy viên nén gỗ  - Ảnh 1.

Bụi bẩn từ nhà máy viên nén gỗ phát tán vào nhà của những hộ dân xung quanh

HOÀNG BÌNH

Cũng vì bụi bẩn, tiếng ồn tấn công, mấy tháng qua chưa đêm nào bà Đỗ Thị Nga (45 tuổi, nhà ở cách nhà máy viên nén khoảng 50m) được ngủ yên giấc. "Cứ gà gáy là mẹ con thức giấc, ho sặc sụa rồi phải ôm nhau chạy vào rẫy ngủ vì nhà máy xả khói. Có hôm trời mưa, đường lầy mẹ con tôi buộc phải ra nhà tắm ngủ tạm vì không thể ở trong nhà", bà Nga ngán ngẩm.

Dân khốn khổ vì ô nhiễm khói bụi từ nhà máy viên nén gỗ  - Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất viên nén gỗ chỉ cách nhà dân từ 15 - 50m.

HOÀNG BÌNH

Theo ghi nhận, nhà máy viên nén gỗ nói trên của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy (Công ty lâm nghiệp Ea Wy) liên kết với Công ty TNHH sản xuất Nguyên Đạt nằm sát khu dân cư, chỉ cách nhà dân khoảng 15 - 50m. Dù trời hè nắng nóng nhưng hầu hết các hộ dân xung quanh nhà máy đều cửa đóng then cài, buông rèm kín mít. Bên trong nhà, nhiều người phải dùng các túi nhựa to nhỏ trùm lên các đồ vật như ly, chén, khay uống nước để ngăn bụi.

Người dân cho biết đã có đơn gửi chính quyền địa phương phản ánh về việc nhà máy sản xuất viên nén gây tiếng ồn, bụi bẩn.

Cán bộ xuống là dừng, cán bộ đi thì tiếp tục?

Ông Bùi Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cư Mốt, cho biết xã đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động, bổ sung các hồ sơ về xây dựng, môi trường. Tuy nhiên, đến nay xã chưa nhận được các hồ sơ liên quan. Cũng theo ông Hoàng, nhà máy trên có diện tích gần 6 sào (6.000 m2). Trong các buổi kiểm tra, đại diện phía nhà máy tỏ ra thiện chí, hợp tác. Tuy nhiên, khi lực lượng của xã rời đi, họ lại nhập củi, gỗ và hoạt động.

"Có vẻ họ xem nhẹ yêu cầu của xã. Khi dân báo tin, chúng tôi lên kiểm tra thì họ dừng, chúng tôi về thì đâu lại vào đó. Công ty cứ viện lý do đang thử nghiệm dây chuyền sản xuất viên nén để chống chế", ông Hoàng nói.

Dân khốn khổ vì ô nhiễm khói bụi từ nhà máy viên nén gỗ  - Ảnh 3.

Bên trong nhà máy sản xuất viên nén gỗ bị người dân tố gây ô nhiễm khu dân cư

HOÀNG BÌNH

Lãnh đạo UBND xã Cư Mốt nói thêm, ngay từ khi nhà máy xây dựng, xã đã kiểm tra, yêu cầu tạm dừng và báo cáo lên UBND H.Ea H'leo việc xây dựng nhà máy gần khu dân cư không phù hợp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Liên quan vụ việc, ông Lê Ngọc Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Ea H'leo, cho biết ngày 6.4 vừa qua, huyện đã xuống kiểm tra thực tế, chỉ đạo nhà máy tạm dừng hoạt động, giao UBND xã Cư Mốt kiểm tra lại giấy phép, ngành nghề hoạt động, nếu sai thì xử lý theo quy định.

"Sau khi làm rõ những vấn đề liên quan, nếu nhà máy không đảm bảo, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che dung túng. Vị trí xây dựng nhà máy viên nén đã được đưa vào quy hoạch đất xây dựng trụ sở UBND xã Cư Mốt. Do đó, về lâu dài tất nhiên nhà máy phải di dời", ông Hùng nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Tấn Việt, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea Wy, cho biết do nhà máy viên nén gỗ đang trong quá trình vận hành thử nên có một số khuyết điểm trong hệ thống vận hành, khiến khói bụi phát tán ra ngoài. "Sau khi người dân phản ánh, đơn vị đã tạm dừng hoạt động sản xuất viên nén và đang cùng phía đối tác làm rõ nguyên nhân, khuyết điểm trong dây chuyền sản xuất để khắc phục", ông Việt nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.