Người có công 'vực dậy' một làng nghề

29/09/2014 15:03 GMT+7

Chị Trương Thị Bạch Thủy (ngụ ấp Phước Hòa Tiền, thị trấn Phước Long, H.Phước Long, Bạc Liêu) được xem là người có công vực dậy và làm giàu bằng nghề đan đát truyền thống ở địa phương.

Người có công 'vực dậy' một làng nghề
 Chị Thủy kiểm tra các mặt hàng trước khi bán ra thị trường - Ảnh: Trần Thanh Phong

Chị Thủy sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề đan đát. Thấy cảnh nhiều người phải bỏ làng đi làm thuê kiếm sống, chị luôn trăn trở tìm cách giúp bà con có thể sống được tại quê nhà. Năm 2000, khi mới 17 tuổi, chị đã mạnh dạn xin gia đình thành lập cơ sở đan đát riêng với số vốn khởi điểm là 30 triệu đồng. Chị Thủy kể khi mới thành lập, nói là cơ sở cho oai chứ thực chất chỉ tận dụng căn nhà của cha mẹ, số tiền dành dụm được chị mua nguyên liệu rồi thuê vài công nhân ở địa phương để đan đát các mặt hàng thông dụng. Thời gian mới khởi nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, chị phải khăn gói đến các làng nghề đan đát trong khu vực để học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận. Hiện ngoài những sản phẩm thiết thực trong đời sống hằng ngày, chị Thủy còn tập trung sản xuất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây trúc, lục bình để phục vụ khách du lịch.

Sau 14 năm khởi nghiệp, từ một cơ sở nhỏ nay chị Thủy đã thành lập được DNTN đan đát Thủy Tuyết, mỗi ngày sản xuất hàng ngàn sản phẩm các loại; giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho khoảng 300 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Sản phẩm do doanh nghiệp chị Thủy làm ra được bán khắp khu vực ĐBSCL, TP.HCM, Bình Dương… và chị đang liên kết để tìm đường xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp sang thị trường Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Hai (ngụ ấp Phước Hòa Tiền) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn do con đông, không đất sản xuất. Hiểu nỗi khổ đó, ngoài việc đặt hàng làm sản phẩm để giúp chị Hai có thêm thu nhập, chị Thủy còn thu nhận 2 người con lớn của chị Hai vào làm việc tại cơ sở của mình. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình chị Hai đã khá hơn so với trước.

Bà Lê Thị Ái Nguyên, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ H.Phước Long, cho biết chị Thủy thường xuyên đề xuất sáng kiến về các mô hình xóa đói giảm nghèo cho chị em phụ nữ và luôn đóng góp tích cực trong các hoạt động xã hội ở địa phương. Cơ sở của chị cũng đã giúp hàng trăm phụ nữ có thêm thu nhập.

Từ số vốn lập nghiệp ít ỏi ban đầu, đến nay chị Thủy đã sở hữu trong tay hàng tỉ đồng. DNTN đan đát Thủy Tuyết đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường với mức lãi bình quân trên 100 triệu đồng/tháng. “Có được thành công như hôm nay, chị em chúng tôi phải đổ mồ hôi, tâm huyết cho từng sản phẩm. Phải yêu nghề mới sống được với nghề”, chị Thủy tâm sự.

Trần Thanh Phong

>> Người hồi sinh nghề đan đát Giồng Đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.