'Người bán hàng từ Trung Quốc livestream ngay cửa khẩu, người Việt ùn ùn mua'

13/05/2024 21:56 GMT+7

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, giờ đây 'ai cũng có thể làm giàu trên nền tảng thương mại điện tử. Thậm chí, người bán hàng từ Trung Quốc đang livestream ngay ở cửa khẩu và người Việt Nam thì ùn ùn mua hàng'.

Phát biểu tại Hội thảo quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 13.5, tại Hà Nội, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cùng chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

NT

Việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số khiến việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nhấn mạnh: "Ai cũng có thể làm giàu trên nền tảng thương mại điện tử".

Bày tỏ rất ngạc nhiên khi thấy nghệ sĩ có thể thu hàng trăm tỉ đồng qua kinh doanh online, livestream, bà Cúc lo ngại số thuế thu được từ đối tượng này ra sao, quản lý thương mại điện tử rất khó khăn.

"Đây mới là mảng nổi, còn những mảng chìm khác. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn kinh doanh thương mại điện tử ở nước ta. Thậm chí, người bán hàng từ Trung Quốc đang livestream ngay ở cửa khẩu và người Việt Nam thì ùn ùn mua hàng", bà Cúc đặt vấn đề.

Tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng để quản lý thuế

Nhìn nhận làm thế nào để quản lý thuế là điều khó khăn, bà Cúc phân tích: "Trong luật Quản lý thuế đã đưa ra các biện pháp kết nối cơ sở dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ khấu trừ tiền thuế của người bán, nhưng điều đó đã được làm chưa?".

Cũng theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, có những cơ sở dữ liệu có thể được đưa ra trên những nền thương mại điện tử, sau đó xóa ngay; các thông tin về mua bán có thể xóa. "Họ có thể xóa trên nền tảng nhưng chắc chắn chuyển số tiền lớn thì không thể chuyển tiền mặt. Biện pháp tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng để quản lý thu thuế rất quan trọng", bà Cúc nhấn mạnh.

Dù việc thực hiện còn nhiều khó khăn, nhưng Chủ tịch VTCA tin tưởng, ngành thuế sẽ từng bước quản lý tốt khi có sự kết nối, kết hợp dữ liệu từ các tổ chức tín dụng, nền tảng số, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)…

Liên quan tới vấn đề quản lý thuế, đặc biệt là thuế trong thương mại điện tử, ông Trần Hữu Trung, Chủ nhiệm cao cấp về tư vấn công nghệ (EY Việt Nam), cho rằng với việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, giao dịch thực hiện nhiều hơn qua ngân hàng, trung gian thanh toán, cơ quan thuế có điều kiện tốt hơn để thu thập dữ liệu. 

Cạnh đó, ngành thuế còn có hỗ trợ từ dữ liệu hóa đơn điện tử, đơn đặt hàng… Tuy nhiên, việc thu thập mới thực hiện được thông qua các sàn, còn trên mạng xã hội khó khăn hơn rất nhiều.

Khẳng định đây không chỉ là vấn đề của ngành thuế Việt Nam, ông Trung nêu rõ, các quốc gia khác cũng gặp tình trạng tương tự. Vì vậy, việc thu thập dữ liệu cần có sự cung cấp, phối hơp, trao đổi thông tin nhiều hơn giữa các cơ quan nhà nước với các sàn, nền tảng mạng xã hội...

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.