Ngôi đình 40 năm cúng ở… lề đường

10/03/2017 14:02 GMT+7

Theo các vị cao tuổi ở địa phương, đình Long Bình được lập vào năm 1930, thờ đại danh thần Nguyễn Tri Phương, người từng giữ chức Kinh lược sứ Nam kỳ thời nhà Nguyễn.

Trước năm 1975, ngôi đình thuộc xã Bình Luông Đông, Q.Hòa Bình, tỉnh Gò Công cũ. Sau khi Gò Công sáp nhập vào tỉnh Mỹ Tho và đổi tên thành Tiền Giang thì Bình Luông Đông đổi thành xã Long Bình, nay thuộc H.Gò Công Tây.
“Nghe cậu tôi kể lại ngôi đình xưa lớn lắm. Mái đình lợp ngói, nền cao chừng một thước, tất cả các cột đều bằng gỗ căm xe. Trước sân đình có hàng dương cao vút. Khi lập đình có xin phép và được triều đình Huế phong sắc thần. Mỗi lần phơi sắc, 12 hội tề áo dài khăn đóng nghiêm chỉnh đứng hầu. Hồi đó mỗi năm đình có 3 lệ cúng: tháng Giêng âm lịch lễ thượng điền, cúng lệ cầu an, cúng thần; tháng năm cúng hạ điền và tháng sáu cúng cầu bông. Mỗi lần cúng đều có lễ, nhạc, tống gió, hát bội, dân trong làng tụ họp lại đông đủ”, một vị cao tuổi cho biết.
Vào những năm chiến tranh, người phụ trách khánh tiết của đình đem sắc thần về nhà cất giữ. Khi cả dãy nhà trong xóm bị cháy, cháy luôn sắc thần. Sau năm 1975, ngôi đình xưa bị đập bỏ, không còn chỗ cúng.
Lúc bấy giờ, hằng năm người phụ trách khánh tiết của đình là ông Nguyễn Văn Chôm, còn gọi là ông Cả, đem về nhà nấu nướng rồi tổ chức cúng ở ngoài lề đường, suốt 40 năm, nhưng người dân trong xã vẫn tới dự.
Sau khi ông Cả mất, từ năm ngoái người dân đóng góp tiền rồi ký đơn tập thể xin chính quyền cho cất tạm một ngôi nhà lợp tôn, vách tường, ngay cạnh bờ đê tại ấp Hòa Phú để làm nơi thờ cúng, cầu “mưa thuận gió hòa”, mặc dù người dân rất muốn khôi phục lại ngôi đình nhưng không xin phép được vì không có sắc thần.
Tuy vậy ở giữa ngôi nhà vẫn có lập bàn thờ danh thần Nguyễn Tri Phương. Ngày 12 tháng Giêng âm lịch mới đây, người dân địa phương tụ họp lại căn nhà nói trên để tổ chức lễ thượng điền, cúng thần, nhưng gọi là cúng cầu an, vì “không có danh chính ngôn thuận”!
Theo ông Nguyễn Ngọc Châu (64 tuổi), từng giữ chức Xã đội trưởng rồi Trưởng công an xã Long Bình, sau năm 1975, địa điểm của ngôi đình đầu tiên nằm ở phía sau trụ sở UBND xã hiện giờ. “Sau năm 1945, trong thời kỳ phát động phong trào tiêu thổ kháng chiến, ngôi đình bị đập bỏ một lần. Khoảng năm 1965, ngôi đình được xây lại ở phía bên kia đường, ngay chợ Long Bình bây giờ. Đến năm 1977 thì bị đập bỏ lần thứ 2 để xây trụ sở hợp tác xã mua bán và hợp tác xã nông nghiệp. Sau đó trụ sở hợp tác xã bị đập bỏ để xây chợ Long Bình. Hồi đó, sau khi đập bỏ ngôi đình, chính tôi đã đem 3 bộ lư xưa gởi ở Linh Sơn Tự, còn gọi là chùa Cây Gạo”, ông Châu kể.
Ông Châu nói thêm: “Cách nay 3 năm, dân địa phương thấy việc cúng ông Nguyễn Tri Phương ngoài đường ngoài sá hoài coi kỳ quá, mới bàn nhau đưa về cúng ở căn nhà nhỏ trên bờ đê rồi sau đó mới xin chính quyền cho cất ngôi nhà tạm như hiện nay và đem bộ lư có niên đại “hơn 100 năm” về thờ. Còn 2 bộ kia thì tặng lại chùa vì có công cất giữ. Ba năm nay, mỗi lần cúng đều có mời đại diện chính quyền địa phương tới dự. Nhưng đa số người dân đều mong muốn được công nhận là đình”.
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Thọ, Chủ tịch UBND xã Long Bình, cho biết cách đây vài năm, người dân có xin cất cái nhà hiện nay trên đất công để làm nơi thờ cúng. Nhưng vì vị trí nằm trên bờ đê ngăn mặn, theo quy định thì trên phạm vi 5 m không được xây cất kiên cố. Vì vậy khi người dân xin, chính quyền địa phương đã đồng ý nhưng chỉ cho xây cất tạm, không được cất kiên cố.
Cũng theo ông Thọ, chính quyền không đòi hỏi phải có sắc thần. Tuy vậy, việc cho phép xây cất ngôi đình chính thức thì không thuộc thẩm quyền của cấp xã mà phải xin phép ở cấp trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.